Bài viết

Bảo Hiểm Xã Hội tự nguyện là gì? Lợi ích khi tham gia

03/11/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một loại hình bảo hiểm do Nhà nước quản lý giúp người tham gia được hưởng các quyền lợi như hưu trí, tử tuất hay trợ cấp. Bài viết này AIA Việt Nam sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần biết về bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đối tượng, mức đóng, quyền lợi cho đến cách thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng tìm hiểu nhé!

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Theo Khoản 3, Điều 3 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Có thể khái quát chung bảo hiểm xã hội có những đặc điểm như sau:

  • Là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, quản lý.

  • Người tham gia được lựa chọn mức đóng phương thức đóng phù hợp với bản thân.

  • Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.

Đối tượng nào được tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Khoản 4, 5 Điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm: Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện và công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, tức là không thuộc các đối tượng sau:

  • Người làm việc theo hợp đồng không thời hạn hoặc có thời hạn tối thiểu từ 3 tháng trở lên.

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

  • Cán bộ, công nhân, viên chức.

  • Các đối tượng thuộc lực lượng quân đội, công an nhân dân.

  • Người đi lao động nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

  • Quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã có nhận tiền lương.

  • Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Cụ thể, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo công thức sau:

Mức đóng = 22% x Mức thu nhập chọn đóng BHXH tự nguyện - Mức nhà nước hỗ trợ đóng

Trong đó:

  • Mức lương tháng do người lao động lựa chọn thấp nhất = Mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn = 1,5 triệu đồng, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP.

  • Mức lương tháng do người lao động lựa chọn cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở.

  • Mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm:

Đối tượng

Mức đóng thấp nhất hàng tháng khi chưa hỗ trợ

Phần trăm Nhà nước hỗ trợ

Số tiền Nhà nước hỗ trợ hàng tháng

Mức đóng thấp nhất sau khi nhận hỗ trợ của Nhà nước

Người thuộc hộ nghèo

330.000 đồng

30%

99.000 đồng

231.000 đồng

Người thuộc hộ cận nghèo

330.000 đồng

25%

82.500 đồng

247.500 đồng

Người thuộc đối tượng khác

330.000 đồng

10%

33.000 đồng

297.000 đồng

Phương thức đóng phí Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Theo Khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng phí sau đây:

  • Hàng tháng.

  • 3 tháng một lần.

  • 6 tháng 1 lần.

  • 12 tháng một lần.

  • 1 lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc 1 lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng so với quy định.

Quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được nhận những quyền lợi sau:

  • Chế độ hưu trí: Người tham gia đủ điều kiện về tuổi và thời gian đóng bảo hiểm thì khi về hưu sẽ được hưởng chế độ hưu trí.

  • Chế độ tử tuất: Khi người tham gia tử vong, người lo mai táng và thân nhân sẽ nhận được một khoản trợ cấp mai táng. Ngoài ra, thân nhân có thể được nhận các khoản trợ cấp tuất hàng tháng.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ khác nhau đối với mỗi quyền lợi, cụ thể như sau:

Đối với chế độ hưu trí

Theo Điều 74, Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, mức hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trong 15 năm, nếu người tham gia đóng nhiều hơn 15 năm thì cứ mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.

Người lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng khi đã đóng BHXH từ 20 năm trở lên và đã đủ tuổi theo quy định. Tuổi về hưu của người lao động là:

  • Đối với nam: 60 tuổi.

  • Đối với nữ: 55 tuổi.

Nếu chưa đủ tuổi về hưu mà đã đóng BHXH từ 20 năm trở lên, người lao động có thể tiếp tục đóng để tăng mức lương hưu hoặc dừng đóng và chờ đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu.

Ví dụ: Nếu bạn là nam, đã đóng BHXH tự nguyện 25 năm và chọn mức thu nhập đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng. Khi về hưu, bạn sẽ nhận được mức lương hưu như sau:

Tỷ lệ tính lương hưu = 45% + 2% x (25 - 15) = 65%

Mức lương hưu/tháng = 5 triệu đồng x 65% = 3.250.000 đồng.

Đối với chế độ tử tuất

Số tiền trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở đối với những người đóng phí bảo hiểm từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, thân nhân cũng sẽ được nhận số tiền trợ cấp tuất tương ứng:

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014).

  • 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi).

  • Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm.

  • Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Có nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một lựa chọn thông minh và tiết kiệm cho người lao động không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội. Bằng cách tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động sẽ được:

  • Được hưởng các quyền lợi như chế độ hưu trí, tử tuất hay nhận tiền bảo hiểm xã hội trợ cấp 1 lần.
  • Mức phí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp, một số trường hợp còn được Nhà nước hỗ trợ phí đóng.
  • Đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, người lao động nên tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, khi tham gia, người lao động cần phải có ý thức và trách nhiệm cao trong việc chọn mức thu nhập đóng BHXH, thanh toán tiền BHXH đúng hạn và theo dõi quyền lợi BHXH của mình.

Mua bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?

Để mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động có thể liên hệ với các cơ quan BHXH cấp huyện hoặc điểm thu, đại lý thu BHXH trên địa bàn mình ở để được tư vấn và làm thủ tục. Các điểm thu, đại lý thu BHXH có thể là UBND các xã, phường, thị trấn, bưu điện …

Kết luận: AIA Việt Nam đã giúp bạn hiểu rõ về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bạn có thể liên hệ với AIA theo Hotline: 028 3812 2777 để được tư vấn thêm các loại hình bảo hiểm phù hợp với nhu cầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, đem đến sự an tâm và hạnh phúc trong cuộc sống của bạn!

 

Nguồn tham khảo: 

[1] Luật Bảo hiểm xã hội, 2014

[2] Nghị định 07/2021/NĐ-CP

 

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ