Đặc điểm của cây cỏ xước
Cây cỏ xước là một loại thực vật thân thảo, có tên khoa học là Achyranthes aspera L., thuộc họ rau dền (Amaranthaceae). Ở nước ta, nó còn được gọi với cái tên khác là ngưu tất nam.
Cây cỏ xước có đặc điểm sinh thái như sau:
Thân cây mảnh, hơi vuông, có lông mềm bao quanh, cao từ 1 - 2m và phân nhiều nhánh.
Lá mọc đối xứng nhau, dài khoảng 5 - 12cm và rộng khoảng 2 - 4cm. Phần cuống lá nhỏ, phần đầu lá nhọn, mép lá lượn sóng.
Hoa mọc thành chùm, mọc ra từ phần kẽ lá hoặc đầu cành.
Quả hình bầu dục, dài từ 2 - 3mm, màu nâu và chỉ chứa một hạt duy nhất. Hạt nhỏ, dày khoảng 1mm.
Rễ màu vàng, rễ chính có hình trụ, đường kính khoảng 2 - 5mm, dài khoảng 20cm và có nhiều rễ con bao quanh.
Cây cỏ xước ưa ẩm, ưa sáng và mọc nhiều ở các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam. Các loài cây này mọc dại ở khắp nơi, phát triển mạnh nhất vào tháng 2 đến tháng 10 hàng năm.
Cây cỏ xước có mấy loại
Dựa vào đặc điểm hình thái, có thể phân loại cỏ xước thành 4 loại khác nhau, bao gồm:
Cỏ xước Ấn Độ.
Cỏ xước lông trắng.
Cỏ xước màu xám đỏ.
Cỏ xước xù xì.
Ở nước ta, loại cỏ xước phổ biến nhất là cỏ xước lông trắng. Loại cỏ xước lông trắng này có đặc tính dược lý cao và được thu hái để làm thuốc.
Bộ phận dùng của cây cỏ xước
Toàn bộ cây cỏ xước đều được sử dụng. Trong đó phần rễ cây được sử dụng để làm thuốc nhiều nhất. Người ta thường thu hoạch cây cỏ xước vào mùa đông bởi khi này các dưỡng chất tập trung về rễ và sẽ cho chất lượng tốt nhất. Cây cỏ xước sau khi thu hoạch về sẽ được làm sạch, phơi khô và cắt khúc nhỏ.