Bài viết

Tự chủ là gì? 7 cách rèn luyện tính tự chủ cho con bạn

04/11/2023 dot 3 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Tự chủ là khả năng điều khiển và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Tự chủ là một kỹ năng quan trọng cho sự phát triển và thành công trong tương lai của trẻ.Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới bạn 7 cách hiệu quả giúp rèn luyện tính tự chủ cho con của bạn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết ngay nhé!

Tự chủ là gì?

Giúp trẻ rèn luyện tính tự chủ

Tự chủ là khả năng tự điều khiển hành vi và kiểm soát cảm xúc của bản thân. Tự chủ là một kỹ năng tốt và cần thiết. Những người có khả năng tự chủ có thể chống lại những khó khăn, cám dỗ trước mắt để đạt được mục tiêu lâu dài. Ví dụ, nếu bạn đang tập luyện cho cuộc thi chạy marathon, việc quyết định dậy sớm mỗi buổi sáng để hoàn thành bài tập của bạn sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Nhưng nếu bạn bắt đầu ngủ quá giờ và bỏ qua việc tập, bạn có thể thất vọng về kết quả thi đấu cuối cùng.

Tự chủ có thể giúp ích cho bạn trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống như:

  • Sự nghiệp: Tự chủ giúp bạn tập trung vào công việc hiện tại và từ từ tiến đến mục tiêu lâu dài.

  • Tài chính: Tự chủ giúp bạn tiết kiệm và chi tiêu tiền một cách hợp lý.

  • Mối quan hệ: Tự chủ giúp bạn giữ lời hứa với bạn bè, đối tác và dành thời gian để xử lý những vấn đề trong mối quan hệ thay vì hành động theo bản năng.

  • Sức khỏe tổng thể: Tự chủ giúp bạn đưa ra những quyết định lành mạnh về thức ăn, chế độ tập thể dục và tránh ra các chất kích thích thuốc, rượu bia …

Những người có tự chủ cao hơn thường cảm thấy hài lòng và tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống hơn, trong khi những người có tự chủ thấp hơn thường dễ bị cuốn theo hành vi bốc đồng và tiến triển chậm hơn trong việc đạt được mục tiêu của mình.

Tại sao nên dạy trẻ tính tự chủ

Người lớn cần dạy trẻ tính tự chủ

Dạy trẻ tính tự chủ là việc quan trọng bậc cha mẹ cần làm cho con cái của mình. Chúng ta cần dạy cho trẻ tính tự chủ vì:

  • Tự chủ giúp trẻ có thể tự quản lý hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của mình một cách phù hợp với hoàn cảnh.

  • Tự chủ giúp trẻ có thể tự tin, sáng tạo và khám phá thế giới xung quanh.

  • Tự chủ giúp trẻ có cơ hội để lựa chọn, ví dụ như thay vì bạn nói “trời đang mưa, con cần mặc áo mưa để đi học”, dạy trẻ tính tự chủ là bạn nói “trời đang mưa, con cần mang gì đi học để không bị ướt”.

Hơn nữa, tính tự chủ còn liên quan đến sự phát triển não bộ, sức khỏe tâm lý và sự thành công trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp sau này của trẻ.

7 cách rèn luyện tính tự chủ cho trẻ

Dưới đây là 7 cách các cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng để rèn luyện tính tự chủ cho trẻ:

Tập cho trẻ tính kỷ luật

Bạn cần giúp con bạn tránh xa những cám dỗ

Bạn cần giúp con bạn tránh xa những cám dỗ để rèn luyện tính tự chủ cho trẻ. Những điều có thể cám dỗ trẻ như xem giải trí trên TV, các bánh kẹo, đồ ăn ngọt, đồ chơi, các thiết bị điện tử như điện thoại, laptop ... Bạn có thể giúp con tránh xa cám dỗ bằng cách loại bỏ hoặc giảm thiểu những yếu tố này xung quanh môi trường sống của con. Bạn có thể tránh xa khu vực đồ ngọt khi đi siêu thị cùng trẻ, hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị TV, điện thoại, laptop.

Với những trẻ lớn hơn và nhận thức tốt, cha mẹ có thể dạy trẻ cách nhận biết cám dỗ và thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh xa chúng. Những đứa trẻ tránh xa cám dỗ và rèn luyện được tính tự chủ không nhất thiết phải có ý chí mạnh mẽ hơn nhưng giỏi hơn trong việc đoán trước và tránh xa các cám dỗ này.

Tạo ra môi trường mà sự tự chủ được khen ngợi

Tạo ra môi trường mà sự tự chủ được khen ngợi là điều rất quan trọng. Điều này đã được thực hiện rất tốt ở môi trường học tập ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ, trẻ mẫu giáo được lựa chọn giữa việc ăn một chiếc bánh ngay lập tức hoặc hai chiếc bánh vào tuần sau. Những đứa trẻ có khả năng tự chủ, biết cách chờ đợi sẽ lựa chọn hai món quà vào tuần sau thay vì ăn một chiếc bánh ngay lập tức.

Bạn có thể khuyến khích con phát triển tính tự chủ bằng cách khen ngợi những lần con kiểm soát được hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bạn nên khen ngợi cụ thể và thành thật về những gì con đã làm tốt, ví dụ như “Con đã rất giỏi khi tự giải quyết bài toán khó, con đã rất tốt khi biết xin lỗi vì đã làm phiền người khác”. Bạn cũng nên khen ngợi quá trình hơn kết quả, ví dụ như “Con đã rất cố gắng khi học bài, con đã rất chăm chỉ khi làm việc nhóm hay con đã rất kiên nhẫn khi xếp hàng và chờ đợi mà không chen lấn”.

Hỗ trợ trẻ bằng cách nhắc nhở kịp thời

Hỗ trợ trẻ bằng cách nhắc nhở kịp thời

Ngay cả chúng ta cũng thường xuyên hay quên những quy tắc, mục tiêu và trẻ cũng vậy. Chính vì vậy việc nhắc nhở trẻ kịp thời là rất hữu ích và cần thiết.

Bạn có thể hỗ trợ con bằng cách nhắc nhở con về những mục tiêu hoặc quy tắc mà con cần tuân theo. Bạn nên nhắc nhở con một cách khích lệ, ví dụ như “Con nhớ là phải làm bài tập trước khi đi ngủ nhé, con nhớ là phải giữ gìn đồ dùng của mình và không lấy nhầm đồ dùng của các bạn nhé, hay con nhớ là phải nói lịch sự và lễ phép với người lớn nhé”. Bạn cũng nên giải thích cho con biết lý do tại sao con cần làm như vậy, ví dụ như “Làm bài tập sẽ giúp con học tốt hơn, giữ gìn đồ dùng sẽ giúp con tránh được mất mát hoặc để lẫn với bạn bè nói chuyện lịch sự và lễ phép sẽ giúp con được người khác yêu quý và tôn trọng”.

Cho trẻ chơi trò chơi rèn luyện tính tự chủ

Bạn có thể giúp con nâng cao sự tự chủ bằng cách cho con chơi những trò chơi có yêu cầu kiểm soát hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của mình. Các trò chơi có những yêu cầu và luật lệ khác nhau sẽ giúp rèn luyện tính tự chủ.

Ví dụ, bạn có thể cho trẻ chơi trò chơi “Đèn xanh, đèn đỏ”, trong đó trẻ phải dừng lại khi bạn nói “Đèn đỏ” và di chuyển khi bạn nói “Đèn xanh”.

Trò chơi này giúp trẻ hiểu về việc làm theo chỉ dẫn. Khi trẻ đã nắm được các quy tắc khi chơi, bạn có thể đảo lại là “ Đèn đỏ được di chuyển” và “Đèn hành phải dừng lại” để tăng cường khả năng kiểm soát hành vi của trẻ. Bạn có thể cho trẻ chơi trò chơi khác như nhảy theo tiết tấu nhanh chậm của nhạc và dừng lại khi nhạc tắt.

Những trò chơi này sẽ giúp trẻ rèn luyện sự tập trung, phản ứng và biết tuân theo quy tắc. Bạn có thể cho trẻ chơi các trò chơi này trung bình mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 30 phút để nâng cao sự tự chủ.

Giúp trẻ rèn luyện sự tập trung

Giúp trẻ rèn luyện sự tập trung

Bạn có thể giúp con cải thiện sự tự chủ bằng cách giúp con rèn luyện sự tập trung vào một việc hoặc một mục tiêu. Bạn có thể giúp con thiết lập một thời gian hoặc một không gian riêng để học tập hay vui chơi.

Ví dụ, bạn có thể khuyên: “Con hãy học bài trong 30 phút rồi nghỉ ngơi 10 phút, con hãy học ở bàn thay vì trên giường để có thể tập trung hơn”. Bạn cũng có thể giúp con loại bỏ hoặc giảm thiểu những yếu tố gây sao nhãng bằng cách tắt TV, điện thoại, máy tính hoặc cất đồ chơi khi con đang học tập.

Bạn cũng nên khuyến khích con tự quản lý thời gian của mình, ví dụ như sử dụng đồng hồ, lịch hoặc bảng kế hoạch để theo dõi những việc cần làm và đã làm. Bạn có thể giúp con phân chia công việc hoặc mục tiêu thành những bước nhỏ và dễ thực hiện, ví dụ như “Con hãy làm xong bài tập toán trước, rồi làm bài tập văn sau, hay con hãy học 10 từ mới mỗi ngày”. Những cách này sẽ giúp con tăng khả năng tập trung và rèn luyện tính tự chủ một cách hiệu quả.

Khuyến khích trẻ lên kế hoạch

Lập kế hoạch là một thành phần quan trọng của tính tự chủ. Mọi người có nhiều khả năng thành công hơn khi họ nghĩ về những trở ngại mà họ gặp phải và đưa ra các bước cụ thể về thời gian, địa điểm và cách thức họ sẽ hành động. Đó là lý do tại sao bạn nên khuyến khích trẻ lên kế hoạch để rèn luyện tính tự chủ.

Bạn có thể giúp con xác định những mục tiêu rõ ràng, khả thi và cần đạt được trong một thời gian cụ thể.

Ví dụ mục tiêu của trẻ là muốn đạt điểm cao trong kỳ thi cuối năm, muốn học được tiếng Anh hoặc muốn mua được chiếc xe đạp mới. Bạn có thể giúp trẻ lập ra những bước cần làm để đạt được mục tiêu, ví dụ như: ôn tập lại kiến thức đã học, học từ vựng, ngữ pháp và giao tiếp tiếng Anh hàng ngày, tiết kiệm tiền từ tiền ăn vặt, tiền lì xì hoặc tiền làm thêm …

Bạn cũng nên giúp trẻ theo dõi tiến độ và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết. Ví dụ: Bảo trẻ kiểm tra lại xem đã học được bao nhiêu kiến thức, thử nói chuyện với người nước ngoài để kiểm tra khả năng giao tiếp hay tính lại xem đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền ... Những cách này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng tự quản lý và tự chủ trong việc đạt được mục tiêu của bản thân.

Huấn luyện trí tuệ cảm xúc cho trẻ

 Huấn luyện trí tuệ cảm xúc cho trẻ

Trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu, kiểm soát cảm xúc của bản thân và nhận biết, đồng cảm với cảm xúc của người khác. Trí tuệ cảm xúc giúp trẻ có thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực như tức giận, sợ hãi hay lo lắng, và biểu lộ được những cảm xúc tích cực như vui, yêu, hạnh phúc hay tự tin.

Bạn có thể huấn luyện trí tuệ cảm xúc cho con bằng cách giúp con nhận ra và đặt tên cho cảm xúc của mình, ví dụ như “Con đang cảm thấy gì? Con đang vui hay buồn? Con đang yêu hay ghét?”. Bạn cũng có thể giúp con tìm ra nguyên nhân và cách kiểm soát cảm xúc của mình, ví dụ như “Tại sao con lại cảm thấy lo lắng? Điều gì khiến con cảm thấy như vậy? Trò chuyện có thể giúp con giảm bớt cảm giác đó ...

Những cách này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng tự chăm sóc và tự chủ về cảm xúc của mình.

Kết luận:

Qua bài viết “Tự chủ là gì? 7 cách rèn luyện tính tự chủ cho con bạn”, bạn đã biết được 7 cách hiệu quả để giúp con rèn luyện tính tự chủ. Bạn cũng nên nhớ rằng, để rèn luyện tính tự chủ cho con, bạn cũng cần phải là một người có sự tự chủ cao. Bạn hãy là một tấm gương tốt cho con bằng cách kiểm soát được hành vi, cảm xúc và suy nghĩ của mình, và hướng dẫn con bằng tình yêu thương và sự khích lệ. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

 

Nguồn tham khảo:

[1] What Is Self-Control? Plus 5 Ways To Improve It, betterhelp, 2023

[2] Help Your Child Develop Self-Control, zerotothree, 2010

[3] Gwen Dewar, Teaching self-control: Evidence-based tips, parentingscience, 2019

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ