Bài viết

Phân biệt bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị là hai loại hình bảo hiểm nhân thọ kết hợp quyền lợi bảo vệ rủi ro và đầu tư sinh lời. Trong bài viết dưới đây, AIA sẽ giúp bạn hiểu chi tiết hơn về hai loại bảo hiểm liên kết này và cách phân biệt chúng, cũng như đưa ra lời khuyên cho bạn nên tham gia loại nào phù hợp với nhu cầu và tài chính của mình. Cùng bắt đầu ngay!

Bảo hiểm liên kết chung là gì?

Khái niệm

Bảo hiểm liên kết chung là một loại bảo hiểm nhân thọ giúp người tham gia vừa được bảo vệ trước các rủi ro, vừa có thể gia tăng tài sản thông qua các quỹ liên kết chung. Với bảo hiểm liên kết chung, phần quyền lợi và chi phí sẽ được tách bạch rõ ràng thành hai phần riêng biệt là bảo vệ và đầu tư.

Đây là sản phẩm bảo hiểm có tính linh hoạt cao. Người tham gia có thể yêu cầu điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng như chi phí bảo hiểm, hoán đổi giá trị đầu tư … để phù hợp với mục đích và tài chính ở những thời điểm khác nhau.

Đặc điểm

Theo Điều 2, Thông tư 52/2016/TT-BTC nêu ra các đặc điểm của bảo hiểm liên kết chung như sau:

- “Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các Khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.”

Phí bảo hiểm liên kết chung sẽ được chia làm hai phần:

- Phần bảo hiểm: Người tham gia đóng khoản phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia trong trường hợp không may bị tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn.

- Phần đầu tư: Công ty bảo hiểm sử dụng khoản phí này để đầu tư vào quỹ liên kết chung đang sở hữu. Người tham gia sẽ được hưởng lãi suất từ khoản đầu tư này nhưng không thấp hơn lãi suất doanh nghiệp bảo hiểm cam kết trong hợp đồng.

Ý nghĩa

Bảo hiểm liên kết chung có ý nghĩa vừa bảo vệ người tham gia trước các rủi ro vừa giúp tiết kiệm và đầu tư an toàn.

Người tham gia được bảo vệ và hưởng quyền lợi nếu không may gặp rủi ro tử vong, thương tật vĩnh viễn. Số tiền bảo hiểm tối thiểu không thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm định kỳ năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần.

Các loại tài sản trong quỹ liên kết chung như trái phiếu chính phủ, tiền gửi có kỳ hạn, … có độ an toàn cao nên đây cũng là một lựa chọn đầu tư tốt cho những người mới bắt đầu. Hơn nữa, người tham gia chỉ cần một khoản tiền nhỏ và có thể ủy thác việc đầu tư cho bên tham gia bảo hiểm, đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư an nhàn, tiết kiệm thời gian. Mức lãi suất được hưởng tối thiểu bằng mức lãi suất công ty bảo hiểm đã cam kết nên giá trị tài sản sẽ tăng dần hàng năm.

Lưu ý khi tham gia

Khi tham gia bảo hiểm liên kết chung, người tham gia cần lưu ý các điều sau đây:

Hiểu rõ cơ cấu phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm liên kết chung sẽ được tách bạch thành hai phần rõ ràng là phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.

Nắm được toàn bộ các loại phí mà người mua bảo hiểm cần đóng: Theo Điều 6, Thông tư 52/2016/TT-BTC, công ty bảo hiểm chỉ được phép tính các loại phí cho người mua bảo hiểm như sau:

- Phí ban đầu: là toàn bộ các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào quỹ liên kết chung.

- Phí bảo hiểm rủi ro: là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

- Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm: là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì, cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

- Phí quản lý quỹ: Phí để trả cho các hoạt động đầu tư và quản lý quỹ liên kết chung.

- Phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm: là khoản phí tính cho khách hàng khi hủy bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi hợp lý có liên quan.

Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Chọn công ty bảo hiểm uy tín: Bạn nên lựa chọn các công ty bảo hiểm minh bạch, hoạt động đúng pháp luật, nhân viên chuyên nghiệp và có hiệu quả đầu tư tốt trong những năm gần đây để tham gia.

Bảo hiểm liên kết đơn vị là gì?

Khái niệm

Bảo hiểm liên kết đơn vị là một loại bảo hiểm nhân thọ giúp người tham gia vừa được bảo vệ trước rủi ro đồng thời có cơ hội sinh lời thông qua đầu tư và các Quỹ liên kết đơn vị. Phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư được tách bạch.

Quỹ liên kết đơn vị là quỹ được thành lập bởi công ty bảo hiểm thông qua các khoản phí người tham gia bảo hiểm đóng của các hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị. Người tham gia có thể lựa chọn tham gia quỹ nào và sẽ hưởng toàn bộ kết quả đầu tư cũng như chịu mọi rủi ro từ việc đầu tư vào Quỹ đơn vị đã chọn.

Đặc điểm

Theo Điều 2 Thông tư 135/2012/TT-BTC, Bảo hiểm liên kết đơn vị có những đặc điểm sau:

- “Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.

- Bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm của mình để mua các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư. Việc mua, bán các đơn vị quỹ chỉ được thực hiện giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.

- Doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng các khoản phí do bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.”

Phí bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ được chia làm hai phần:

- Phần bảo hiểm: Người tham gia đóng khoản phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người tham gia trong các trường hợp đã quy định trong hợp đồng.

- Phần đầu tư: Người tham gia sẽ lựa chọn tham gia các Quỹ liên kết đơn vị của công ty bảo hiểm và hưởng toàn bộ lợi nhuận cũng như chịu mọi rủi ro từ kết quả đầu tư của quỹ.

Ý nghĩa

Bảo hiểm liên kết đơn vị có ý nghĩa vừa bảo vệ khách hàng trước các rủi ro, tai nạn hay bệnh tật bất ngờ, vừa giúp khách hàng tiết kiệm và đầu tư sinh lời cao hơn.

Đây là sản phẩm rất phù hợp với những người muốn bảo vệ bản thân trước các rủi ro đồng thời có kiến thức về đầu tư. Người tham gia có thể chủ động lựa chọn các Quỹ đơn vị theo đánh giá sẽ sinh lời cao nhất để tham gia.

Lưu ý khi tham gia

Người mua bảo hiểm liên kết chung cần lưu ý những điều sau đây:

Hiểu rõ cơ cấu phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm liên kết đơn vị sẽ được chia thành 2 phần là phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Phần đầu tư là phần người tham gia sử dụng để đầu tư vào Quỹ liên kết đơn vị. Phần bảo hiểm rủi ro là phần nghĩa vụ bồi thường của công ty bảo hiểm cho người mua bảo hiểm. Theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 135/2012/TT-BTC, công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải đảm bảo quyền lợi tối thiểu trong trường hợp người được bảo hiểm tử vong theo quy định sau:

- “Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần: 50.000.000 đồng Việt Nam hoặc 125% của số phí bảo hiểm đóng một lần, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn;

- Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ: 50.000.000 đồng Việt Nam hoặc năm (05) lần của số phí bảo hiểm đóng hàng năm, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn;

- Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp quyền lợi tử vong với số tiền bảo hiểm thấp hơn mức tối thiểu quy định như trên đối với người được bảo hiểm từ 60 tuổi trở lên, nhưng không thấp hơn 50.000.000 đồng.”

Nắm rõ các khoản phí cần đóng khi tham gia bảo hiểm liên kết đơn vị: Theo Điều 7 Thông tư 135/2012/TT-BTC, công ty bảo hiểm chỉ được thu người mua bảo hiểm những khoản phí sau:

- Phí ban đầu: là toàn bộ các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị.

- Phí bảo hiểm rủi ro: là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.

- Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm: là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

- Phí quản lý quỹ: được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ liên kết đơn vị.

- Phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị: là khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện chuyển đổi tài sản đầu tư giữa các quỹ liên kết đơn vị. Bên mua bảo hiểm được quyền chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị miễn phí cho lần chuyển đổi đầu tiên trong mỗi năm hợp đồng.

- Phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm: là khoản phí tính cho khách hàng khi huỷ bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi hợp lý có liên quan.

- Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Cân đối giữa lợi nhuận kỳ vọng và mức độ chấp nhận rủi ro khi lựa chọn quỹ đơn vị để đầu tư.

Chọn công ty bảo hiểm uy tín: Bạn nên lựa chọn các công ty bảo hiểm minh bạch, hoạt động đúng pháp luật, và có đa dạng các quỹ đơn vị với các loại tài sản khác nhau để dễ dàng lựa chọn được quỹ phù hợp với nhu cầu.

Phân biệt bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị - Nên tham gia loại nào?

Bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị có những điểm tương đồng và khác nhau. Hai loại này có các điểm tương đồng là:

- Đều là loại bảo hiểm nhân thọ có liên kết giữa bảo vệ rủi ro và đầu tư. Cơ cấu phí bảo hiểm được tách riêng giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.

- Có thể đóng thêm phần phí cho khoản đầu tư nhưng tổng số không được vượt quá mức quy định.

- Được hưởng các quyền lợi bảo vệ rủi ro trong hợp đồng và nhận lãi suất liên kết từ các quỹ.

Bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị có những điểm khác biệt như sau:

Tiêu chí

Bảo hiểm liên kết chung

Bảo hiểm liên kết đơn vị

Loại quỹ đầu tư

Quỹ liên kết chung

Quỹ liên kết đơn vị

Hình thức đầu tư

Quỹ liên kết chung sẽ đầu tư được công ty bảo hiểm quyết định và cập nhật thông tin cho bên mua bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm có thể tự do chọn quỹ đơn vị mình sẽ đầu tư.

Lợi ích được hưởng

Hưởng toàn bộ kết quả đầu tư của Quỹ liên kết chung và không thấp hơn lãi suất cam kết được ghi nhận trên hợp đồng bảo hiểm.

Được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư nhưng chịu mọi rủi ro về việc lựa chọn Quỹ đơn vị để đầu tư.

Các loại phí cần đóng

Các loại phí theo luật định, không có đóng phí chuyển đổi quỹ.

Các loại phí theo luật định, cần đóng phí chuyển đổi nếu muốn chuyển đổi Quỹ đơn vị đầu tư. Mỗi năm hợp đồng chỉ được miễn phí chuyển đổi một lần.

Quy định tổng số phí bảo hiểm đóng thêm

(trong mỗi năm hợp đồng)

- Với hình thức đóng phí định kỳ: Không được vượt quá 5 lần mức phí bảo hiểm năm đầu.

Ví dụ: Năm đầu đóng 10 triệu, các năm tiếp theo không được đóng quá 50 triệu/ năm.

- Với hình thức đóng phí một lần: Không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu.

Ví dụ: Năm đầu đóng 60 triệu, khi đóng phí một lần thì không được đóng quá 30 triệu.

- Với hình thức đóng phí định kỳ: Không được vượt quá 10 lần mức phí bảo hiểm năm đầu.

Ví dụ: Năm đầu đóng 10 triệu, các năm tiếp theo không được đóng quá 100 triệu/ năm.

- Đóng phí một lần: Không quá 50% phí bảo hiểm lần đầu.

Ví dụ: Năm đầu đóng 100 triệu, khi đóng phí một lần không được đóng quá 50 triệu.

Vậy nên tham gia loại nào để phù hợp với nhu cầu và tài chính của mình? Câu trả lời phụ thuộc vào mục tiêu, khả năng và sở thích của từng người. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau:

- Nếu bạn muốn đầu tư an toàn, ít rủi ro và ổn định, bạn có thể lựa chọn bảo hiểm liên kết chung. Bạn sẽ được bảo vệ trước các rủi ro và đồng thời được hưởng lợi nhuận từ Quỹ liên kết chung với tỷ suất tối thiểu bằng tỷ suất cam kết. Bạn không cần phải lo lắng về biến động của thị trường hay giá trị tài khoản hợp đồng của mình.

- Nếu bạn muốn đầu tư sinh lời cao, chấp nhận rủi ro cao hơn và linh hoạt hơn, bạn có thể lựa chọn bảo hiểm liên kết đơn vị. Bạn sẽ được bảo vệ trước các rủi ro và đồng thời được hưởng lợi nhuận từ Quỹ liên kết đơn vị với tỷ suất dựa trên kết quả đầu tư của quỹ. Bạn cũng có thể linh hoạt trong việc chọn lựa quỹ liên kết đơn vị theo mức độ chấp nhận rủi ro của mình.

Kết luận

Dù bạn lựa chọn bảo hiểm liên kết chung hay bảo hiểm liên kết đơn vị, bạn cũng nên xem xét kỹ các điều khoản và điều kiện của hợp đồng bảo hiểm, cũng như các chi phí và quyền lợi bảo hiểm. Bạn nên tìm hiểu về công ty bảo hiểm, uy tín, kinh nghiệm và khả năng thanh toán bồi thường của công ty.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị, cũng như cách phân biệt và lựa chọn loại hình bảo hiểm phù hợp cho mình!

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ