Bài viết

7 cách chữa ngủ ngáy ở phụ nữ hiệu quả nhanh chóng

31/07/2023 dot 10 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Ngủ ngáy được coi là một thói quen xấu có thể gặp bất kỳ ở lứa tuổi và giới tính nào, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người bên cạnh. Vậy ngủ ngáy ở phụ nữ là do nguyên nhân gì? Làm sao để không ngáy khi ngủ? Theo dõi bài viết này để tìm ra 7 cách chữa ngủ ngáy ở phụ nữ hiệu quả nhé!

Ngủ ngáy có bình thường không?

Ngáy là gì?

Tiếng ngáy là một âm thanh khó chịu phát ra từ mũi hoặc miệng do sự cản trở chuyển động của không khí trong quá trình thở khi chúng ta ngủ. Lượng khí này di chuyển trong một vùng hẹp, làm rung các mô niêm mạc và tạo ra âm thanh khó chịu, ồn ào như tiếng huýt sáo hay tiếng thở khò khè.

Ngáy ngủ gây phiền toái cho người xung quanh

Nếu mắc chứng ngáy khi ngủ, người nằm bên cạnh hoặc bạn cùng phòng của bạn là những người sẽ bị quấy rầy bởi những “bản giao hưởng ban đêm” cực kỳ không thoải mái này. Bên cạnh đó, phần lớn những người mắc chứng ngáy lại không cảm nhận được tiếng ồn mình gây ra mà vẫn có thể ngủ một cách ngon lành.

Ngủ ngáy có sao không?

Thông thường, chúng ta cho rằng việc ngủ ngáy chỉ gây chút phiền toái cho người xung quanh và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, ngáy không chỉ là một “tật xấu” như chúng ta vẫn hay nghĩ. Đặc biệt, chứng ngáy mãn tính có thể là dấu hiệu của một vấn đề sâu hơn về bệnh lý, hay tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp vấn đề.

Những tiếng rung do ngáy khi ngủ có thể dẫn đến viêm và chấn thương động mạch. Dần dần, sự thay đổi như vậy sẽ có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch và gây ra một số bệnh về mạch máu.

Ngáy cũng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như buồn ngủ ban ngày, đau đầu, khó tập trung và tăng nguy cơ đột quỵ.

Tóm lại, ngáy to và đặc biệt là ngủ ngáy trong một thời gian dài là không hề bình thường đâu nhé! Và không chỉ riêng cánh mày râu, hiện tượng này cũng xuất hiện nhiều ở phái nữ. Biết được nguyên nhân dẫn đến ngủ ngáy ở phụ nữ và cách không ngáy khi ngủ sẽ giúp bạn có một giấc ngủ trọn vẹn hơn.

Nguyên nhân gây ngủ ngáy ở phụ nữ

Thường thì giới tính nữ ít khi xuất hiện trong các nghiên cứu y học, bao gồm cả nghiên cứu liên quan đến chứng ngáy khi ngủ. [1] Tuy nhiên, các nghiên cứu đã bắt đầu khám phá ra các hormone sinh dục nữ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ gây ra chứng ngáy, cũng như giới tính đóng vai trò thế nào trong khả năng xuất hiện triệu chứng ban đêm này.

1. Thai kỳ

Mang thai là một trong những nguyên nhân gây ngáy

Các chuyên gia ước tính rằng có đến một nửa trong số những người mang thai bị ngáy khi ngủ. Ngáy ngủ thường trở nên tồi tệ hơn khi thai kỳ phát triển, đặc biệt là từ tháng thứ 3.

Sau khi sinh, hầu hết các bà mẹ đều sẽ giảm chứng ngáy một cách nhanh chóng. Đó là bởi thai kỳ gây ra thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, tăng cân và sưng phồng mũi, những yếu tố này đều góp phần gây ra chứng ngáy khi mang thai.

2. Mãn kinh

Khi bước qua độ tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ có thể gặp tình trạng ngủ ngáy như nam giới. Trong thời kỳ này, buồng trứng sẽ dần giảm đi việc sản xuất estrogen và progesterone, nội tiết tố suy giảm. Do đó, phụ nữ sẽ dễ mất ngủ, rối loạn tâm trạng và rối loạn nhịp thở khi ngủ.

3. Thừa cân

Chứng ngáy và vấn đề thừa cân thực chất có một sự liên quan chặt chẽ với nhau. Khi trọng lượng cơ thể của bạn tăng sẽ dẫn đến việc mỡ thừa tích tụ ở quanh vùng cổ, khiến kích thước vùng cổ bị thu hẹp dẫn đến ngáy khi ngủ.

4. Nghẹt mũi

Người đang bị nghẹt mũi hoặc viêm xoang mãn tính thường phải thở bằng miệng. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngáy.

5. Thuốc lá

Hút thuốc lá gây hẹp đường thở

Hút nhiều thuốc lá hay uống rượu bia cũng có thể dẫn đến tình trạng niêm mạc cuống họng sưng lên, gây hẹp đường thở. Khói thuốc lá cũng có thể kích thích niêm mạc ở khoang mũi và họng, khiến bạn khó chịu khi hít thở bằng mũi.

6. Suy giáp

Suy giáp có thể làm hẹp đường thở dẫn và khiến chúng ta dễ ngủ ngáy hơn. Suy giáp xảy ra khi thiếu hormone tuyến giáp, là một trong những bệnh mãn tính và gây hậu quả nghiêm trọng cho cơ thể.

7. Khó thở khi ngủ

Đây là tình trạng hơi thở bị gián đoạn trong thời gian ngắn và liên tục trong khi ngủ. Khi mắc chứng này, thỉnh thoảng trong lúc ngủ bạn sẽ ngừng thở khoảng 10 giây.

Điều này xảy ra khi luồng không khí bị tắc nghẽn, thiếu hụt không khí trong khi bạn đang cố gắng thở. Nó sẽ gây ra ngáy khi bạn tạm thời ngừng thở trong khoảng thời gian ngắn, tạo ra âm thanh nghẹt thở hoặc thở hổn hển.

7 cách chữa ngủ ngáy ở phụ nữ

Nhiều chị em đều đang muốn tìm hiểu cách không ngáy khi ngủ. Tùy thuộc vào nguyên nhân sẽ có các biện pháp có thể làm giảm hoặc ngừng ngáy như thay đổi tư thế ngủ, giảm cân, cắt giảm thuốc lá và rượu,...

Tìm hiểu mẹo chữa ngáy để có giấc ngủ trọn vẹn

1. Kiểm soát cân nặng

Mỡ sẽ làm cấu trúc vùng cổ họng và miệng thay đổi, làm hẹp và cản trở không khí lưu thông từ đó khiến những người thừa cân có nguy cơ mắc chứng ngáy cao hơn. Tất nhiên điều này cũng không có nghĩa là người gầy sẽ không ngáy. Nhưng nếu bạn ngáy ngủ sau khi tăng cân thì bạn hãy xem xét lại chế độ ăn uống và tập luyện của mình để kiểm soát cân nặng và cải thiện tình trạng ngáy ngủ nhé.

2. Chọn gối phù hợp

Đã bao lâu rồi bạn chưa thay vỏ gối trên chiếc giường của mình? Có thể lớp bụi tích tụ trên gối sẽ gây dị ứng và dẫn tới ngáy ngủ. Hãy chú ý việc giặt sạch và thay ga gối thường xuyên để giảm thiểu bụi bẩn nhé. Một số người cũng ít ngáy ngủ hơn khi đầu được kê cao trên gối êm đấy!

3. Uống nhiều nước

Nước tạo sẽ độ ẩm cho cổ họng, ngăn tình trạng ngủ ngáy do bị tắc nghẽn.

Chị em nên uống ít nhất mỗi ngày 2 lít nước và có thể dùng thêm các loại trà như trà gừng, trà hoa cúc… Các thành phần có lợi trong những chén trà thảo mộc sẽ hỗ trợ “đẩy lùi” chứng ngáy, mang đến giấc ngủ trọn vẹn hơn. Uống nước ấm trước khi ngủ cũng là một trong những cách chữa ngáy đơn giản mà hiệu quả.

Uống đủ nước mỗi ngày là một cách đơn giản mà hiệu quả

4. Kiểm tra đường mũi

Bạn có thể cần gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng đường mũi của mình. Nếu chứng ngáy của bạn có liên quan đến các bệnh dị ứng, viêm xoang, nhiễm trùng...,hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thuốc điều trị phù hợp.

5. Ngủ đủ giấc

Thức khuya làm việc quá sức trong nhiều giờ đồng hồ mà không ngủ đủ giấc sẽ khiến bạn dễ mệt mỏi hơn và chìm sâu vào giấc ngủ ngay sau đó. Lúc này, các nhóm cơ sẽ trở nên mềm hơn và khiến bạn ngủ ngáy. Vì thế thói quen ngủ nghỉ khoa học là cách trị ngáy hiệu quả.

6. Tránh uống rượu trước khi đi ngủ

Nếu bạn uống rượu trước khi lên giường 4 tiếng, chứng ngáy sẽ tệ hơn vì rượu bia kích thích các mô vùng cổ họng hoạt động mạnh, tạo ra tiếng ngáy.

Có những chị em lúc bình thường ngủ rất “ngoan”, nhưng khi uống rượu xong nằm ngủ sẽ ngáy. Vì vậy, hãy giảm việc hút thuốc lá và uống rượu bia đặc biệt là trước khi đi ngủ nhé!

7. Chọn tư thế ngủ lành mạnh

Thay đổi tư thế ngủ là cách chữa ngáy khá đơn giản cho các chị em phụ nữ. Những người nằm ngửa khi ngủ thì phần đầu lưỡi bị tụt xuống, đáy lưỡi cao lên và có thể che mất đường hô hấp gây ngáy. Để khắc phục, bạn có thể chọn tư thế nghiêng người khi ngủ, hoặc kê gối lên cao hơn để không khí vùng họng đi thẳng.

Nằm nghiêng là tư thế ngủ tốt để chữa ngáy

Nếu muốn tập thói quen ngủ nghiêng, bạn cũng có thể thử cho một quả bóng tennis vào mặt sau của áo, tránh lăn khi nằm ngủ.

Lời kết

Qua bài viết của AIA, có thể thấy cách chữa ngủ ngáy ở phụ nữ thật đơn giản phải không? Nếu ai đang cảm thấy “khổ sở” vì tình trạng này thì hãy thử áp dụng các mẹo trên ngay nhé!

 

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ