Bài viết

Bi quan là gì? 9 lời khuyên giúp người bi quan tích cực hơn

03/11/2023 dot 5 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Bi quan là xu hướng luôn nhìn nhận sự việc dưới một góc nhìn tiêu cực, rằng kết quả luôn là tồi tệ thay vì tích cực. Bi quan có nhiều tác hại như làm tổn thương mối quan hệ, sức khỏe thể chất, tinh thần, sự nghiệp hay lòng tự trọng và sự tự tin. Vậy làm thế nào để người bi quan có thể trở nên tích cực và tốt hơn. Cùng tìm hiểu 9 Cách giúp người bi quan trở nên tích cực hơn ngay trong bài viết dưới đây!

Bi quan là gì?

Bi quan được định nghĩa là xu hướng của một người nhìn nhận mọi việc với góc nhìn tồi tệ nhất, suy nghĩ rằng mọi việc sẽ luôn tồi tệ thay vì tích cực. Một người bi quan có thể thiếu hy vọng và tự tin và luôn nghi ngờ về tương lai, ngay cả khi họ không có lý do rõ ràng gì để làm như vậy.

Bi quan khiến bạn không nhìn thấy những điều tích cực hoặc cố gắng biến những điều tích cực đó thành may mắn. Ví dụ như bạn có một khoảng thời gian tích cực, thay vì tận hưởng điều đó bạn lại nghĩ nó chỉ là may mắn. Bạn cố gắng giải thích bởi những suy nghĩ tiêu cực của mình: “Tôi nghĩ rằng mình sẽ luôn có những khoảng thời gian tồi tệ, vì vậy khi có một khoảng thời gian tốt đẹp, điều đó chỉ là may mắn”.

Bi quan là luôn suy nghĩ tiêu cực

Tác hại của bi quan

Tác hại của bi quan có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt khác nhau trong cuộc sống bao gồm tổn thương mối quan hệ, thể chất, tinh thần, sự nghiệp, cũng như lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Cụ thể:

Tổn thương các mối quan hệ

Bi quan có thể làm tổn thương các mối quan hệ. Những người bi quan, luôn suy nghĩ tiêu cực thường gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác. Họ không nhìn thấy điều tốt đẹp trong người khác và thế giới xung quanh. Do đó, họ luôn cho rằng những điều xấu nhất về người khác, đôi khi đưa ra những cáo buộc không công bằng và tự thuyết phục bản thân bằng những quan điểm tiêu cực của họ.

Làm việc và thực hiện kế hoạch cùng người khác cũng khó khăn với những người bi quan vì họ thường có xu hướng suy nghĩ điều xấu xảy ra và làm hỏng mối quan hệ. Chính vì vậy khi ở trong một mối quan hệ với một người bi quan, việc hy vọng vào tương lai trở nên khó khăn và nhiều người lựa chọn kết thúc mối quan hệ đó.

Bi quan làm tổn thương các mối quan hệ

Người bi quan có thể không dễ dàng thể hiện cảm xúc thật của mình, đây cũng là một lý do khiến nhiều mối quan hệ của họ bị tổn thương. Họ có thể giữ kín những cảm xúc của mình để tự bảo vệ, ngay cả khi đó là điều tích cực có thể khiến cho các mối quan hệ được tốt hơn. Ngoài ra, đôi khi người bi quan không muốn làm bất cứ điều gì để cải thiện các mối quan hệ vì họ cho rằng nó không có ý nghĩa, và vì họ có xu hướng suy nghĩ nó sẽ không thành công ngay từ đầu.

Tổn thương sức khỏe thể chất

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng[1] có một mối liên kết chặt chẽ giữa tinh thần, tư tưởng với sức khỏe vật lý của chúng ta. Khi bạn có một thái độ bi quan, nó có thể gây tổn thương cho cả sức khỏe thể chất và tâm lý. Mối tương quan không chỉ là về mặt sinh lý mà những hệ quả hành vi của sự bi quan cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ví dụ, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng[2] những người bi quan ít có khả năng ăn kiêng, tập thể dục hoặc đi khám bác sĩ khi cần thiết. Họ cũng có khả năng hút thuốc nhiều hơn. Những hành vi này xuất phát từ chính những suy nghĩ của họ rằng những điều đó không có ý nghĩa vì dù sao họ cũng đang trong trạng thái tồi tệ. 

Bi quan làm tổn thương sức khỏe thể chất

Một nghiên cứu của Phần Lan[3] về mối quan hệ giữa sự bi quan và sức khỏe thể chất đã theo dõi hơn 2.000 người trong khoảng thời gian 11 năm. Nghiên cứu đưa ra 6 phát biểu bao gồm cả tiêu cực và tích cực, các người tham gia sẽ xem phát biểu nào phù hợp với bản thân nhất. Khi nghiên cứu kết thúc, có 122 người đã qua đời trong 11 năm do bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các yếu tố nguy cơ khác như tiểu đường, hút thuốc và các yếu tố khác, và kết luận rằng những người có mức độ bi quan cao có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch gấp đôi so với người khác.

Ảnh hưởng sự nghiệp của bạn

Thái độ bi quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp của bạn. Kết quả của nghiên cứu[4] về sự khác biệt giữa thái độ bi quan và lạc quan trong lực lượng lao động cho thấy sự lạc quan trong sự nghiệp mang lại nhiều lợi ích hơn. Những người bi quan có khả năng từ bỏ nhanh chóng khi gặp khó khăn trong công việc, ít có khả năng học được những bài học quý giá từ sai lầm của mình, và có khả năng gây ra những sự phiền toái không mong muốn trong công ty, nơi làm việc.

Bên cạnh đó, bi quan khiến bạn không tin tưởng vào mục tiêu chung của công ty, không tin tưởng đồng nghiệp, đối tác … khiến cho sự nghiệp của bạn không thể phát triển. Sự bi quan cũng có thể khiến bạn không có những mục tiêu tốt cho sự nghiệp của bản thân. 

Bi quan có thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn

Ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin

Sự bi quan ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của một người không chỉ gắn liền với cách họ đối xử với người khác, mà còn liên quan đến cách họ đối xử với chính bản thân mình. Một số người không phải lúc nào cũng tiêu cực từ đầu - họ phát triển những xu hướng suy nghĩ tiêu cực này sau khi trải qua những sự mất mát, thất bại hay tổn thương trong cuộc sống. Sau những thất vọng liên tục khiến họ đánh mất sự tự tin của bản thân và cảm thấy thoải mái khi suy nghĩ tồi tệ ngay từ đầu. Để tự bảo vệ mình khỏi những đau đớn trong tương lai, một người bi quan có thể cư xử theo cách làm tổn thương chính mình.

Tổn hại đến sức khỏe tinh thần

Bi quan không được coi là một loại bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, nhưng những hành vi bi quan có thể gây ra các triệu chứng tương tự như lo âu, trầm cảm ... Những suy nghĩ và cảm xúc bi quan là không lành mạnh và tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nếu bạn đang trong trạng thái lo lắng, phiền muộn, giận dữ hoặc trầm cảm, bạn có thể đang bi quan. Bạn nên trò chuyện với một bác sĩ tâm lý để giúp bạn cải thiện. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định những vấn đề gây ra sự bi quan và giúp bạn vượt qua chúng.

Bi quan làm tổn thương sức khỏe tinh thần

9 Cách giúp người bi quan trở nên tích cực hơn

Bi quan sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tồi tệ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng đó. Hãy tham khảo ngay 9 cách giúp người bi quan trở nên tích cực hơn dưới đây:

Tránh xa những vấn đề nhỏ nhặt

Cách đầu tiên để giúp bạn trở nên tích cực hơn là tránh xa những điều nhỏ nhặt. Những vấn đề nhỏ nhặt có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và không tập trung vào những điều khác. Thay vì than phiền hay lo lắng về những điều nhỏ nhặt và không quan trọng, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống.

Thực hành lòng biết ơn

Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự tích cực và hạnh phúc. Khi bạn biết ơn những gì bạn có, bạn sẽ cảm thấy hài lòng và vui vẻ hơn, cũng như giảm bớt sự so sánh và ghen tỵ với người khác. Lòng biết ơn có thể tạo hiệu ứng tích cực và đem lại cảm xúc lạc quan cho chính bản thân cũng như những xung quanh. Bạn có thể thực hành lòng biết ơn bằng cách viết nhật ký, nói lời cảm ơn hay bày tỏ sự trân trọng đối với những người và điều quanh bạn.

Thực hành lòng biết ơn

Thừa nhận sự bi quan của bạn

Thừa nhận sự bi quan của bản thân không phải là một nhiệm vụ đơn giản đối với những người có xu hướng bi quan một cách tự nhiên hoặc trong một thời gian dài. Thừa nhận sự bi quan sẽ giúp bảo vệ tinh thần của bạn tốt nhất. Bạn không đặt kỳ vọng quá cao và mỗi khi thành công bạn sẽ nhìn thấy những điều tích cực.

Bạn có thể chấp nhận sự bi quan của bản thân khi nhìn nhận về tương lai. Nhưng hãy nhìn nhận vào khả năng khác có thể xảy ra. Tương lai là không biết trước, vậy tại sao lại là trường hợp tiêu cực bạn nghĩ mà không phải trường hợp nào khác? Có thể có một khả năng khác cũng có thể xảy ra không? Điều này sẽ bắt đầu thay đổi tư duy của bạn.

Thay đổi cách sử dụng ngôn từ

Việc thay đổi cách sử dụng ngôn từ là một cách tuyệt vời giúp bạn thay đổi suy nghĩ và cách nhìn về cuộc sống. Ngôn từ sẽ ảnh hưởng đến thái độ của bạn, hãy sử dụng từ ngữ tích cực thay vì các từ ngữ tiêu cực. Ví dụ, thay vì xin lỗi vì đến muộn buổi họp, sẽ tích cực hơn khi bạn nói: "Cảm ơn bạn đã đợi tôi.". 

Thay đổi cách sử dụng ngôn từ để tích cực hơn

Bạn nên hạn chế sử dụng những từ ngữ tiêu cực như “không, không bao giờ, không thể, không đủ, thật sự tồi tệ … ” vì sẽ tạo ra một không khí tiêu cực và chán nản cho bản thân và người nghe. Thay vào đó, bạn nên sử dụng những từ ngữ tích cực, như “có thể, luôn luôn, có khả năng, sẵn sàng … ”, để tạo ra sự tích cực và lạc quan cho bạn và người nghe. Bạn cũng nên tránh những từ ngữ mang tính phán xét, chỉ trích hay đổ lỗi, mà hãy sử dụng những từ ngữ mang tính khuyến khích, khen ngợi hay chịu trách nhiệm.

Nhắc nhở bản thân phải mạnh mẽ

Một cách giúp bạn lạc quan, tích cực hơn và giảm bớt sự bi quan đó là nhắc nhở bản thân phải mạnh mẽ. Bạn tự nhủ rằng mình có thể vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Bạn có thể nhìn vào những thử thách mình đã vượt qua trong quá khứ để nhận thấy bản thân mạnh mẽ và có khả năng để tiếp tục vượt lên các thử thách mới. 

Nhắc nhở bản thân phải mạnh mẽ

Tập trung vào sự tích cực

Bạn tập trung vào sự tích cực và không chú ý đến những điều tiêu cực sẽ giúp bạn giảm bớt sự bi quan. Để tập trung vào sự tích cực, bạn có thể nhìn nhận những mặt tốt đẹp của một sự việc ngay cả khi nó là một điều tồi tệ. Khi đối mặt với một thách thức và nội tâm của bạn tỏ ra bi quan, đừng tỏ ra chán nản mà hãy cảm ơn tiếng nói nội tâm của bản thân và tự hỏi: "Trong tình huống mình đang đối mặt, có một khía cạnh tích cực nào không?" Chính những thay đổi tưởng chừng đơn giản này sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn và dần kiểm soát được tinh thần của mình.

Bạn cũng có thể tạo ra những trải nghiệm vui vẻ và ý nghĩa cho bản thân bằng cách làm những việc mà bạn yêu thích, gặp gỡ những người bạn thân thiết, hoặc tham gia vào các hoạt động từ thiện hay cộng đồng. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy tích cực hơn mỗi ngày.

Tập trung vào điều tích cực

Làm cho hôm nay trở nên giá trị

Một trong những nguyên nhân của sự bi quan là lo lắng quá nhiều về tương lai, hoặc tiếc nuối quá nhiều về quá khứ. Để tránh điều này, bạn nên sống ở hiện tại và làm cho mỗi ngày trở nên giá trị. Cuộc sống thật sự quý giá do đó hãy tập trung vào hiện tại và trân trọng từng khoảnh khắc. Không ai đảm bảo được ngày mai, vì vậy hãy tận hưởng hôm nay và làm cho nó có ý nghĩa. Hãy dũng cảm, hãy cười nhiều hơn, hãy cho đi nhiều hơn và hãy dành thời gian phục vụ người khác nhiều hơn.

Bạn có thể đặt ra các mục tiêu cụ thể và bắt tay vào hành động để đạt được chúng. Hãy tận hưởng những điều đó ngay từ khi bạn bắt đầu đặt mục tiêu, thực hiện và cuối cùng là đạt được chúng. Bạn cũng có thể chia sẻ những thứ bạn có với mọi người xung quanh để làm tăng thêm giá trị cho cuộc sống.

Kiểm soát suy nghĩ của bạn

Kiểm soát suy nghĩ là một cách hiệu quả giúp bạn giảm sự bi quan và tích cực hơn. Kiểm soát suy nghĩ dần giúp bạn chuyển đổi từ những ý nghĩ bi quan sang lạc quan. Mỗi khi bạn có ý định nghĩ rằng một sự việc gì đó tiêu cực, hãy chậm lại và điều chỉnh suy nghĩ của mình. Hãy hướng bản thân suy nghĩ đến những điều tích cực của sự việc đó.

Kiểm soát suy nghĩ của bạn

Bạn có thể tìm những người có chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn cách kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Người hướng dẫn có thể giúp bạn tìm ra nguồn gốc của sự tiêu cực và cách giúp bạn chuyển dần trạng thái từ suy nghĩ bi quan sang lạc quan. Bạn hãy ghi nhớ cách mỗi lần bản thân kiểm soát suy nghĩ và luyện tập điều đó. Dần dần bạn sẽ không còn suy nghĩ bi quan nữa.

Có tầm nhìn dài hạn hơn về cuộc sống

Có tầm nhìn dài hạn hơn về cuộc sống có nghĩa là nhìn nhận mọi tình huống, kể cả những tình huống tiêu cực - như những điều may mắn hoặc bài học mang lại lợi ích cho chúng ta. Một thời điểm trong cuộc sống mà bạn nghĩ là tiêu cực có thể sẽ trở thành một điều may mắn hoặc bài học quý giá cho bản thân bạn. Làm thế nào những tình huống tiêu cực trở thành may mắn hay bài học? Câu trả lời là hãy biết ơn vì những tình huống tệ hơn đã không xảy ra. Ví dụ như thật may mắn rằng bản thân chỉ bị cúm nhẹ chứ không phải bị Covid-19. Thất bại trong việc thuyết phục các khách hàng khác nhau giúp bạn nhận ra bài học rằng mỗi khách hàng cần một cách thuyết phục riêng. 

Có cái nhìn dài hạn về cuộc sống

Tầm nhìn dài hạn hơn về cuộc sống giúp bạn không có những suy nghĩ tiêu cực khi một điều gì đó bất ngờ xảy ra. Bạn nên nhận ra rằng cuộc sống là một hành trình dài, có nhiều thăng trầm và biến động. Bạn không nên để cho những sự việc hiện tại ảnh hưởng đến niềm tin và hy vọng của bạn về tương lai. Và khi bạn có một tầm nhìn dài hạn, những điều dù là tiêu cực cũng sẽ không ảnh hưởng đến bạn. Bạn cũng sẽ không có những suy nghĩ tiêu cực mà luôn tập trung vào những điều tích cực để đạt được mục tiêu dài hạn.

Kết luận

Bi quan là xu hướng luôn suy nghĩ tiêu cực, có thể gây ra nhiều hậu quả xấu cho cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để vượt qua sự bi quan và sẽ trở nên tích cực hơn. Hãy nhớ rằng, bạn là người duy nhất có thể quyết định cách nhìn nhận và đối diện với cuộc sống của bạn. Hãy chọn cách sống tích cực, và bạn sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn bạn nghĩ!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Raymond St. Marie, M.D., Kellie S. Talebkhah, M.S., Neurological Evidence of a Mind-Body Connection: Mindfulness and Pain Control, 2018

[2] Mikko Pänkäläinen & Cộng sự, Pessimism, diet, and the ability to improve dietary habits: a three-year follow-up study among middle-aged and older Finnish men and women, 2018

[3] Mikko Pänkäläinen & Cộng sự, Pessimism and risk of death from coronary heart disease among middle-aged and older Finns: an eleven-year follow-up study, 2016

[4] Stacie M. Spencer, Julie K. Norem, Reflection and Distraction Defensive Pessimism, Strategic Optimism, and Performance, 1996

[5] 5 Ways That Pessimism Can Harm You- And 5 Ways To Cultivate Optimism, betterhelp, 2023

[6]15 Hacks For Pessimists To Switch To A More Positive Point Of View, forbes, 2022

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ