Bài viết

Khoai tây mọc mầm có ăn được không? Ăn có độc không?

24/07/2023 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Khoai tây là một loại thực phẩm phổ biến và bổ dưỡng. Đa số mọi người có thói quen mua số lượng khá lớn khoai tây để sử dụng dần. Tuy nhiên, khi để lâu không sử dụng hoặc không biết bảo quản đúng cách, khoai tây có thể bị mọc mầm. Điều này gây ra tranh luận về việc khoai tây mọc mầm có ăn được không? Khoai tây mọc mầm cắt đi có ăn được không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Khoai tây mọc mầm có ăn được không?

Khoai tây mọc mầm có ăn được không? Câu trả lời là có thể ăn nhưng chúng ta không nên ăn khi khoai tây đã mọc mầm.

Khoai tây chứa hai hợp chất glycoalkaloid tự nhiên là solanine và chaconine[1]. Với một hàm lượng nhỏ, glycoalkaloid có nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người như đặc tính kháng sinh, giúp hạ đường huyết và cholesterol. Tuy nhiên chúng có thể trở nên độc hại khi ăn quá nhiều[2].

Khi khoai tây mọc mầm, hàm lượng glycoalkaloid trong chúng sẽ tăng lên cao hơn so với củ khoai tây bình thường. Đây là lý do khiến xuất hiện độc tố và gây nguy hại cho sức khỏe.

Tại sao ăn khoai tây mọc mầm lại nguy hiểm

Ăn khoai tây mọc mầm có thể khiến bạn nạp quá nhiều lượng glycoalkaloid vào cơ thể và bị ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sau vài giờ đến một ngày sau khi bạn ăn khoai tây mọc mầm.

Nếu dư thừa glycoalkaloid ở mức thấp, bạn có thể bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng. Ở hàm lượng lớn hơn, bạn có thể bị hạ huyết áp, mạch đập nhanh, sốt, đau đầu, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng[3] phụ nữ mang thai khi ăn khoai tây mọc mầm có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Khoai tây mọc mầm cắt đi có ăn được không?

Khoai tây mọc mầm có ăn được không sau khi chúng ta cắt đi phần mầm? Theo Cục An Toàn Thực Phẩm (Bộ Y Tế), chất solanine phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau:

  • Trong mầm khoai và chân mầm: 420-730 mg trong 100g

  • Trong vỏ khoai: 30-50mg trong 100 g

  • Trong ruột khoai: 4-7 mg trong 100g

Như vậy lượng chất độc chứa trong mầm khoai rất lớn, trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm. Do đó, khi cắt bỏ mầm chúng ta đã loại bỏ phần lớn chất solanine có thể gây ngộ độc cho cơ thể. Tuy vậy cũng chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc loại bỏ mầm có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe.

Trường hợp củ khoai mới nảy 1-2 mầm nhỏ, nếu ăn thì bạn phải bỏ hết mầm, khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ (chứ không chỉ cạo sơ qua) để loại bỏ hầu hết chất solanine tập trung ở đây rồi mới được nấu ăn. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên loại bỏ khoai tây mọc mầm ra khỏi thực đơn của gia đình.

Cách bảo quản khoai tây không mọc mầm

Cách tốt nhất để không phải đắn đo xem khoai tây mọc mầm có ăn được không đó chính là bảo quản đúng cách để khoai tây không mọc mầm.

Trước tiên, bạn nên hạn chế mua cùng lúc một số lượng lớn khoai tây, bạn không nên tích trữ quá nhiều và hãy mua khi cần sử dụng. Khi mua, bạn cũng cần chú ý lựa chọn những củ khoai tây chắc khỏe, không có dấu hiệu thâm tím, mục, hay nảy mầm nhỏ.

Để tránh việc khoai tây mọc mầm, bạn có thể bảo quản chúng ở nơi khô ráo và mát mẻ, tránh để khoai tây tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ cao.

Với những củ khoai tây đã có dấu hiệu hư hỏng hay nảy mầm, ban cần loại bỏ chúng để không gây ảnh hưởng đến những củ khoai tây còn lại.

Bạn không nên để khoai tây gần những loại rau quả khác như chuối, táo hoặc kiwi. Những loại rau quả này sẽ thải ra khí ethylene, làm cho khoai tây mọc mầm nhanh hơn.

Lưu ý khi ăn khoai tây

Khoai tây là một loại thực phẩm bổ dưỡng và đa dạng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, khi ăn khoai tây cũng cần có một số lưu ý sau:

  • Bạn cần sơ chế kỹ khoai tây trước khi nấu. Bạn cần gọt sạch vỏ, loại bỏ mầm và chân mầm (nếu có), rửa sạch chúng trước khi nấu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

  • Không ăn khoai tây sống, vì chúng có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh đồng thời khó tiêu hóa và có thể gây khó chịu cho dạ dày của bạn.

  • Không ăn khoai tây đã nấu quá lâu hoặc để qua đêm, vì chúng có thể bị ôi thiu hoặc sinh ra các chất độc hại. Nếu muốn bảo quản khoai tây đã nấu, bạn nên để trong hộp kín và cho vào tủ lạnh, sử dụng trong vòng 2-3 ngày.

  • Không ăn quá nhiều khoai tây, vì chúng có chứa khá nhiều tinh bột và calo. Ăn quá nhiều khoai tây có thể gây tăng cân, tiểu đường hoặc các bệnh tim mạch. Bạn nên kết hợp ăn khoai tây với các loại rau xanh và protein để cân bằng dinh dưỡng.

Khoai tây mọc mầm là một hiện tượng phổ biến khi bảo quản không đúng cách. Bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp câu hỏi khoai tây mọc mầm có ăn được không đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích như cách bảo quản khoai tây không mọc mầm, lưu ý khi ăn khoai tây. Dù vẫn có thể ăn khoai tây mọc mầm nhưng tốt nhất bạn nên tránh ăn chúng. Bạn cũng nên bảo quản khoai tây đúng cách và không ăn quá nhiều để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

Nguồn tham khảo:

[1] Mendel Friedman & Carol E. Levin, Chapter 7 - Glycoalkaloids and Calystegine Alkaloids in Potatoes, 2016

[2] Prabhat K Nema & Cộng sự, Potato glycoalkaloids: formation and strategies for mitigation, 2008

[3] Wenli Ni & Cộng sự, Maternal periconceptional consumption of sprouted potato and risks of neural tube defects and orofacial clefts, 2018

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ