Theo nghiên cứu, ngành dệt may và thời trang là một trong những ngành sử dụng lao động lớn nhất, nhưng cũng là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai sau ngành dầu mỏ.
Trong "thành tích" không có gì vẻ vang đó, Fast Fashion chiếm một phần không hề nhỏ.
Phá hủy nguồn nước
Fast Fashion yêu cầu mức giá rẻ tới cho thị trường. Do đó, các hãng sản xuất sẽ cố gắng cắt giảm tối đa các loại chi phí, trong đó là chi phí xử lý môi trường.
Thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nguồn nước lớn thứ 2 thế giới (theo số liệu của Business Insider). Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), cần tới 2700 lít để làm ra 1 chiếc áo cotton. Đồng thời, việc sản xuất ra 1 chiếc quần jean sẽ cần tới 7570.820 lít (2000 gallon) nước, theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.
Cũng theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, tổ chức này cảnh báo rằng hoạt động nhuộm vải trong sản xuất quần áo là nguyên nhân gây ô nhiễm nước lớn thứ hai trên toàn cầu. Bên cạnh đó, phát thải của ngành dệt may cũng được ước tính chiếm khoảng 9% lượng vi nhựa thất thoát hàng năm ra đại dương.
Fast Fashion thường sử dụng chất vải tổng hợp như polyester, nylon và acrylic, những chất liệu này phải mất hàng trăm năm để phân hủy sinh học. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), tổ chức này ước tính rằng 35% các hạt vi nhựa không thể phân hủy phát thải trong đại dương là đến từ quá trình giặt các loại vải dệt tổng hợp như polyester.
Phát thải chất độc hại
Vải tổng hợp thường được sử dụng trên Fast Fashion, đây là một loại vải là có quá trình sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên và năng lượng. Chúng sử dụng một lượng lớn dầu mỏ, bên cạnh đó giải phóng các hóa chất dễ bay hơi và các loại axit như HCl.
Dưới đây là một trong những con số báo động về ảnh hưởng về mức phát thải chất độc hại ra môi trường của Fast Fashion nói riêng và ngành thời trang nói chung:
Ngành công nghiệp thời trang chịu trách nhiệm cho 8-10% lượng khí thải carbon hàng năm trên toàn cầu. Con số này nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải biển cộng lại.
Trong tổng số lượng vải dùng để sản xuất thời trang, cuối cùng 87% sẽ bị đốt hoặc xử lý tại bãi chôn lấp sau khi sử dụng.
Đến năm 2050, lượng khí thải nhà kính của ngành thời trang sẽ tăng hơn 26% nếu giữ tốc độ sản xuất như hiện tại.
Vấn đề xử lý rác thải
Với sự xuất hiện của Thời trang nhanh cùng mức chi tiêu của cộng đồng tăng lên, chúng đã khiến sản lượng quần áo năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2000. Và cũng khoảng thời gian này, mức mua sắm đồ may đặc trên đã tăng 60% (theo số liệu của McKinsey).
Cộng với việc, 87% số vải làm ra đồ thời trang sẽ bị đốt hoặc xử lý tại bãi chôn lấp, chúng ta có thể thấy con người đã tạo ra lượng rác thải thời trang lớn đến mức nào.
Vấn đề trên còn được chứng minh ở con số: Mỗi giây trôi qua trên thế giới, lượng rác thải quần áo tương đương cỡ 1 xe chở rác bị mang đi chôn lấp hoặc đốt cháy, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc.
Việc mỗi bộ quần áo bị vứt đi sẽ không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà chúng còn gây ra gánh nặng trong việc xử lý rác thải ở các địa phương, quốc gia. Rác thải thời trang nếu không được xử lý có thể mất tới 200 năm để phân hủy trong bãi rác. Trong quá trình phân hủy, chúng có thể tạo ra khí metan, các hóa chất độc hại và thuốc nhuộm có thể ngấm vào đất, nguồn nước ngầm gây ô nhiễm.
Xem thêm: Bệnh hiểm nghèo bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường