Hiệu ứng Hào quang là hiện tượng cá nhân dựa vào ấn tượng của bản thân về một đặc điểm nào đó ở một người và đánh giá tương tự ở các đặc điểm khác của người đó.
Hiệu ứng Hào quang, còn được hiểu là "cái gì đẹp cũng tốt", là một hiện tượng xảy ra khi chúng ta hình thành ấn tượng tích cực hoặc tiêu cực về một người dựa trên một hoặc một số đặc điểm nào đó rồi đánh giá tương tự sang các khía cạnh, đặc điểm khác của họ.
Ví dụ: nếu bạn thấy ai đó đẹp, chúng ta cũng có thể cho rằng họ thông minh, thân thiện. Ngược lại, nếu không thích giọng nói của ai đó, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng họ không trung thực, thô lỗ và bất tài.
Thuật ngữ “Hiệu ứng Hào quang” được nhà tâm lý học Edward Thorndike đặt ra vào năm 1920, ông đã yêu cầu các sĩ quan đánh giá cấp dưới của mình dựa trên các tiêu chí như ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành, sự tin cậy,... Kết quả cho thấy, nếu sĩ quan ấn tượng với một phẩm chất cụ thể của người lính thì các tiêu chí khác cũng sẽ được đánh giá cao hơn. Ngược lại, khi bị sĩ quan xếp hạng tiêu cực về tiêu chí cụ thể, người lính sẽ bị xếp hạng thấp hơn ở các đặc điểm khác.