Bài viết

Bệnh giang mai: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

19/08/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Một trong những bệnh lây lan qua đường tình dục nguy hiểm nhất, đe dọa đến sức khỏe chính là bệnh giang mai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, gây ra nhiều biến chứng. Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu bệnh giang mai là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh trong bài sau. 

1. Bệnh giang mai là gì?

Bệnh giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn có tên Treponema pallidum gây ra. Loại xoắn khuẩn này xâm nhập trực tiếp vào cơ thể thông qua quan hệ tình dục, qua các vết xước trên da, niêm mạc hoặc lây từ mẹ sang con. Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, bao gồm da, hệ thần kinh, tim,...

 

Bệnh giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn gây ra

2. Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh giang mai

Bệnh giang mai được chia làm 3 thời kỳ, mỗi thời kỳ sẽ có những dấu hiệu nhận biết, biểu hiện khác nhau.

Thời kỳ thứ nhất (tổn thương xuất hiện sau 3 - 4 tuần bị lây):

  • Săng (Chancre) giang mai xuất hiện. Săng giang mai là vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ tươi và có nền cứng. 

  • Săng thường xuất hiện ở niêm mạc sinh dục như vị trí môi lớn, môi bé, mép âm hộ ở nữ, còn nam giới là ở qui đầu, miệng sáo, bìu, dương vật,.... Ngoài ra, chúng còn có thể xuất hiện ở miệng, môi, lưỡi,...

Thời kỳ thứ hai (sau 6 - 8 tuần xuất hiện săng):

  • Các dát đỏ hồng (đào ban) xuất hiện rải rác trên cơ thể

  • Bắt đầu có sẩn giang mai màu đỏ hồng, thâm nhiễm, có viền vảy xung quanh hoặc dạng sẩn dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoại tử,...

  • Ở hậu môn, bộ phận sinh dục có sẩn phì đại (Một nốt sần lớn hơn bình thường, do sự tăng sinh của các tế bào) 

  • Một số triệu chứng khác: sốt, viêm hạch, đau họng, đau cơ, rụng tóc kiểu rừng thưa, nhức đầu, sụt cân, mệt mỏi.

Thời kỳ thứ 3 (Từ năm thứ 3 sau khi mắc bệnh):

  • “Gôm” giang mai ở trên da, cơ, xương

  • Tim mạch bị tổn thương

  • Hệ thần kinh bị ảnh hưởng gây bại liệt

Lưu ý: Ở giữa thời kỳ một và hai, hai và ba, bệnh giang mai có thể không xuất hiện triệu chứng lâm sàng. Đây là giang mai kín, chỉ có thể phát hiện thông qua việc xét nghiệm huyết thanh. 

“Gôm” giang mai ở trên da

3. Bệnh giang mai ủ bệnh trong bao lâu?

Xoắn khuẩn gây bệnh giang mai cần thời gian để vào máu rồi mới tác động được đến các vị trị tổn thương, các triệu chứng lúc này mới biểu hiện ra bên ngoài, sau 2 đến 4 tuần bị phơi nhiễm. Do đó, thời gian ủ bệnh giang mai khoảng từ 3 đến 90 ngày. Dù không có biểu hiện gì nhưng bệnh vẫn có thể lây lan sang người khác.

4. Nguyên nhân gây bệnh giang mai là gì?

Vào năm 1905, hai nhà khoa học Schaudinn và Hauffman đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh giang mai là xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum. Loại xoắn khuẩn này hình giống lò xo, có 6 đến 14 vòng xoắn. Xoắn khuẩn giang mai không thể sống xa cơ thể quá vài giờ. Điều kiện lý tưởng để Treponema pallidum phát triển là 37 độ C. Các loại xà phòng, sát trùng có thể tiêu diệt chúng trong vài phút.

Tác nhân gây giang mai là xoắn khuẩn Treponema pallidum

5. Đối tượng nào dễ mắc bệnh giang mai?

 

Những người đã quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc các bệnh về giang mai. Tuy nhiên, những đối tượng sau có nguy cơ bị giang mai cao hơn người bình thường:

  • Người quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ

  • Người quan hệ tình dục với nhiều người

  • Người quan hệ tình dục đồng tính nam

  • Người nhiễm HIV, AIDS 

6. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh giang mai là gì?

 

Bệnh giang mai không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như:

  • U bã đậu trên da, xương, gan hoặc bất kỳ cơ quan nào trên người mắc bệnh giang mai giai đoạn cuối

  • Bệnh về thần kinh như đau đầu, viêm màng não, giảm thị lực, mất thính lực, sa sút trí tuệ, rối loạn chức năng tình dục ở nam, mất kiểm soát bàng quang,...

  • Người bị giang mai có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 2 - 5 lần do vết loét dễ chảy máu tạo điều kiện cho virus HIV xâm nhập

  • Phụ nữ mang thai bị giang mai có thể lây sang thai nhi. Bệnh còn làm tăng nguy cơ sảy thai, lưu thai, trẻ tử vong sau khi sinh,... 

7. Cách điều trị bệnh giang mai

 

Phương pháp điều trị bệnh giang mai được ưu tiên hàng đầu là sử dụng thuốc kháng sinh Penicillin. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, uống hết tất cả các loại thuốc kê đơn, ngay cả khi triệu chứng đã biến mất. Việc này không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh mà còn ngăn ngừa tái phát.

Bên cạnh đó cần ngừng quan hệ tình dục cho đến khi tình trạng nhiễm trùng hoàn toàn được kiểm soát. Một số bệnh nhân có thể gặp phải phản ứng Jarisch-Herxheimer sau khi điều trị, với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, và đau cơ. Những triệu chứng này thường sẽ giảm sau 24 giờ. Sau khi hoàn tất quá trình điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu, để xác nhận tình trạng nhiễm trùng đã hoàn toàn hết. 

Bác sĩ sử dụng Penicillin để điều trị bệnh giang mai

8. Bệnh giang mai lây truyền qua đường nào?

 

Giang mai chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ. Khi quan hệ tình dục, niêm mạc sẽ bị xây xát, xoắn khuẩn sẽ nhân cơ hội đó xâm nhập, đi vào máu và lan truyền khắp cơ thể. Ngoài ra, bệnh cũng sẽ lây qua do truyền máu (tiêm truyền, tiêm chích ma túy,...) hoặc qua sử dụng gián tiếp đồ dùng bị nhiễm bẩn. 

9. Có thể chữa dứt điểm bệnh giang mai không?

 

Bệnh giang mai hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được điều trị kịp thời bằng kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên, kháng sinh không thể đảo ngược những tổn thương lâu dài mà nhiễm trùng gây ra cho các cơ quan trong cơ thể. Do đó, việc phát hiện và điều trị sớm là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát triển đến giai đoạn tiềm ẩn hoặc giai đoạn thứ ba.

10. Cách phòng ngừa bệnh giang mai là gì?

 

Bệnh giang mai có thể điều trị hiệu quả bằng các loại kháng sinh đặc hiệu. Tuy nhiên, việc phòng ngừa vẫn luôn là biện pháp tối ưu hơn vì hiện tại chưa có vắc xin ngăn ngừa bệnh. Dưới đây là biện pháp phòng ngừa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai:

  • Không quan hệ tình dục bừa bãi và duy trì một mối quan hệ chung thủy.

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, đặc biệt là khi có tổn thương ở vùng sinh dục.

  • Không sử dụng chung đồ cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, hay dao cạo.

  • Nếu bị phát hiện mắc giang mai trong thời kỳ mang thai, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn chăm sóc và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho trẻ.

  • Xây dựng thực đơn cân bằng, tập thể dục thường xuyên và tránh căng thẳng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. 

Hy vọng bài viết trên của AIA Việt Nam đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh giang mai là gì và các thông tin xung quanh bệnh giang mai. Nắm bắt rõ được các triệu chứng bệnh sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Tài liệu tham khảo:

1.https://vnvc.vn/benh-giang-mai-nguyen-nhan-dau-hieu-dieu-tri-va-cach-phong-ngua/

2.https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/benh-giang-mai-nguyen-nhan-duong-lay-dau-hieu-nhan-biet-vi

3.https://vncdc.gov.vn/benh-giang-mai-nd14525.html

4.https://tamanhhospital.vn/benh-giang-mai/

5.https://www.webmd.com/sexual-conditions/syphilis

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ