Bài viết

Mục tiêu SMART là gì? Các xác định mục tiêu nguyên tắc SMART

26/07/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Nguyên tắc SMART là mô hình hỗ trợ thiết lập mục tiêu khá phổ biến giúp thực hiện các mục tiêu dễ dàng hơn. Không chỉ được ứng dụng trong công việc và kinh doanh, SMART còn được ứng dụng trong việc thiết lập các mục tiêu tài chính. Vậy mục tiêu SMART là gì? Ứng dụng nguyên tắc SMART trong thiết lập các mục tiêu tài chính ra sao? Cùng AIA Việt Nam giải đáp trong bài viết sau!

 

Mục tiêu SMART là gì?


Mục tiêu SMART là một công cụ hữu ích giúp xác định mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể và khả thi. SMART là viết tắt của 5 tiêu chí: Specific (Tính cụ thể), Measurable (Tính đo lường), Attainable (Tính khả thi), Relevant (Tính phù hợp), Time-bound (Tính giới hạn về thời gian).

Khi áp dụng mô hình SMART, mục tiêu nói chung và mục tiêu tài chính nói riêng sẽ được định nghĩa cụ thể bằng các con số, chỉ tiêu rõ ràng, đồng thời phải phù hợp với nguồn lực, khả năng thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Nhờ đó, mục tiêu SMART giúp các cá nhân, tổ chức xác định phương hướng nỗ lực, từng bước đi đến thành công một cách khoa học và hiệu quả.

5 tiêu chí của nguyên tắc SMART

 

Specific - Cụ thể

Tính cụ thể đòi hỏi mục tiêu phải rõ ràng, chi tiết. Thay vì đặt mục tiêu chung chung như "tiết kiệm tiền", hãy cụ thể hóa thành "tiết kiệm 10 triệu/tháng từ nguồn thu nhập chính". Với mục tiêu nói chung và mục tiêu tài chính nói riêng càng cụ thể càng giúp bạn hình dung rõ điều cần đạt được, từ đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. 

Ví dụ: Bạn muốn mua nhà thì bạn phải xác định rõ mình sẽ mua ở khu vực nào cho tiện công việc, mua chung cư hay nhà đất, giá thị trường đang khoảng bao nhiêu tiền, mình hiện có khoảng bao nhiêu tiền, cần vay mượn hay tích góp thêm bao nhiêu thì đủ,… Khi có được mục tiêu rõ ràng thì triển khai kế hoạch mua nhà sẽ dễ dàng hơn.

 

 

Measurable - Đo lường

 

Mục tiêu cần phải đo lường được bằng các con số, chỉ tiêu rõ ràng. Các chỉ số cụ thể giúp theo dõi, đánh giá mức độ tiến bộ và kịp thời điều chỉnh phương án tiến hành.

Khi đặt ra mục tiêu tài chính cá nhân, bạn phải biết được mục tiêu đó có đo lường được hay không. Bởi những con số cụ thể mà bạn đặt ra cũng tựa như đòn bẩy thúc đẩy tinh thần, động lực của bạn lên cao để nỗ lực hết mình đạt được điều mình muốn. Còn nếu không, không những bạn không tạo cho mình niềm nguyện vọng cháy bỏng để tập trung vào mục tiêu, mà còn cảm thấy chán nản, không được động viên và dẫn đến dễ bỏ cuộc.

Ví dụ: Đặt ra mục tiêu mua xe với mức giá 50 triệu thì bạn phải tính xem với mức lương của mình thì một tháng để ra bao nhiêu tiền, sau mấy tháng sẽ hoàn thành mục tiêu.

Attainable - Khả thi

 

Mục tiêu SMART cần phải khả thi, nằm trong phạm vi nguồn lực và khả năng của cá nhân. Nếu đặt những mục tiêu quá cao, vượt quá khả năng sẽ dễ gây nản lòng, thất vọng. Mục tiêu khả thi thể hiện tham vọng nhưng vẫn đảm bảo tính thực tế, khuyến khích nỗ lực để dần tiến bộ. Cần phải hiểu rõ bản thân mình đang ở đâu, khả năng mình như thế nào để đưa ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn tương ứng. Một mục tiêu quá cao so với khả năng sẽ khiến bạn dễ nản và bỏ cuộc giữa chừng.

Giả sử bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất là lương hàng tháng. Lương 20 triệu/1 tháng thì bạn có thể đặt mục tiêu mua xe 50 triệu trong vòng 5 tháng, nhưng lương 10 triệu /1 tháng thì mục tiêu này cần thực hiện trong 1 năm. Vì tiền lương còn để chi trả tiền thuê nhà, sinh hoạt, ăn uống nên không thể dành 100% tiền lương để mua xe được.

Relevant - Thực tế

 

Mục tiêu đưa ra phù hợp với thực trạng hiện tại, không đặt ra mục tiêu một cách viển vông, thiếu cơ sở. Mỗi một mục tiêu đặt ra cần phải thực tế và liên quan đến mục tiêu dài hạn của bạn.

Ví dụ bạn muốn kinh doanh thời trang online trong 6 tháng tới thì mục tiêu nhỏ hơn của bạn là tìm nguồn hàng, học kỹ năng bán hàng online, mua máy tính, máy in,...nhưng bạn lại muốn mua một chiếc máy tính cấu hình cực xịn để ngoài bán hàng còn có thể chơi game nữa thì sẽ không hợp lý. Bạn chỉ nên mua một chiếc máy tính với mức giá hợp lý để bán hàng, vì còn nhiều khoản khác cần phải lo hơn và gác việc mua máy xịn để chơi game sang một bên.

 

Time bound - Giới hạn thời gian

 

Time bound: là khung thời gian, giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu. Đặt ra thời gian cụ thể cho từng mục tiêu sẽ giúp bạn rèn luyện được tính kỷ luật và dễ dàng hoàn thành được mục tiêu. 

Ví dụ: Mua xe trong 1 năm, mua nhà trong 5 năm,....

Giới hạn về thời gian tạo áp lực tích cực, thúc đẩy hành động và giúp tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đúng hạn. Cần đảm bảo khung thời gian vừa đủ thách thức để tạo động lực nhưng cũng phải tính toán phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế.

Vài ví dụ về việc ứng dụng nguyên tắc SMART để đưa ra mục tiêu tài chính

 

Ví dụ 1: Mục tiêu đi du lịch

- Specific (cụ thể): Bạn muốn đưa gia đình đi du lịch Thái Lan

- Measurable (đo lường): Bạn muốn đưa gia đình đi du lịch Thái Lan trong năm nay với mức chi phí khoảng 50 triệu.

- Achievable (khả thi): Bạn muốn đưa gia đình đi du lịch Thái Lan trong năm nay vì bạn cảm thấy phù hợp với tình hình tài chính và công việc hiện tại của bản thân.

- Relevant (liên quan): Bạn muốn đưa gia đình đi du lịch Thái Lan nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình

- Time bound (giới hạn thời gian): Để có đủ ngân sách cho chuyến đi, bạn còn khoảng 3 tháng để tiết kiệm, chuẩn bị trang phục và đặt vé máy bay.

 

Ví dụ 2: Mục tiêu mua xe máy

- Specific (cụ thể): Bạn muốn mua một chiếc xe Vision bản cao cấp

- Measurable (đo lường): Hiện xe đang có giá khoảng 40 triệu và bạn dự kiến mua vào cuối năm nay

- Achievable (khả thi): Thu nhập của bạn hiện đang là 12 triệu/ 1 tháng, sau khi trừ các khoản chi tiêu thì bạn có thể tiết kiệm ra 5 triệu/1 tháng cho việc mua xe thì đến cuối năm hoàn toàn có thể mua được.

- Relevant (liên quan): Bạn mua xe Vision vì giá thành hợp lý và xe mới sẽ phục vụ nhu cầu đi lại hiện tại tốt hơn, không lo mất thời gian sửa chữa liên tục.

- Time bound (giới hạn thời gian): Mục tiêu này cần được bắt đầu ngay từ tháng 4.

 

Ví dụ 3: Mục tiêu mua bảo hiểm

- Specific (cụ thể): Mua bảo hiểm nhân thọ

- Measurable (đo lường): Mua bảo hiểm nhân thọ trong vòng 15 năm

- Achievable (khả thi): Mua gói bảo hiểm nhân thọ 12 triệu/ 1 năm, chia ra mỗi tháng khoảng 1 triệu hoàn toàn nằm trong khả năng tài chính

- Relevant (liên quan): Mua bảo hiểm nhân thọ để bảo vệ rủi ro sức khỏe và đảm bảo tài chính khi về già

- Time bound (giới hạn thời gian): Bắt đầu luôn từ bây giờ để bảo vệ rủi ro sức khỏe càng sớm càng tốt.

Nguyên tắc đặt mục tiêu SMART

 

Ứng dụng nguyên tắc đặt mục tiêu SMART vào thực tế ra sao để đạt hiệu quả cao nhất. Theo dõi và thực hiện theo các bước sau:

  • Định hình mục tiêu: Xác định rõ mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Đảm bảo mục tiêu bám sát 5 tiêu chí S,M,A,R,T. Mục tiêu càng cụ thể và phù hợp với tiêu chí SMART, cơ hội thành công càng cao.
  • Viết mục tiêu ra giấy: Hãy viết mục tiêu đã định hình lên giấy và dán ở những nơi dễ thấy như bàn làm việc, tủ quần áo, gương... Việc này giúp nhắc nhở và tạo động lực để bạn nỗ lực hướng tới mục tiêu mỗi ngày. Bằng cách hình dung rõ ràng điều mình muốn đạt được, bạn sẽ có thêm động lực để biến ước mơ thành hiện thực.
  • Xây dựng kế hoạch chi tiết: Hãy chia nhỏ mục tiêu thành các bước đi cụ thể theo khung thời gian ngày/tuần/tháng. Xác định những việc cần làm, nguồn lực cần có và thời điểm phải hoàn thành. Kế hoạch càng chi tiết, càng dễ thực hiện và đạt kết quả tốt.

 

So sánh mô hình quản trị mục tiêu: SMART và OKR

 

Điểm chung giữa SMART và OKR:

  • Cả hai đều là công cụ để thiết lập mục tiêu, định hướng nỗ lực và đo lường kết quả.

  • Đều đòi hỏi sự rõ ràng, cụ thể trong việc xác định mục tiêu và chỉ số đánh giá.

  • Nhấn mạnh tính đo lường được, tạo cơ sở so sánh giữa kết quả thực tế và mục tiêu đề ra.

  • Góp phần quan trọng để truyền đạt mục tiêu, tạo sự thống nhất trong tổ chức.

Điểm khác biệt giữa SMART và OKR:

Tiêu chí

SMART

OKR

Phạm vi áp dụng

Mục tiêu cá nhân, bộ phận

Mục tiêu cấp tổ chức, chiến lược

Tính linh hoạt

Đảm bảo tính khả thi, phù hợp nguồn lực

Chấp nhận mục tiêu thách thức, đột phá, điều chỉnh linh hoạt

Khung thời gian

Nhấn mạnh tính thời hạn, xác định rõ ngày bắt đầu và kết thúc

Chu kỳ ngắn hạn (thường là quý), mang tính lặp lại, liên tục

Trọng tâm

Chú trọng đặt mục tiêu đúng cách, hợp lý, phù hợp năng lực

Quan tâm nhiều hơn đến kết quả đạt được và quá trình thực hiện

Nguồn gốc

George T. Doran phát triển năm 1981 như một công cụ quản trị

Andy Grove đề xuất tại Intel, John Doerr phổ biến tại Google

 

Như vậy, SMART và OKR đều là những mô hình hữu ích để thiết lập và quản lý mục tiêu. Tùy thuộc vào quy mô, lĩnh vực và văn hóa tổ chức mà người quản lý có thể lựa chọn mô hình phù hợp hoặc kết hợp cả hai. Dù áp dụng mô hình nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự rõ ràng, nhất quán và cam kết thực hiện từ mọi cấp để biến mục tiêu thành hiện thực.

Lời kết

Trên đây là định nghĩa về nguyên tắc SMART và một số ví dụ về việc ứng dụng nguyên tắc SMART để đưa ra mục tiêu tài chính. Hy vọng các thông tin này có thể giúp ích cho bạn trong quá trình đặt ra mục tiêu cho bản thân, có cuộc sống tốt hơn trong tương lai!

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ