Hội chứng sợ giao tiếp xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được những hệ lụy mà nó mang lại. Vậy nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng này là gì? Có phương pháp nào để điều trị hội chứng này không? Hãy tham khảo bài viết này nhé!
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội là gì?
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội (Social Anxiety) là một triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu. Người bệnh thường cảm thấy lo lắng, căng thẳng và sợ hãi quá mức đối với các tình huống xã hội thông thường.
Xảy ra khi nào?
Người mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội luôn thường trực nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng trước các tình huống xã hội thông thường, chẳng hạn như trò chuyện qua điện thoại, phát biểu trước đám đông, bắt chuyện với người lạ hoặc tham gia các hoạt động nơi công cộng.
Người mắc hội chứng này luôn nghĩ rằng mọi người đang chú ý, bình phẩm và phán xét mình, đồng thời nghĩ đến những kết quả xấu nhất nếu bản thân tham gia vào các hoạt động xã hội. Tâm lý quá lo lắng và sợ hãi khiến họ thường có có xu hướng né tránh gặp gỡ và giao tiếp với tất cả mọi người.
Xem thêm: 5 cách cải thiện giao tiếp kém
Hội chứng Social Anxiety có thể xảy ra trong mọi tình huống giao tiếp xã hội
Triệu chứng hội chứng sợ giao tiếp xã hội
Người mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội thường có những biểu hiện sau:
● Luôn xấu hổ về bản thân, không có chính kiến của riêng mình.
● Sống khép kín và cô lập, không giao tiếp với người lạ và hầu như không có bạn bè.
● Trong các cuộc trò chuyện, luôn lựa chọn cách im lặng và chỉ nói khi bị bắt buộc.
● Luôn để ý đến ánh mắt của người khác, lo lắng khi có người bình phẩm về mình.
● Né tránh mọi tình huống xã hội và có xu hướng tìm việc làm một mình.
● Luôn tìm ra những sai sót, khiếm khuyết của bản thân để chỉ trích và tự trách.
● Lo lắng về một sự kiện chưa xảy ra và tự dự đoán hậu quả tiêu cực của nó.
● Các biểu hiện về mặt thể chất bao gồm: mặt đỏ bừng, chân tay run rẩy, người đổ mồ hôi, đầu óc choáng váng, lo lắng bất an, ngất xỉu đột ngột…
Nguyên nhân
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội có thể đến từ các nguyên nhân sau:
● Trải qua các chấn thương nghiêm trọng về mặt tâm lý (bị chèn ép, đánh đập, lạm dụng, lừa gạt, tẩy chay, sỉ nhục…).
● Các yếu tố sinh hóa não bị mất cân bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của con người.
● Bị ảnh hưởng bởi người đã từng mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội, trầm cảm hoặc các bệnh rối loạn lo âu khác.
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội có thể xuất phát từ những tổn thương tâm lý nghiêm trọng
Ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?
Ảnh hưởng trực tiếp tới các mối quan hệ: Người sợ giao tiếp xã hội thường có xu hướng tự cô lập mình với mọi người. Họ dường như không biết cách duy trì các mối quan hệ chất lượng và tận dụng nó cho công việc và cuộc sống sau này.
Xem thêm: Cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống
Giới hạn nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến: Người mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội thường không có các kỹ năng xã hội cần thiết như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tranh luận, gặp gỡ, giao lưu và đàm phán. Do vậy, con đường sự nghiệp và cơ hội thăng tiến thường không được như kỳ vọng.
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự nghiệp
Sức khỏe thể chất bị giảm sút: Hội chứng sợ giao tiếp xã hội có mối liên hệ chặt chẽ với các căn bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, đau dây thần kinh tọa, hội chứng ruột kích thích, đau mỏi vai gáy, mất ngủ triền miên….
Sức khỏe tâm lý không ổn định: Người mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội thường tự dằn vặt và đánh giá thấp bản thân. Cuộc sống của họ bị bủa vây bởi những nỗi lo sợ, khổ đau, bất hạnh. Để giải thoát khỏi những cơn stress, trầm cảm, nhiều người đã tìm đến chất các chất kích thích độc hại, nguy hiểm. Thậm chí, bệnh nhân còn có thể nảy sinh ý định tự tử để kết thúc cuộc sống trong vô vọng.
Cách điều trị hội chứng sợ giao tiếp xã hội
1. Thuốc
Thuốc là phương pháp được đề xuất đầu tiên để điều trị hội chứng sợ giao tiếp xã hội. Sử dụng thuốc giúp thuyên giảm triệu chứng do hội chứng sợ giao tiếp xã hội gây ra và hỗ trợ cho quá trình trị liệu tâm lý đạt kết quả khả quan hơn. Tùy vào từng từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc kê loại thuốc phù hợp nhất.
Trong tất cả các loại thuốc, chỉ có nhóm thuốc chống trầm cảm là được sử dụng lâu dài ở những bệnh nhân ngại giao tiếp xã hội. Loại thuốc này có thể dùng trong nhiều tháng để ổn định sinh hóa não bộ, từ đó hạn chế bệnh tái phát.
Trong thời gian sử dụng thuốc, người nhà cần động viên và chăm sóc bệnh nhân, đồng thời tìm hiểu về bệnh lý và các tác dụng phụ của thuốc để kịp thời phát hiện và thông báo cho bác sĩ khi có biểu hiện bất thường.
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội có thể điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý
2. Liệu pháp tâm lý
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người mắc hội chứng giao tiếp xã hội cần được can thiệp đồng thời cả liệu pháp tâm lý. Phương pháp này có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát nỗi lo lắng, sợ hãi, giúp bệnh nhân dần đối mặt với các tình huống giao tiếp thường ngày.
Đa phần bệnh nhân sẽ được chỉ định liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT) để điều chỉnh những suy nghĩ, thói quen và hành vi chưa phù hợp. Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng sẽ hướng dẫn bệnh nhân những kỹ năng cơ bản như liệu pháp thư giãn, kỹ năng giao tiếp, tương tác tự nhiên… Các kỹ năng này sẽ giúp cho bệnh nhân biết cách giải tỏa những căng thẳng và dễ dàng hòa nhập lại với mọi người.
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội còn có thể được điều trị tại nhà
3. Điều trị tại nhà
Khi mắc hội chứng sợ giao tiếp xã hội, người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng cách duy trì lối sống khoa học, lành mạnh. Mỗi ngày, bạn hãy dành ra 5 - 10 phút tập hít thở sâu. Thiền và yoga sẽ là 2 bộ môn đặc biệt hiệu nghiệm trong việc điều trị tâm lý, chữa lành những tổn thương tinh thần.
Bên cạnh đó, bạn nên hình thành chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, tránh xa rượu bia và các chất kích thích có hại cho sức khỏe. Đồng thời chú trọng hơn tới chất lượng giấc ngủ của mình để tâm hồn được nghỉ ngơi và thư giãn trọn vẹn. Ngoài ra, bạn nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày để cơ thể được giải tỏa stress và thu lại nguồn năng lượng tích cực.
Lời kết
Hy vọng qua những chia sẻ vừa rồi, bạn đã có thể hiểu rõ về hội chứng sợ giao tiếp xã hội - một loại bệnh lý có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bản thân mỗi chúng ta cần nhận thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, từ đó biết cách bảo vệ bản thân mình và giúp đỡ những người xung quanh.