Bài viết

5 tuyệt chiêu rèn luyện tính kiên nhẫn cho con

21/04/2023 dot 8 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Hiểu được tầm quan trọng của sự kiên nhẫn trong đời sống và rèn luyện tính nhẫn nại cho con ngay từ sớm sẽ giúp ích cho sự thành công của trẻ trong tương lai. Đức tính này giúp con vượt qua các hoàn cảnh khó khăn và kiểm soát cảm xúc một cách tốt nhất. 

Trong bài viết này, AIA sẽ giúp bạn tìm hiểu về ý nghĩa của tính kiên nhẫn và chia sẻ 5 bí quyết rèn luyện sự nhẫn nại cho con một cách hiệu quả.

Kiên nhẫn là gì?

Theo giải nghĩa của cuốn từ điển Tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ (2003), Kiên nhẫn có nghĩa là: "Có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, mặc đù thời gian kéo dài, kết quả chưa thấy."

Nói một cách dễ hiểu hơn, đức tính kiên nhẫn là một trạng thái vững tâm tiếp tục thực hiện công việc mình đang làm mà không có sự nản lòng, mặc cho hoàn cảnh có khó khăn đến mức nào. 

Lợi ích kiên nhẫn cho trẻ

Kiên nhẫn là một đức tính rất quan trọng cần phải dạy cho trẻ từ khi còn nhỏ, bởi nó giúp con người biết cách kiểm soát cảm xúc và xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn. 

Dưới đây là 6 lợi ích trong ngắn và dài hạn khi trẻ học được cách kiên nhẫn:

  • Hành vi có suy nghĩ hơn: Học được sự kiên nhẫn sẽ giúp con trẻ suy nghĩ thấu đáo hơn trước khi thực hiện bất cứ điều gì, thay vì những hành vi bốc đồng và không kiểm soát. Ví dụ: Không vòi vĩnh bố mẹ mua đồ này đồ kia.

  • Con đường học tập tốt hơn: Dạy trẻ có tính kiên nhẫn giúp con trẻ của bạn có con đường học vấn tốt hơn. Theo nghiên cứu của Brian C. Cadena và cộng sự tại Mỹ cho thấy, những người thiếu kiên nhẫn thường có xu hướng bỏ dở chương trình học mình đang theo đuổi hơn so với người khác.

  • Ít phạm lỗi hơn: Con trẻ có tính kiên nhẫn thường sẽ ít phạm lỗi hơn. Theo nghiên cứu của Marco Castillo - ĐH Texas A&M báo cáo rằng: Những trẻ từ 13 đến 15 tuổi có tính kiên nhẫn thấp có nhiều khả năng bị kỷ luật hơn trong học tập.

  • Trở nên thông minh hơn: Theo nghiên cứu của Stephen V. Burks - ĐH Minnesota & cộng sự cho thấy, sự tính kiên nhẫn càng cao liên quan đến việc tăng chỉ số IQ. Vì thế, những người có chỉ số IQ cao thường có tính kiên nhẫn cao hơn, từ đó họ thường đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp hơn.

  • Khắc phục những vấn đề trong dài hạn: Dạy kiên nhẫn cho trẻ giúp con bạn tránh được những tệ nạn sau này. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng sự không kiên nhẫn của một người khi lớn lên có ảnh hưởng tiêu cực như: vay nợ nhiều hơn (nghiên cứu của Stephan Meier - ĐH Columbia & cộng sự), tỷ lệ tội phạm cao hơn (nghiên cứu của David Åkerlund - ĐH Stockholm & cộng sự) và làm mẹ khi còn quá trẻ (thông tin từ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới).

  • Ích lợi cho sức khỏe: Có thể bạn không tin, nhưng kiên nhẫn có thể giúp con trẻ khỏe mạnh hơn khi lớn lên. Theo nghiên cứu trên 661 trẻ từ 10-18 tuổi Matthias Sutter và cộng sự tại Đức, đã chỉ ra những trẻ thiếu kiên nhẫn tiêu nhiều tiền  cho rượu và thuốc lá, cùng với đó là Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng cao hơn.

5 tuyệt chiêu rèn luyện tính kiên nhẫn cho con

1. Tập thở

Với bài tập này, bạn chỉ cần đưa con đến một nơi yên tĩnh. Bạn hướng dẫn con bắt đầu với 10 hơi thở - hoặc ít hơn một chút nếu trẻ không đủ kiên nhẫn. Bạn cùng con ngồi khoanh chân tương tự như tư thế thiền, nhắm mắt lại và bắt đầu thở chậm và sâu. Bạn hãy bảo trẻ đếm từng hơi thở của mình.

Trong khi thở, tâm trí của con có thể hơi rối loạn và tưởng tượng đến một điều gì đó. Bạn hãy nói với trẻ rằng hãy yên tâm nghĩ đến điều đó và tiếp tục thở. 

Khi con bạn cảm thấy thoải mái với 10 hơi thở đầu tiên, hãy tăng dần số lượng vào những lần tập sau. Việc thở chậm sẽ giúp rèn luyện tính cách con bạn làm mọi thứ theo hướng "chậm mà chắc", thay vì những hành động nhanh và bồng bột. Từ đó, sẽ tăng cường sự nhẫn nại của con hơn.

2. Hoãn lại lợi ích trước mắt 

Dạy con học cách hoãn lại những lợi ích trước mắt cũng là một cách tốt để về sau để rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại của con. 

Ví dụ: Gần đến ngày sinh nhật của con, bố mẹ có mua quà nhưng cất vào một chỗ và bảo con đến sinh nhật mới được nhận và mở quà. Việc làm này này sẽ giúp con kiềm chế được tính nóng vội hơn.

3. Học cách chờ đợi xếp hàng

Việc học cách chờ đợi trong các tình huống xếp hàng là một phương pháp rất tốt giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn một cách hiệu quả. Tại sao lại vậy?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp rất nhiều tình huống phải chờ đợi, ví dụ như: xếp hàng chờ thanh toán trong siêu thị, chờ mua vé, chờ lên xe khởi hành... Trong những tình huống này, việc phải chờ đợi trong thời gian dài mà không làm gì khác thường sẽ khiến trẻ sinh ra tâm lý chán chường, mong muốn bỏ cuộc hoặc đòi lên trước để "xong việc" nhanh chóng.

Việc yêu cầu trẻ tuân thủ xếp hàng giúp con học cách kiểm soát tâm lý trên, tránh các hành vi bồng bột, mất lịch sự. Từ đó giúp con học cách nhẫn nại trước tình huống khó khăn một cách tốt hơn. Chờ đợi cũng giúp trẻ học cách tự mình thực hành kiểm soát cảm xúc, từ đó giảm sự nóng vội và hạn chế sự bỏ cuộc của mình.

4. Chơi trò chơi im lặng

Trò chơi im lặng là một hoạt động thường thấy trong các lớp học mầm non theo chương trình Montessori. Đây là một trò chơi giúp trẻ phát triển khả năng tự quản và giúp "yên" trong tâm trí trẻ hơn bằng cách thực hành im lặng và lắng nghe âm thanh xung quanh nhiều hơn. 

Khi chơi trò chơi im lặng, trẻ sẽ học cách kiểm soát các hoạt động của mình, phát triển sự tập trung, tăng nhận thức đến những thay đổi xung quanh. Đồng thời xây dựng cho trẻ khả năng điều chỉnh cảm xúc và giảm những hành vi bồng bột, hiếu động của bản thân.

Luật chơi của Trò chơi im lặng như sau:

  • Bước 1: Tất cả mọi người trong nhóm đều phải đồng ý tham gia trò chơi và chấp nhận nỗ lực để không nói gì trong thời gian quy định.

  • Bước 2: Thời gian quy định có thể là bất kỳ thời gian nào tùy thích, ví dụ như 10 phút, 15 phút, hoặc 30 phút.

  • Bước 3: Trong thời gian quy định, tất cả mọi người trong nhóm phải không nói gì, không sử dụng ngôn ngữ ký hiệu hay thể hiện bất cứ cảm xúc nào bằng cách nào khác. Nếu ai đó bị phát hiện nói hoặc thể hiện cảm xúc, họ sẽ bị loại khỏi trò chơi.

  • Bước 4: Khi thời gian kết thúc, người còn sống cuối cùng sẽ được coi là người chiến thắng. Chơi trò chơi này càng nhiều, trẻ càng có cơ hội rèn luyện tính nhẫn nại một cách vui vẻ mà không áp lực.

5. Họp mặt gia đình

Khi con trẻ tham gia vào các cuộc họp gia đình, con có thể học từ bố mẹ được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, trong đó có tính kiên nhẫn.

Trong các cuộc họp gia đình, trẻ em có thể học được kỹ năng im lặng - lắng nghe người khác nói và tôn trọng sự khác biệt. Từ đó, trẻ sẽ giảm được cái tôi xuống và tăng được tính nhẫn nại hơn.

Hơn nữa, họp mặt gia đình định kỳ hàng tuần, hàng tháng cũng có tác dụng trong việc tạo ra văn hóa gia đình gắn kết. Khi trẻ em tham gia vào các cuộc họp gia đình thường xuyên, các con sẽ có cơ hội nhiều kỷ niệm để ôn lại với những thành viên trong nhà. Điều này tạo cơ hội cho trẻ và các thành viên trong nhà xích lại với nhau hơn, rút ngắn sự xa cách do "khác biệt thế hệ".

Trong cuộc sống, kiên nhẫn là một điều rất quan trọng đối với con trẻ. Nó giúp con xử lý tốt các hoàn cảnh khó khăn và cư xử một cách đúng đắn hơn. Các bậc cha mẹ nếu ý thức rõ tầm quan trọng của kiên nhẫn là gì và rèn đức tính này cho con càng sớm thì trẻ càng nhanh trưởng thành và tự tin hơn trong cuộc sống.

Nguồn tham khảo:

Cleveland Clinic, 7 Tips for Better Patience: Yes, You’ll Need to Practice!, 2019

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ