Bài viết

Hội chứng ruột kích thích: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị

15/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau bụng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, IBS có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị IBS nhé!

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến ruột già. Đây là một bệnh lý mãn tính không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm đau bụng, tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai.

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?

2. Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.

Các triệu chứng của IBS rất đa dạng và khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, người mắc hội chứng ruột kích thích thường gặp một số triệu chứng sau:

  • Đau bụng: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Đau bụng do hội chứng ruột kích thích thường mơ hồ, đau dọc theo khung đại tràng. Cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng, sau khi ăn và giảm sau khi đi tiêu. Tình trạng này lặp lại ít nhất 1 lần/tuần và kéo dài trong 3 tháng gần nhất.

  • Thay đổi thói quen đi tiêu: Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra tình trạng táo bón, tiêu chảy hoặc cả hai xen kẽ. Người bệnh còn có cảm giác đi tiêu không hết hoặc phân có chất nhầy.

3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích thường không rõ ràng và thay đổi theo thời gian, đặc biệt là khi ăn uống không điều độ. Nếu bạn có các triệu chứng của IBS kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Hãy đi khám ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu báo động như khởi phát triệu chứng sau 50 tuổi, có máu trong phân, sụt cân ngoài ý muốn, sờ thấy u bụng hay trực tràng, thiếu máu hoặc sốt.

4. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của IBS vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh.

4.1. Căng thẳng và rối loạn thần kinh

Hệ thần kinh đường ruột có sự kết nối chặt chẽ với não bộ. Căng thẳng tâm lý, lo âu, hoặc trầm cảm có thể làm gia tăng sự nhạy cảm của ruột, dẫn đến các triệu chứng IBS như đau bụng, co thắt và khó chịu.

Căng thẳng và stress là nguyên nhân phổ biến gây hội chứng ruột kích thích

4.2. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Việc ăn uống không điều độ, thiếu chất xơ, ăn quá nhanh hoặc bỏ bữa cũng có thể làm hệ tiêu hóa hoạt động bất thường làm kích thích ruột và gây ra các triệu chứng. Các thực phẩm giàu chất béo, đồ uống có cồn, caffeine hoặc thực phẩm khó tiêu hóa cũng có thể kích thích triệu chứng.

4.3. Viêm nhiễm và rối loạn vi khuẩn đường ruột

Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột, thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột hoặc viêm nhiễm đường tiêu hóa là một yếu tố quan trọng trong phát triển IBS.

4.4. Rối loạn nội tiết tố

Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới, đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt do sự thay đổi hormone, đặc biệt là estrogen và progesterone, có thể tác động lên hoạt động của hệ tiêu hóa và làm tăng triệu chứng IBS.

Phụ nữ có nguy cơ mắc IBS cao do rối loạn nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt

4.5. Yếu tố di truyền

Nếu gia đình bạn có người mắc hội chứng ruột kích thích, khả năng bạn bị ảnh hưởng cũng cao hơn. Điều này cho thấy yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong việc gây ra rối loạn này. Tuy nhiên, yếu tố này thường kết hợp với các tác nhân khác như môi trường sống và thói quen ăn uống.

5. Cách chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Việc chẩn đoán IBS thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh. Bác sĩ có thể hỏi bạn về các triệu chứng, thói quen đi tiêu, chế độ ăn uống và các yếu tố khác. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc nội soi đại tràng để loại trừ các bệnh lý khác.

6. Cách điều trị 

Mục tiêu của điều trị hội chứng ruột kích thích là giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị bao gồm:

6.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Bạn nên tránh các thực phẩm kích thích như đồ ăn cay, nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều chất xơ khó tiêu. Tập thói quen ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa, bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm giàu xơ để cải thiện tiêu hóa. Ngoài ra, việc uống đủ nước và ăn uống chậm rãi cũng giúp giảm hội chứng ruột kích thích.

Ăn uống lành mạnh là cách đơn giản nhất để chữa hội chứng ruột kích thích

6.2. Sử dụng thuốc điều trị

Sử dụng thuốc điều trị phù hợp với từng triệu chứng cụ thể, như thuốc giảm đau và chống co thắt để kiểm soát cơn đau bụng, thuốc trị táo bón hoặc tiêu chảy tùy tình trạng bệnh. Ngoài ra, men vi sinh có thể hỗ trợ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện tiêu hóa.

6.3. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là cách hỗ trợ điều trị lâu dài. Tập thể dục thường xuyên không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn giảm căng thẳng- yếu tố quan trọng gây IBS. Các bài tập thư giãn như yoga, thiền hoặc hít thở sâu cũng giúp làm dịu thần kinh đường ruột.

7. Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Phòng ngừa hội chứng ruột kích thích đòi hỏi sự kiên trì trong việc xây dựng lối sống lành mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tránh các thực phẩm dễ gây kích thích ruột là bước cơ bản nhưng vô cùng hiệu quả. Duy trì thói quen uống đủ nước và ăn uống đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.

Tham gia các hoạt động thư giãn hoặc luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn là phương pháp hiệu quả để giảm căng thẳng và cải thiện tiêu hóa. Ngoài ra, hãy theo dõi sức khỏe của mình và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để kiểm soát bệnh kịp thời.

Các cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích đường ruột hiệu quả

Hy vọng bài viết này của AIA Việt Nam đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị tốt nhất. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe bằng cách xây dựng lối sống khoa học và luôn lắng nghe cơ thể bạn.

Nguồn tham khảo:
1. https://tamanhhospital.vn/hoi-chung-ruot-kich-thich/
2. https://www.vinmec.com/vie/benh/hoi-chung-ruot-kich-thich-3045
3. https://hongngochospital.vn/vi/nguyen-nhan-gay-ra-hoi-chung-ruot-kich-thich
4. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/chan-doan-hoi-chung-ruot-kich-thich-vi

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ