Bài viết

Người thụ hưởng bảo hiểm nên là ai? 5 lưu ý khi lựa chọn

03/11/2023 dot 3 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tài Chính

Người thụ hưởng bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu không chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm, quá trình chi trả quyền lợi bảo hiểm khi người được bảo hiểm không may tử vong sẽ rất phức tạp, tốn nhiều thời gian. Vậy người thụ hưởng bảo hiểm là gì? Nên chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm như thế nào để tốt nhất? Hãy cùng AIA tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Người thụ hưởng bảo hiểm là gì?

 

Khi tìm hiểu về bảo hiểm, việc hiểu rõ thuật ngữ người thụ hưởng bảo hiểm rất quan trọng với người mua bảo hiểm. Để giải đáp thắc mắc người thụ hưởng bảo hiểm là gì, hãy căn cứ theo Khoản 26 Điều 4 Luật Kinh doanh Bảo hiểm 2022: “Người thụ hưởng bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Người thụ hưởng bảo hiểm

Có thể hiểu đơn giản là khi người được bảo hiểm tử vong vì các nguyên nhân khách quan được quy định trong hợp đồng bảo hiểm.  Công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người thụ hưởng bảo hiểm. Người này sẽ được nhận toàn bộ hoặc một phần (trong trường hợp có nhiều người thụ hưởng, tỷ lệ thụ hưởng ghi trong hợp đồng bảo hiểm) quyền lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, người thụ hưởng bảo hiểm cũng có thể là bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc bất kỳ ai được chỉ định trong hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp rủi ro nhất là người được bảo hiểm tử vong thì người thụ hưởng bảo hiểm sẽ nhận được số tiền lớn nhất của hợp đồng bảo hiểm. 

Ai là người được chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm?

 

Theo Khoản 1 Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định người được chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm như sau:

“Bên mua bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng, trừ hợp đồng bảo hiểm nhóm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không đồng thời là người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm khi chỉ định người thụ hưởng; trường hợp người được bảo hiểm chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc chỉ định người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Như vậy, trong hầu hết các trường hợp (trừ một số trường hợp pháp luật quy định) thì bên mua bảo hiểm sẽ là người được chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể thay đổi người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm nhiều lần trong lúc hợp đồng còn thời hạn. Việc thay đổi này cần thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm.

Ngoài ra, bên mua bảo hiểm cũng có thể chỉ định nhiều người là người thụ hưởng bảo hiểm. Khi đó, tỷ lệ được hưởng quyền lợi bảo hiểm cho từng người sẽ được phân chia theo quyết định của bên mua bảo hiểm. Tổng tỷ lệ phân chia sẽ không được vượt quá 100% tổng số tiền bảo hiểm. Trong trường hợp tỷ lệ thụ hưởng không xác định thì tất cả các người thụ hưởng được hưởng quyền lợi theo tỷ lệ như nhau.

Ví dụ: Người vợ mua bảo hiểm cho chồng có thể chỉ định cho con ruột của họ là người thụ hưởng. Nếu không may người chồng tử vong, con đủ 18 tuổi thì con sẽ là người hưởng toàn bộ quyền lợi bảo hiểm. Nếu như con dưới 18 tuổi thì lúc này người giám hộ hợp pháp của con sẽ là người được nhận quyền lợi bảo hiểm.

Một số quy định về người thụ hưởng bảo hiểm cần lưu ý

 

Những lưu ý khi lựa chọn và chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm

Khi lựa chọn và chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm cần lưu ý những điều sau đây:

    - Người thụ hưởng bảo hiểm phải có mối quan hệ vợ chồng hoặc mối quan hệ ruột thịt (đó là cha mẹ, anh chị em ruột, con ruột) với người được bảo hiểm. 

    - Người thụ hưởng bảo hiểm không nhất thiết phải có huyết thống với bên mua bảo hiểm.

    - Nên chỉ định rõ người thụ hưởng: Nếu không chỉ rõ người thụ hưởng bảo hiểm là ai, khi người được bảo hiểm tử vong thì việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm sẽ lâu hơn bình thường, chưa kể đến việc rất có thể xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình.

    - Cần xem xét tất cả các trường hợp có thể xảy ra: Bên mua bảo hiểm nên suy nghĩ kỹ về những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, như người được bảo hiểm tử vong, người thụ hưởng tử vong, người được bảo hiểm và người thụ hưởng tử vong cùng lúc, … và quyết định lựa chọn người thụ hưởng phù hợp cho từng trường hợp để tránh những tranh chấp sau này.

    - Có thể cập nhật, thay đổi người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm theo thời gian: Theo Khoản 3 Điều 41 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bên mua bảo hiểm có thể thay đổi người thụ hưởng nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm và phải thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm.

Trường hợp nào người thụ hưởng bảo hiểm không được chi trả?

 

Người thụ hưởng bảo hiểm không được công ty bảo hiểm chi trả trong các trường hợp sau đây: 

  • Thứ nhất, người được bảo hiểm tự tử trong thời gian dưới 2 năm kể từ ngày Hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, hoặc tự gây thương tật cho bản thân.

  • Thứ hai, những trường hợp thuộc diện được loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm như chiến tranh, khủng bố, nổi loạn, bạo động, bạo loạn, nhiễm phóng xạ cũng sẽ không được doanh nghiệp chi trả. 

Có thể không chọn người thụ hưởng bảo hiểm không? 

 

Sau khi hiểu rõ về người thụ hưởng là gì? Nhiều người tự đặt ra câu hỏi liệu không chọn người thụ hưởng bảo hiểm thì có được hay không? Câu trả lời là Có. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến quyền lợi của người được bảo hiểm cũng như gia đình nếu người được bảo hiểm tử vong bất ngờ:

  • Thời gian xử lý quyền lợi từ hợp đồng bảo hiểm có thể kéo dài hơn thông thường: Khi người được bảo hiểm qua đời, công ty bảo hiểm không thể tự xác định ai là người được nhận số tiền bảo hiểm. Gia đình cần phải thực hiện các thủ tục, di chúc và chứng từ theo yêu cầu của công ty để nhận quyền lợi. Quá trình này có thể mất từ 1 - 2 năm. Nếu gặp phải các vấn đề như thiếu sót giấy tờ hoặc tranh chấp giữa các thành viên, thời gian giải quyết có thể kéo dài hơn nhiều.

  • Giá trị quyền lợi bảo hiểm có thể không được giữ nguyên vẹn: Công ty bảo hiểm có thể chuyển số tiền bảo hiểm sang bất động sản, tài chính hoặc quỹ đầu tư đã được đề xuất trước đó trong hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, công ty có thể trừ vào các khoản phí quản lý và phí bổ sung khác.

Một số trường hợp thực tế thường xảy ra nên nắm rõ 

Nắm rõ các tình huống thực tế thường xảy ra 

Một số trường hợp bên mua bảo hiểm cần nắm rõ:

  • Trường hợp 1: Không chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm, người được bảo hiểm tử vong: Trong hợp đồng bảo hiểm, nếu không có hoặc không xác định người thụ hưởng thì bên mua bảo hiểm sẽ là người nhận quyền lợi bảo hiểm. Ví dụ: Người vợ mua bảo hiểm cho chồng nhưng người thụ hưởng để trống thì nếu không may người chồng gặp rủi ro tử vong thì bên mua bảo hiểm là vợ sẽ là người được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

  • Trường hợp 2: Không chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm, cả người được bảo hiểm và bên mua bảo hiểm tử vong: Trong trường hợp này thì người thừa kế hợp pháp của bên mua bảo hiểm sẽ là người được nhận quyền lợi bảo hiểm (không phải là người thừa kế của người được bảo hiểm).

Ví dụ: Anh A mua hợp đồng bảo hiểm cho bản thân và chỉ định cho cô B là người yêu (đồng nghĩa chưa kết hôn) là người thụ hưởng. Khi khai hồ sơ hợp đồng bảo hiểm anh A lại khai là cô B là vợ hợp pháp. Trong trường hợp anh A tử vong, cô B không chứng minh được mình là vợ hợp pháp thì sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Khi này đồng nghĩa với việc không chỉ định người thụ hưởng và những người thuộc hàng thừa kế hợp pháp của anh A sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

  • Trường hợp 3: Người được bảo hiểm và người được chỉ định là người thụ hưởng bảo hiểm tử vong: Trong trường hợp này, bên mua bảo hiểm sẽ thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Ví dụ: Người vợ mua bảo hiểm cho chồng, trong hợp đồng chỉ định mẹ chồng là người thụ hưởng. Không may người chồng gặp rủi ro tử vong và người mẹ chồng đã tử vong trước đó (chưa chỉ định người thụ hưởng mới) thì người vợ sẽ là người hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Kết luận:

Người thụ hưởng bảo hiểm có vai trò quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm. Việc lựa chọn và chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm một cách hợp lý và minh bạch sẽ giúp đảm bảo quyền lợi và tránh những tranh chấp không đáng có. Bạn nên tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật và tham khảo các tư vấn viên chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm để chỉ định người thụ hưởng bảo hiểm hợp lý nhất. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Luật số: 08/2022/QH15 Luật Kinh doanh bảo hiểm

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ