Khám vượt tuyến
Khám bệnh vượt tuyến là trường hợp bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế là tuyến trên của cơ sở y tế đã đăng ký ban đầu. Ví dụ, anh A có thẻ bảo hiểm y tế ghi rõ cơ sở y tế đăng ký ban đầu là bệnh viện tuyến huyện, nhưng anh A lại tới khám chữa bệnh tại cơ sở y tế thuộc tuyến tỉnh. Trong trường hợp này anh A đã khám, chữa bệnh vượt tuyến.
Khám vượt tuyến thường xảy ra trong các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, cơ sở y tế chỉ định lên tuyến trên hoặc do người bệnh tự ý vì nghĩ rằng tuyến trên sẽ có cơ sở máy móc và khả năng điều trị tốt hơn.
Khám vượt tuyến có được hưởng bảo hiểm không?
Câu trả lời là có. Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến vẫn sẽ được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán bảo hiểm. Trong trường hợp cơ sở y tế tuyến ban đầu chỉ định chuyển tuyến cũng sẽ được hưởng bảo hiểm. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp thì mức hưởng đều có sự khác nhau so với khám đúng tuyến.
Mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám vượt tuyến là bao nhiêu?
Mức hưởng bảo hiểm y tế khi khám chữa bệnh vượt tuyến được chia thành người bệnh tự ý khám vượt tuyến và cơ sở khám chữa bệnh tuyến ban đầu chỉ định chuyển lên tuyến trên. Mức hưởng quyền lợi với mỗi trường hợp cụ thể như sau:
Người bệnh tự khám vượt tuyến
Theo Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, trường hợp tự khám vượt tuyến thì người bệnh sẽ có mức hưởng bảo hiểm như sau:
Tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú.
Tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú, áp dụng đến ngày 31/12/2020, 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước.
Tuyến huyện: 70% chi phí khám bệnh áp dụng đến hết ngày 31/12/2015, 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.