Bài viết

Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Chỉ số huyết áp cho từng độ tuổi

15/03/2025 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng sức khỏe tim mạch. Việc hiểu rõ huyết áp bình thường là bao nhiêu và các chỉ số huyết áp theo từng độ tuổi giúp chúng ta kiểm soát sức khỏe tốt hơn, phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như cao huyết áp hay tụt huyết áp. Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu chi tiết về các mức huyết áp an toàn và cách duy trì huyết áp ổn định.

Khám phá huyết áp bình thường là bao nhiêu?

1. Huyết áp bình thường là gì?

Huyết áp là chỉ số quan trọng giúp đánh giá sức khỏe tim mạch. Một mức huyết áp bình thường có nghĩa là áp lực máu lên thành động mạch nằm trong giới hạn an toàn, giúp tim hoạt động hiệu quả và duy trì lưu thông máu ổn định trong cơ thể.

Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu? Dưới đây là câu trả lời: 

  • Huyết áp tâm thu: Từ 90 - 139 mmHg phản ánh lực đẩy của máu khi tim co bóp.

  • Huyết áp tâm trương: Từ 60 - 89 mmHg biểu thị áp lực trong động mạch khi tim giãn ra giữa các nhịp đập.

Huyết áp có thể dao động tùy vào tình trạng sức khỏe, hoạt động thể chất hay cảm xúc. Khi vận động mạnh hoặc căng thẳng, huyết áp có thể tăng tạm thời. Ngược lại, khi nghỉ ngơi hoặc thư giãn, huyết áp thường giảm xuống.

Huyết áp bình thường giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể

2. Chỉ số huyết áp bình thường và các mức huyết áp khác

Dựa trên khuyến nghị năm 2017 của Trường Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về phòng ngừa, chẩn đoán và quản lý huyết áp cao ở người trưởng thành, các phân loại huyết áp được xác định như sau:

2.1. Huyết áp bình thường

Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Ở người trưởng thành, huyết áp được xem là lý tưởng khi duy trì dưới 120/80 mmHg, giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.  

2.2. Huyết áp bình thường cao

  • Huyết áp tâm thu: 130-139 mmHg

  • Huyết áp tâm trương: 85-89 mmHg

2.3. Tiền cao huyết áp

Tiền tăng huyết áp (130-139/85-89 mmHg) là dấu hiệu cảnh báo rằng huyết áp đang có xu hướng vượt ngưỡng an toàn. Nếu không điều chỉnh kịp thời, nguy cơ tiến triển thành tăng huyết áp thực sự là rất cao.

2.4. Huyết áp cao

Khi huyết áp đạt từ 140/90 mmHg trở lên, đây là mức chẩn đoán tăng huyết áp làm gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng khác.

Huyết áp tăng gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao

2.5. Huyết áp thấp

Huyết áp thấp (≤ 90/60 mmHg) thường không gây nguy hiểm nếu không đi kèm triệu chứng. Tuy nhiên, khi xuất hiện chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu hoặc các dấu hiệu bất thường khác thì cần được xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng sức khỏe.

3. Bảng chỉ số huyết áp theo từng độ tuổi

Theo dõi chỉ số huyết áp theo từng độ tuổi giúp đánh giá liệu huyết áp của một người có nằm trong giới hạn bình thường hay không. Dưới đây là bảng tham khảo về huyết áp bình thường là bao nhiêu  theo độ tuổi:

3.1. Huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên

Độ tuổi

Chỉ số huyết áp

Trẻ em từ 1 – 5 tuổi

Tối đa là 110/80 mmHg, trung bình 80/50 mmHg

Trẻ em từ 6 – 13 tuổi

Tối đa 120/80 mmHg, trung bình 85/55 mmHg

Trẻ em từ 13 – 15 tuổi

Tối đa 104/70 mmHg, trung bình 95/60 mmHg

Thanh thiếu niên từ 15 – 19 tuổi

Tối đa 120/81 mmHg, trung bình 117/77 mmHg

 

3.2. Huyết áp ở người trưởng thành

 

Độ tuổi

Chỉ số huyết áp

Người lớn từ 20 – 24 tuổi

Huyết áp bình thường từ 108/75 mmHg đến 120/79 mmHg, tối đa không quá 132/83 mmHg

Người lớn từ 25 – 29 tuổi

Mức huyết áp an toàn từ 109/76 mmHg đến 121/80 mmHg, tối đa 133/84 mmHg

Người lớn từ 30 – 34 tuổi

Huyết áp từ 110/77 mmHg đến 134/85 mmHg

Người lớn từ 35 – 39 tuổi

Huyết áp từ 111/78 mmHg đến 135/86 mmHg

 

3.3. Huyết áp ở người trung niên và cao tuổi

 

Độ tuổi

Chỉ số huyết áp

Người lớn từ 40 – 44 tuổi

Huyết áp bình thường 125/83 mmHg

Người lớn từ 45 – 59 tuổi

Tối đa 139/88 mmHg, trung bình 115/80 mmHg

Người lớn trên 60 tuổi

Trung bình 134/87 mmHg

 

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp

Huyết áp có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là những yếu tố phổ biến thường gặp:

  • Tiêu thụ muối và natri: Việc ăn quá nhiều muối và natri có thể làm tăng nồng độ natri trong máu, gây mất cân bằng giữa natri và kali làm tăng huyết áp.

  • Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc cao huyết áp càng cao, chủ yếu do sự lão hóa và xơ cứng tự nhiên của các mạch máu.

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh cao huyết áp thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn.

  • Sử dụng thuốc kích thích: Thói quen hút thuốc và uống rượu bia có thể làm huyết áp tăng cao và gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch.

  • Thừa cân và béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp do áp lực lên các mạch máu và hệ tim mạch.

  • Tình trạng tâm lý: Stress kéo dài hoặc cảm giác lo âu thường xuyên có thể dẫn đến tăng huyết áp.

  • Khả năng co bóp của tim: Nếu tim yếu hoặc có vấn đề về khả năng co bóp, huyết áp có thể bị ảnh hưởng cả tăng hoặc giảm.

  • Độ cứng của động mạch: Khi động mạch trở nên cứng hơn do lão hóa hoặc bệnh lý thì huyết áp có thể tăng lên.

  • Khối lượng máu: Mất máu do các tai nạn, phẫu thuật hoặc chảy máu có thể dẫn đến huyết áp thấp.

  • Lượng nước trong cơ thể: Thay đổi lượng nước trong cơ thể, chẳng hạn như khi cơ thể bị mất nước có thể dẫn đến hạ huyết áp.

  • Độ nhớt của máu: Độ nhớt của máu cũng có thể làm huyết áp thay đổi. Sự thay đổi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức protein, đường, mỡ và các chất khác trong máu.

5. Khi nào chỉ số huyết áp được coi là bất thường?

Nếu bạn tự đo huyết áp tại nhà và phát hiện chỉ số huyết áp tâm thu hoặc tâm trương cao hoặc thấp hơn mức bình thường (120/80 mmHg) thì hãy đến ngay bệnh viện để được kiểm tra.

Ngoài ra, nếu xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, môi và tay tím tái, cảm giác lạnh người, ra mồ hôi nhiều, rối loạn nhịp tim, ngất xỉu, bạn cần được cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp bạn không chắc chắn liệu mình có huyết áp thấp hay cao, việc thăm khám tại bệnh viện là rất quan trọng.

6. Cách đo huyết áp đúng cách

Cách đo huyết áp ở bắp tay:

  1. Quấn vòng bít quanh bắp tay, đảm bảo khoảng cách từ mép vòng bít đến khuỷu tay là từ 1-2 cm.

  2. Ngồi thoải mái với lưng thẳng.

  3. Kiểm tra lại độ vừa vặn của vòng bít trên tay, đảm bảo không quá chặt hoặc quá lỏng.

  4. Bật máy đo và đợi kết quả.

  5. Tắt máy sau khi hoàn tất.

Cách đo huyết áp ở cổ tay:

  1. Đeo vòng bít vào cổ tay, giữ khoảng cách bằng 1 ngón tay giữa vòng bít và cổ tay.

  2. Đặt cổ tay ngang với vị trí của tim.

  3. Ngồi thoải mái với lưng thẳng.

  4. Bật máy và chờ kết quả.

  5. Tắt máy sau khi đo xong.

Đo huyết áp ở cổ tay đơn giản và chuẩn xác

7. Cách duy trì huyết áp ổn định

TS. Abhijit Borse, bác sĩ tim mạch can thiệp tại Viện Tim Châu Á, Mumbai, chia sẻ những lời khuyên quan trọng để kiểm soát và duy trì huyết áp khỏe mạnh:

7.1. Chế độ ăn uống khoa học

TS. Borse khuyến nghị một chế độ ăn uống giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc để giúp kiểm soát huyết áp. Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) được thiết kế đặc biệt để hạ huyết áp bằng cách giảm lượng natri và tăng cường thực phẩm giàu kali, canxi và magiê.

7.2. Luyện tập thể dục thể thao

Vận động thể chất giúp củng cố sức khỏe tim mạch, cải thiện khả năng bơm máu của tim và giảm áp lực lên động mạch, từ đó kiểm soát huyết áp hiệu quả. Hãy tập ít nhất 30 phút mỗi ngày với các hoạt động vừa phải như đi bộ nhanh hoặc đạp xe, 5 ngày mỗi tuần.

Duy trì mức huyết áp bình thường bằng cách tập thể dục

7.3. Sinh hoạt lành mạnh

Ngoài chế độ ăn và tập luyện, một lối sống lành mạnh bao gồm đủ giấc ngủ và giảm căng thẳng cũng rất quan trọng để duy trì huyết áp ổn định.

Việc theo dõi huyết áp thường xuyên và duy trì chỉ số huyết áp trong ngưỡng bình thường là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Nếu nhận thấy huyết áp có dấu hiệu bất thường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều chỉnh kịp thời. Hy vọng những thông tin từ AIA Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về huyết áp bình thường là bao nhiêu và có biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Nguồn tham khảo:
1. https://tamanhhospital.vn/huyet-ap-binh-thuong/
2. https://medlatec.vn/tin-tuc/bang-chi-so-huyet-ap-binh-thuong-doi-voi-tung-lua-tuoi-s195-n31859

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ