Biểu hiện của trạng thái căng thẳng
Trạng thái căng thẳng khiến chúng ta khó thư giãn và có thể đi kèm với nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm lo lắng và cáu kỉnh. Khi bị căng thẳng, chúng ta có thể thấy khó tập trung, dễ bị đau đầu hoặc đau nhức cơ thể khác, đau bụng hoặc khó ngủ. Chúng ta có thể thấy mình chán ăn hoặc ăn nhiều hơn bình thường. Căng thẳng mãn tính có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước và có thể làm tăng việc chúng ta sử dụng rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Tác hại của căng thẳng
Không kể đến những trạng thái căng thẳng ngắn tích cực, những căng thẳng kéo dài có thể gây nên những tác hại đến sức khỏe.
Căng thẳng cũng ảnh hưởng đến cơ thể của bạn. Ảnh hưởng xấu về thể chất của căng thẳng bao gồm: Đau mắt, nhức đầu, khó ngủ hoặc ngủ li bì, đau bụng, tăng hoặc giảm cân không kiểm soát, cơ bắp đau nhức,....
Căng thẳng tùy mức độ và từng thể trạng sẽ biểu hiện và ảnh hưởng khác nhau lên mỗi người. Việc căng thẳng kéo dài cũng có thể dẫn đến suy yếu hệ thống miễn dịch (hệ thống trong cơ thể chống lại nhiễm trùng), điều này có thể khiến bạn dễ bị bệnh hơn.
Nguyên nhân sự căng thẳng
Căng thẳng là cách cơ thể phản ứng với một thách thức hoặc nhu cầu. Thay đổi thường là một nguyên nhân gây căng thẳng. Ngay cả những thay đổi tích cực, chẳng hạn như có con hoặc được thăng chức, cũng có thể gây căng thẳng. Căng thẳng có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn.
Nguyên nhân phổ biến của căng thẳng ngắn hạn:
Làm nhiều việc trong một khoảng thời gian ngắn
Có nhiều vấn đề nhỏ trong cùng một ngày, chẳng hạn như bị kẹt xe hoặc đến muộn
Chuẩn bị cho một bài thuyết trình, cuộc thi, phỏng vấn,...
Có một cuộc tranh luận
Nguyên nhân phổ biến của căng thẳng dài hạn:
Có vấn đề tại nơi làm việc hoặc ở nhà
Gặp vấn đề về tiền bạc
Mắc bệnh lâu ngày
Chăm sóc người bị bệnh
Đối mặt với sự mất đi của một người thân yêu