Bài viết

Chứng chỉ tiền gửi là gì? Khác sổ tiết kiệm ra sao? Có an toàn không?

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Để trở thành nhà đầu tư thông minh đòi hỏi bạn hiểu rõ về các sản phẩm tài chính hiện hành. Ngoài mua vàng, đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm,.. thì sở hữu chứng chỉ tiền gửi cũng là phương pháp mà khá nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Nhưng bạn đã biết chính xác chứng chỉ tiền gửi là gì và khác biệt của nó so với sổ tiết kiệm thông thường chưa? Đặc biệt, liệu chứng chỉ tiền gửi có đáng tin cậy và an toàn không? Hãy cùng AIA tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Chứng chỉ tiền gửi là gì?

Khái niệm

Theo điều 5 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, chứng chỉ tiền gửi ngân hàng (Certificate of Deposit) là một loại giấy tờ có giá, do ngân hàng phát hành nhằm mục đích huy động vốn từ người mua.

Hiểu đơn giản, giá trị của chứng chỉ tiền gửi tương đương với cuốn sổ tiết kiệm, cho thấy quý khách đang sở hữu một khoản tiền gửi có kỳ hạn nào đó tại ngân hàng và được hưởng lãi suất định kỳ theo quy định hiện hành.

Mục đích

Chứng chỉ tiền gửi là mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và các tổ chức phát hành. Đối với nhà đầu tư, chứng chỉ tiền gửi là một cách để đầu tư cách an toàn. Đặc điểm lãi suất cố định và tính thanh khoản linh hoạt của chứng chỉ tiền gửi thời hạn ngắn thu hút những người muốn tăng thu nhập và bảo vệ vốn trong bối cảnh thị trường biến động.

Đối với các tổ chức phát hành, chứng chỉ tiền gửi giúp huy động vốn và duy trì cơ cấu tài chính ổn định. Bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi, các tổ chức tài chính có thể tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đáp ứng yêu cầu tuân thủ Basel II và nâng cao tỷ lệ an toàn tài chính.

Tuy nhiên, như với bất kỳ công cụ tài chính nào, mua chứng chỉ tiền gửi cần có kế hoạch tài chính rõ ràng. Người mua nên cân nhắc các yếu tố rủi ro trong suốt kỳ hạn, và lên kế hoạch để sẵn sàng đối mặt với những rủi ro không lường trước là điều quan trọng khi đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi.

Nội dung gì trên chứng chỉ tiền gửi

Theo điều 11 TT 01/2021/TT-NHNN quy định nguyên tắc khi phát hành chứng chỉ tiền gửi theo hình thức chứng chỉ hoặc chứng nhận quyền sở hữu phải đảm bảo bao gồm các thông tin dưới đây:

- Tên tổ chức/ ngân hàng phát hành.

- Tên gọi của loại giấy tờ (chứng chỉ tiền gửi);

- Mệnh giá, thời gian hiệu lực, ngày phát hành, ngày đến hạn đáo hạn;

- Ký hiệu, số seri phát hành chứng chỉ tiền gửi;

- Lãi suất, phương thức trả lãi, thời gian trả lãi, địa điểm nơi thanh toán gốc và lãi;

- Nếu người mua là tổ chức: Tên tổ chức, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức mua chứng chỉ tiền gửi;

- Nếu người mua là cá nhân: Họ tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, địa chỉ của người mua chứng chỉ tiền gửi;

- Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng theo pháp luật

- Thể hiện loại chứng chỉ tiền gửi ghi danh/vô danh/ghi sổ;

- Số seri, mệnh giá, lãi suất, số tiền lãi nhận được, kỳ hạn nhận lãi ghi ở phiếu trả lãi đi kèm;

- Thiết kế và in ấn đảm bảo khả năng chống làm giả;

- Các nội dung khác do ngân hàng, tổ chức tín dụng quy định.

Đối tượng được phát hành và được mua chứng chỉ tiền gửi

- Đối tượng được phát hành chứng chỉ tiền gửi: Theo Điều 3 TT 01/2021/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành chứng chỉ tiền gửi bao gồm: (1) Ngân hàng thương mại, (2) Ngân hàng hợp tác xã (3) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, (4) Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

- Đối tượng được mua chứng chỉ tiền gửi: Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi là các tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài), cá nhân Việt Nam tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 4 TT 01/2021/TT-NHNN)

Các loại chứng chỉ tiền gửi

Chứng chỉ tiền gửi có ba loại chính:

- Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu.

- Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Chứng chỉ tiền gửi vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ chứng chỉ tiền gửi. Chính vì vậy, sản phẩm này có tính linh hoạt hơn so với các sản phẩm còn lại bởi tính dễ chuyển nhượng của nó.

- Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ tiền gửi không thể chuyển nhượng, được bán theo mệnh giá và trả lãi vào ngày đáo hạn. [1]

Quyền lợi khi tham gia chứng chỉ tiền gửi

- Hưởng lãi suất: Một trong những quyền lợi nổi bật khi mua chứng chỉ tiền gửi là được hưởng lãi suất trên số tiền sở hữu loại giấy tờ có giá này. Lãi suất này được tính hàng tháng và thường cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm thông thường với chứng chỉ dài hạn. Điều này giúp khách hàng tăng thu nhập và giá trị tài sản theo thời gian.

- Chuyển nhượng: Khách hàng có quyền chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác nếu có nhu cầu gấp hoặc không muốn sở hữu nữa. Quyền chuyển nhượng này giúp tăng tính linh hoạt và sự tiện lợi trong quản lý tài sản cá nhân.

- Cho, tặng, thừa kế, ủy quyền: Khách hàng có quyền cho, tặng, thừa kế hoặc ủy quyền chứng chỉ tiền gửi cho người khác theo quy định của pháp luật và tổ chức phát hành. Điều này cho phép khách hàng chia sẻ lợi ích từ chứng chỉ tiền gửi với gia đình, người thân, hoặc người mà khách hàng tin tưởng. Thủ tục cho, tặng hoặc ủy quyền chứng chỉ tiền gửi thường khá đơn giản và nhanh chóng.

Những quyền lợi trên giúp mang lại sự linh hoạt và lợi ích cho khách hàng khi tham gia chứng chỉ tiền gửi, giúp tăng giá trị tài sản và đáp ứng các nhu cầu tài chính dài hạn.

Ưu và nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi - Chứng chỉ tiền gửi có an toàn không?

Ưu điểm:

- Bảo đảm gốc và lãi: Chứng chỉ tiền gửi đảm bảo bảo vệ cả số tiền gốc và lãi suất trong suốt thời gian hiệu lực. Điều này tạo ra một mức độ an toàn cao và giúp giảm rủi ro cho người mua.

- Lãi suất cạnh tranh: Thông thường, chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao hơn so với các tài khoản tiết kiệm thông thường có cùng kỳ hạn. Điều này giúp tăng thu nhập và tăng giá trị đầu tư của người mua.

- Linh hoạt trong chuyển nhượng: Người mua chứng chỉ tiền gửi có quyền bán, chuyển nhượng chứng chỉ cho người nếu có nhu cầu cần thiết. Điều này mang lại tính linh hoạt và sự tiện lợi trong quản lý tài sản cá nhân.

Nhược điểm:

- Không thể tất toán trước hạn: Người mua bị hạn chế và không được phép tất toán số tiền trước khi đến hạn của chứng chỉ tiền gửi. Điều này có thể tạo ra sự bất tiện nếu người mua cần tiền trong trường hợp khẩn cấp.

- Tính thanh khoản hạn chế: Chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp hơn so với một số sản phẩm tài chính khác. Bởi việc không thể rút tiền trước hạn mà chỉ có thể chuyển nhượng.

- Lãi suất thấp cho đầu tư dài hạn: Trong trường hợp người mua muốn đầu tư chứng chỉ tiền gửi trong thời gian dài, lãi suất thường thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này có thể hạn chế khả năng tăng trưởng tài sản cho người mua.

Nhìn chung, chứng chỉ tiền gửi được coi là một hình thức gửi tiền an toàn trong thị trường tài chính bởi chúng thường được phát hành và quản lý bởi các tổ chức tài chính có giám sát và quy định chặt chẽ, chẳng hạn như ngân hàng. Điều này đảm bảo sự an toàn và đáng tin cậy của chứng chỉ tiền gửi, vì các tổ chức này phải tuân thủ các quy tắc và quy định tài chính để bảo vệ lợi ích của người mua.

So sánh chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm

Dưới đây là bảng so sánh giữa chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm:

Tính chất

Chứng chỉ tiền gửi

Sổ tiết kiệm

Quyền sở hữu

Có thể ghi danh hoặc vô danh

Thường là ghi danh

Lãi suất

Lãi cao và ổn định hơn, phụ thuộc vào thời hạn

Mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau, tùy kỳ hạn.

Thời hạn

Kỳ hạn dài khá dài tùy quy định từng ngân hàng: 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

Kỳ hạn linh hoạt: 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng và kỳ hạn dài: 12 tháng, 24 tháng,...

Tính thanh khoản

Thường có tính thanh khoản thấp hơn. Không được phép tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải đạt tối thiểu một nửa kỳ hạn (tuỳ vào ngân hàng)

Thường có tính thanh khoản cao hơn. - Có thể rút tiền trước hạn nhưng phải chịu lãi suất không kì hạn (thường là 0.1-0.2%)

Kết luận

Mong rằng, sau bài viết này bạn đã có cái nhìn đầy đủ hơn về chứng chỉ tiền gửi - một trong những sản phẩm đầu tư tích luỹ được cho rằng khá an toàn. Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, bạn nên xem xét đến mục tiêu và kế hoạch tài chính dài hạn của mình. AIA chúc bạn có chiến lược đầu tư thông minh và lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với mục tiêu đầu tư của bản thân.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ