Bài viết

5 cách ba mẹ giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì

14/04/2023 dot 6 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Ở tuổi dậy thì, trẻ thường trải qua những thay đổi và phát triển nhanh chóng cả về thể chất lẫn tinh thần. Những thay đổi liên tục và đột ngột này có thể khiến trẻ không kiểm soát được bản thân, hay còn gọi là khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu cách nhận biết và giúp trẻ vượt qua giai đoạn này nhé.

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là gì?

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là giai đoạn chuyển tiếp tâm sinh lý vô cùng khó khăn khi hormone sinh dục nữ/nam tăng mạnh. Nó thúc đẩy tăng trưởng và gây ra những thay đổi từng giới tính cụ thể. Khi sự phát triển tâm lý không phù hợp, trẻ sẽ gặp rất nhiều áp lực và căng thẳng.

Khi những áp lực tâm lý, căng thẳng không được giải tỏa và khắc phục kịp thời, trẻ sẽ rơi vào khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển trong tương lai, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn cảm xúc, hành vi hoặc tâm thần nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết

Ở tuổi vị thành niên, trẻ phải trải qua nhiều thay đổi về thể chất và tâm lý, các dấu hiệu khủng hoảng tâm lý có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì vậy, ba mẹ cần chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và giúp con nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Buồn vui thất thường

Đây là dấu hiệu điển hình của sự khủng hoảng tâm lý ở trẻ. Trẻ thường cảm thấy buồn chán, ủ rũ và cáu kỉnh suốt cả ngày. Một số trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, dễ cáu giận, khó chịu dù mới rất vui vẻ vì những điều nhỏ nhặt.

Mất hứng thú với mọi việc

Trẻ có thể không còn thích tham gia các hoạt động và trò chơi mà chúng từng thích. Trẻ cũng dần trở nên xa lánh mọi người, kể cả những người thân thiết với mình, không muốn gặp gỡ hay chơi đùa với gia đình, bạn bè.

Vui chơi, học tập đúng cách xua tan nỗi lo khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì

Thay đổi thói quen ăn ngủ

Trẻ mắc các vấn đề về tâm lý sẽ cảm thấy ít thèm ăn, ăn uống không đảm bảo, thường xuyên chán ăn, sút cân đột ngột. Đồng thời, trẻ cũng sẽ khó đi vào giấc ngủ, mất ngủ triền miên, ngủ không sâu giấc khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.

Có những suy nghĩ tiêu cực

Trẻ luôn cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi, không hài lòng với bản thân, luôn có cảm giác tuyệt vọng mà không rõ nguyên nhân. Đây là một trong những triệu chứng cần cảnh báo ngay. Nếu nhận thấy con có những hành vi, suy nghĩ muốn làm tổn thương bản thân hay, tổn thương người khác; ba mẹ cần đưa trẻ đến chuyên gia tâm lý để kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Ảnh hưởng xấu của khủng hoảng tuổi dậy thì

Tuổi dậy thì dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý do những thay đổi về sinh lý và nội tiết trong cơ thể. Một số biểu hiện có thể gặp đó là: thường xuyên mệt mỏi; trẻ bỏ học thường xuyên; thiếu tập trung nên trẻ dễ bị phân tâm trong lớp; trí nhớ kém sẽ khiến trẻ không nhớ được nội dung bài học, không nhớ được bố mẹ yêu cầu làm gì… Khi gặp những khủng hoảng trong độ tuổi dậy thì có thể kéo theo một số ảnh hưởng xấu đến trẻ như: 

●       Bỏ nhà ra đi: Khi đối diện với những khủng hoảng tuổi dậy thì, nhiều trẻ bỏ nhà đi sau khi bị người xấu dụ dỗ.

●       Sa ngã tệ nạn xã hội: Một đứa trẻ có thể đánh bạn bè, đánh một đứa em nhỏ hơn, cãi lại hoặc hành xử thô lỗ với cha mẹ hoặc giáo viên. Thậm chí trẻ có thể tìm đến những chất kích thích hay tệ nạn xã hội khác để giải tỏa tâm lý bản thân.

●       Tự tử: Khi áp lực học hành tương đối cao, hay khi gia đình có mâu thuẫn, trẻ dễ nổi cáu, giận dỗi vô cớ. Hay có ý tưởng và hành vi tự tử do trầm cảm, bi quan với kết quả học tập kém, bị ảnh hưởng bởi game bạo lực.

Đối mặt với tình trạng khủng hoảng tâm lý, bố mẹ có thể đưa trẻ đến gặp chuyên gia

5 cách ba mẹ giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì

Ba mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhanh chóng vượt qua giai đoạn khủng hoảng của tuổi mới lớn. Đây là giai đoạn rất nhạy cảm, nếu không được giúp đỡ một cách tế nhị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và sự phát triển sau này của trẻ. 5 cách ba mẹ giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì bao gồm:

Nói chuyện với con nhiều hơn

Những thay đổi nhanh chóng về thể chất và tinh thần khiến nhiều trẻ bối rối, lo lắng và xấu hổ. Vì vậy, ba mẹ khi nhận thấy con có những biểu hiện bất thường thì nên nhanh chóng nói chuyện, xoa dịu, giải thích cho con hiểu đó là điều bình thường. Dù là đứa trẻ nào cũng phải trải qua để có thể khỏe mạnh, trưởng thành hơn.

Đối với các vấn đề về thể chất và tâm sinh lý, ba mẹ nên hướng dẫn con tìm ra giải pháp cụ thể. Tốt nhất là ba hướng dẫn con trai và mẹ hướng dẫn con gái để trẻ không cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần trang bị cho con những kiến ​​thức bổ ích trước khi bước vào tuổi dậy thì, để trẻ có thể chấp nhận và đương đầu với những thay đổi.

Thấu hiểu cảm xúc của con

Điều quan trọng bây giờ không phải là đưa ra lời khuyên, mà là lắng nghe và thấu hiểu cho cảm xúc của con nhiều hơn. Đây không phải là lúc trẻ muốn nghe lời bình luận, phân tích hay phán xét của người lớn.

Đừng vội vàng, nhưng hãy để trẻ biết rằng bạn mong muốn được lắng nghe chúng nói chuyện và bày tỏ những vấn đề của chúng. Ba mẹ nên cố gắng dành thời gian trò chuyện với con, hỏi han con nhiều hơn, để con thoải mái chia sẻ cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của mình.

Cho con tham gia nhiều hoạt động tích cực

Trẻ bị khủng hoảng tâm lý ở tuổi dậy thì thường rất nhút nhát, không muốn giao tiếp với người khác, thu mình hoặc nổi loạn, mất kiểm soát. Khi cần thiết, ba mẹ có thể cho con tham gia các lớp học kỹ năng theo sở thích như lớp huấn luyện quân sự, lớp võ thuật, lớp kỹ năng mềm,… để trẻ dần thay đổi bản thân, định hướng cho cuộc đời mình.

Việc bố mẹ giao tiếp, vui chơi cùng trẻ là cách giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì

Hiện nay, có rất nhiều chương trình dạy kỹ năng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Những lớp học này sẽ có rất nhiều bạn đồng trang lứa, giúp trẻ thoải mái hơn và tăng kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh.

Không áp đặt con cái

Ở tuổi dậy thì, hầu hết trẻ muốn có sự tự do nhất định và không muốn ba mẹ quá nghiêm khắc và kỷ luật. Vì vậy, ba mẹ cũng cần dành cho con những khoảng không gian riêng tư nhất định để con có thể thoải mái làm điều mình thích. Đừng xâm phạm quá nhiều vào quyền riêng tư hay áp đặt con trẻ theo ý muốn của mình.

Tuy nhiên, ba mẹ cũng nên quan tâm đến con cái và kiểm soát chúng một cách tinh tế. Ba mẹ nên tạo cho con một tư thế phù hợp và giúp con phân biệt thói quen tốt và thói quen xấu. Nếu trẻ có những hành vi, suy nghĩ không đúng mực, ba mẹ nên bình tĩnh phân tích để trẻ hiểu, đừng ép buộc trẻ sẽ dễ khiến trẻ phản kháng.

Nhờ chuyên gia tư vấn tâm lý

Trên thực tế, không phải ba mẹ nào cũng có khả năng giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý của tuổi mới lớn. Vì vậy, nếu các triệu chứng của trẻ quá nghiêm trọng và không thể tự giải quyết, ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp chuyên gia tâm lý.

Bằng cách nói chuyện với một chuyên gia, trẻ dần dần cảm thấy thoải mái hơn và ít lo lắng và căng thẳng hơn. Ngoài ra, trẻ sẽ được học thêm những kiến ​​thức cần thiết và học cách tự giải quyết vấn đề của mình. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp trẻ biết cách kiềm chế cảm xúc, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn và trở lại nhịp sống bình thường.

Lời kết

Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì là tình trạng phổ biến tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý phù hợp, tâm lý của trẻ sẽ dần ổn định và dần thích nghi với nhịp sống bình thường. Vì thế, hy vọng sau bài viết này của AIA ba mẹ đã có thêm thông tin để cùng trẻ vượt qua khủng hoảng và có được sự phát triển tốt đẹp hơn.

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ