Bài viết

Đối tượng bảo hiểm là gì? Xác định đúng đối tượng cho từng loại bảo hiểm

02/11/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Đối tượng bảo hiểm là một thuật ngữ quan trọng mà bất kỳ người tham gia bảo hiểm cũng cần nắm rõ để lựa chọn được loại bảo hiểm đúng với nhu cầu. Trong bài viết dưới đây, AIA sẽ giải đáp chi tiết đối tượng bảo hiểm là gì và cách xác định đúng đối tượng cho từng loại bảo hiểm. Cùng bắt đầu ngay!

Đối tượng bảo hiểm là gì?

Khái niệm đối tượng bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm là những cá nhân, tổ chức hoặc tài sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ rủi ro và có quyền được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Với mỗi loại hình bảo hiểm thì đối tượng bảo hiểm sẽ khác nhau. Ta có thể chia đối tượng bảo hiểm thành 5 loại chính gồm:

  • Đối tượng bảo hiểm nhân thọ.

  • Đối tượng bảo hiểm sức khỏe.

  • Đối tượng bảo hiểm tài sản.

  • Đối tượng bảo hiểm thiệt hại.

  • Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm.

Tại sao phải xác định đúng đối tượng bảo hiểm

Lý do phải xác định đúng đối tượng bảo hiểm

Khách hàng cần hiểu và xác định đúng đối tượng bảo hiểm vì hai lý do sau đây:

  • Mua đúng loại bảo hiểm cần thiết với nhu cầu: Bằng cách xác định đúng đối tượng bảo hiểm, người mua bảo hiểm có thể lựa chọn được loại hợp đồng phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của mình. Ví dụ, nếu bạn muốn bảo vệ gia đình của bạn khi bạn qua đời hoặc mất khả năng lao động, bạn nên mua bảo hiểm nhân thọ và chỉ định người thụ hưởng là người thân của bạn. Nếu bạn muốn bảo vệ tài sản khi xảy ra thiệt hại do hỏa hoạn, trộm cắp, thiên tai, … bạn nên mua bảo hiểm tài sản.

  • Hiểu được rõ hợp đồng bảo hiểm: Bằng cách xác định đúng đối tượng bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm có thể hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng bảo hiểm. Điều này giúp người tham gia bảo hiểm tránh được những rủi ro pháp lý, như vi phạm hợp đồng, mất quyền lợi hoặc bị kiện tụng.

Cách xác định đúng đối tượng cho từng loại bảo hiểm

Hiện nay, đối tượng bảo hiểm của các loại bảo hiểm được quy định cụ thể trong luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Dưới đây là một số quy định chung về đối tượng bảo hiểm của các loại bảo hiểm phổ biến:

Đối tượng bảo hiểm nhân thọ

“Theo Khoản 1 Điều 33 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.” Người tham gia bảo hiểm được nhận quyền lợi bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến sự sống, tính mạng.

Khoản 1 Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định, với loại bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những đối tượng sau đây:

  • Bản thân bên mua bảo hiểm.

  • Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bên mua bảo hiểm.

  • Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm.

  • Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm.

Đối tượng bảo hiểm sức khỏe

Đối tượng bảo hiểm sức khỏe

Theo Khoản 2 Điều 33 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm sức khỏe là sức khỏe con người. Người tham gia bảo hiểm được nhận quyền lợi khi xảy ra sự kiện bảo hiểm liên quan đến sức khỏe.

Bên mua bảo hiểm sức khỏe cũng chỉ có thể mua bảo hiểm cho những đối tượng giống như bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, nếu bên mua bảo hiểm muốn mua hợp đồng sức khỏe cho một người khác thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm gửi cho công ty bảo hiểm.

Thông thường, khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, mọi người thường ưu tiên đối tượng bảo hiểm là:

  • Người trụ cột kinh tế trong gia đình: Đây là người tạo ra thu nhập chính trong gia đình và nếu không may gặp rủi ro về tính mạng thì gia đình sẽ gặp khó khăn về tài chính, thậm chí là không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào. Khi này, số tiền bảo hiểm sẽ là giải pháp kịp thời và ý nghĩa giúp cuộc sống gia đình được ổn định hơn.

  • Trẻ nhỏ: Đây là cách tốt để bảo vệ trẻ trước những rủi ro và cũng là một cách tích lũy tài sản để đầu tư cho giáo dục, cuộc sống sau này của trẻ.

  • Người cao tuổi: Những người lớn tuổi thường phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe cao hơn, do đó rất cần một khoản tài chính dự phòng cũng như các quyền lợi chăm sóc sức khỏe.

Đối tượng bảo hiểm tài sản

Theo Khoản 1 Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự. Các tài sản này bao gồm: vật chất có thực, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản. Nếu tài sản bảo hiểm không may gặp rủi ro dẫn đến tổn thất thì công ty bảo hiểm có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm theo quy định trong hợp đồng.

Đối tượng bảo hiểm thiệt hại

Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất.

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm dẫn đến người được bảo hiểm phải gánh chịu tổn thất thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm đúng với các quy định đã ký kết trong hợp đồng bảo hiểm.

Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm

Đối tượng bảo hiểm trách nhiệm

Theo Điều 57 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm là trách nhiệm dân sự của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người bảo hiểm sẽ thay người được bảo hiểm bồi thường cho bên thứ ba về những thiệt hại mà người được bảo hiểm hoặc sự vận hành của tài sản thuộc sở hữu gây ra.

Trong đó, một người sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và bồi thường khi có đủ các yếu tố như:

  • Có những hành vi gây thiệt hại trái pháp luật bao gồm: Hành vi xâm phạm tới sức khỏe, tài sản, nhân phẩm, danh dự, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và không đúng theo các quy định pháp luật.

  • Có gây ra thiệt hại (gồm thiệt hại về tài sản, vật chất, sức khỏe): Trách nhiệm bồi thường được áp dụng với mục đích bồi thường cho người thiệt hại, vì vậy chỉ khi có thiệt hại thì người chịu trách nhiệm dân sự mới phải bồi thường.

  • Hành vi trái pháp luật có quan hệ với thiệt hại: Một người phải chịu trách nhiệm bồi thường khi những hành vi trái pháp luật của họ gây ra những thiệt hại, hay hành vi trái pháp luật chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Kết luận:

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về đối tượng bảo hiểm là gì và cách xác định đúng đối tượng cho từng loại bảo hiểm. Việc xác định đúng đối tượng bảo hiểm là rất quan trọng, giúp bạn lựa chọn được loại bảo hiểm phù hợp và hiểu rõ được hợp đồng bảo hiểm tham gia. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ