Bài viết

Trầm cảm là gì? Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị trầm cảm

1/12/2024 dot 7 phút đọc
Tinh thần Lời khuyên Sống Khỏe

Trầm cảm không chỉ đơn thuần là một trạng thái buồn bã, mà còn là một căn bệnh tâm lý phức tạp ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Nhiều người trong chúng ta có thể không nhận ra rằng mình đang sống chung với trầm cảm, vì những dấu hiệu của nó thường bị bỏ qua hoặc hiểu nhầm. Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu trầm cảm là gì và dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm trong bài sau.

Trầm cảm là gì?

Trầm cảm (depression) là dạng một rối loạn tâm trạng phổ biến, người bị trầm cảm cảm thấy buồn bã, trầm uất, có kèm triệu chứng khóc hoặc không. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn có thể gây ra các vấn đề về thể chất, công việc và các mối quan hệ xã hội, thậm chí khiến nạn nhân có ý định tự tử.

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng phổ biến hiện nay

Tầm quan trọng của việc nhận biết trầm cảm

Trầm cảm là một căn bệnh âm thầm, bạn có thể mắc trầm cảm lúc nào mà không biết. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 người bình thường thì có 1 người từng trải qua giai đoạn trầm cảm trong năm qua, và mỗi năm có khoảng 850.000 người tử vong vì trầm cảm. Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống mà còn đến sức khỏe thể chất.

Ảnh hưởng tinh thần và cuộc sống:

  • Mất tập trung, giảm hiệu quả trong học tập và công việc.

  • Khó khăn trong giao tiếp và xây dựng mối quan hệ, thường thu mình lại.

  • Có thể dẫn đến hành động tự gây hại hoặc suy nghĩ tự tử do cảm giác thấp kém, có lỗi.

Ảnh hưởng sức khỏe thể chất:

  • Giấc ngủ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiếu ngủ làm tinh thần càng sa sút.

  • Giảm ham muốn tình dục.

  • Trầm cảm kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe các bộ phận khác như tim, huyết áp, dạ dày. 

Trầm cảm làm người bệnh mất ngủ, thiếu ngủ

Nguyên nhân gây ra trầm cảm

Nguyên nhân gây ra trầm cảm không chỉ do áp lực công việc, cuộc sống hay trải qua một cú sốc tinh thần lớn mà còn do nhiều nhân khác như:

Yếu tố sinh học và di truyền

Nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa trầm cảm và yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác sẽ cao hơn. 

Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh có trong não bộ Noradrenalin và Serotonin ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, sự tương tác bất thường của hai chất dẫn truyền thần kinh này với các thành phần khác của não cũng có thể khiến con người bị trầm cảm. 

Yếu tố tâm lý và môi trường

Sang chấn tâm lý do sốc hoặc bị stress kéo dài là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến trầm cảm. Nguyên nhân có thể do mất người thân, mâu thuẫn với bạn bè, gia đình, căng thẳng trong công việc, áp lực cuộc sống, tài chính,... 

Bên cạnh đó, yếu tố môi trường cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi vị thành niên. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với người mắc trầm cảm, dễ dẫn đến việc bắt chước các hành vi và suy nghĩ tiêu cực như ít nói, buồn bã, mệt mỏi, từ đó có nguy cơ mắc trầm cảm và ảnh hưởng đến tương lai.

Ngoài ra, những đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc, sự không hòa thuận giữa bố mẹ có nguy cơ bị trầm cảm cao. Thiếu yêu thương và sự quan tâm từ cha mẹ, cùng với những lời trách móc, cãi vã, khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, lạc lõng và chán nản, lâu dần có thể dẫn đến trầm cảm. 

Stress kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm

Tác động của lối sống và chế độ dinh dưỡng

Những người thường xuyên sử dụng chất kích thích như ma túy, rượu bia, thuốc lá có xu hướng dễ mắc trầm cảm. Chất kích thích tác động mạnh đến thần kinh, dẫn đến giảm trí lực, ức chế, mệt mỏi và cuối cùng là trầm cảm. Ngoài ra, khi sử dụng một số thuốc điều trị cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến thần kinh, gây ra trầm cảm. 

Dấu hiệu nhận biết bạn đang bị trầm cảm

Trầm cảm là một rối loạn tâm lý phổ biến, ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết căn bệnh này.

Thay đổi trong cảm xúc

Người mắc trầm cảm thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc bất hạnh, ngay cả trong những tình huống bình thường. Trầm cảm khiến người bệnh rơi vào trạng thái tiêu cực với cảm xúc xấu như đau khổ, chán nản, và vô vọng. Họ nhạy cảm hơn, dễ buồn chán khi cảm thấy không được quan tâm hoặc bị bỏ rơi. 

Thay đổi trong thói quen ăn uống và ngủ

Bệnh nhân trầm cảm thường mất cảm giác ngon miệng, không muốn ăn, dẫn đến giảm cân, nhưng một số bệnh nhân khác lại thèm ăn hơn, dẫn đến ăn nhiều hơn bình thường và tăng cân. 

Mất ngủ là triệu chứng trầm cảm phổ biến nhất, xảy ra ở 95% bệnh nhân. Họ cảm thấy trằn trọc, khó ngủ mặc dù rất buồn ngủ, và thức dậy sớm hơn bình thường. Nhiều bệnh nhân có thể thức trắng cả ngày lẫn đêm, dẫn đến suy nhược cơ thể.

Người trầm cảm mất cảm giác ngon miệng, không muốn ăn, chán ăn

Suy giảm khả năng tập trung

Người bị trầm cảm thường thường than phiền rằng họ cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, giảm khả năng tập trung, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút. Họ có thể cảm thấy suy nghĩ của mình không liền mạch và dễ bị phân tâm. 

Cảm giác mệt mỏi và mất năng lượng

Cảm giác mệt mỏi thường nặng hơn vào buổi sáng, không còn hứng thú với việc gì. Ở mức nặng, họ có thể không thể thực hiện các công việc hàng ngày như đi chợ, nấu ăn hoặc giặt giũ. 

Suy nghĩ tiêu cực hoặc có ý định tự tử

Bệnh nhân trầm cảm thường cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, và luôn có ý nghĩ tiêu cực về bản thân. Họ cảm thấy tuyệt vọng, không còn niềm tin vào tương lai và thường bị ám ảnh về cái chết. Nhiều người có ý nghĩ về cái chết nặng nề hơn cả ý định tự sát, và dần dần tin rằng việc chết đi sẽ giúp họ thoát khỏi đau khổ. 

Người bị trầm cảm hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân

Ảnh hưởng của trầm cảm đối với cuộc sống

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh:

  • Mất tập trung: Người trầm cảm thường gặp rối loạn tư duy, khiến họ khó tập trung, không thể nghĩ gì, ảnh hưởng đến công việc và học tập.

  • Giao tiếp và mối quan hệ xã hội: Họ có xu hướng sống khép kín, thiếu giao tiếp và tự cô lập, làm bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Gia tăng tệ nạn: Gần 1/3 người trầm cảm tìm đến rượu bia và chất kích thích để quên đi nỗi buồn, dẫn đến nghiện và làm tình hình trở nên phức tạp hơn.

  • Tự làm thương bản thân hoặc tử tự: Ước tính gần 3.000 người tự tử mỗi ngày, trong đó 70% liên quan đến trầm cảm. Người bệnh muốn giải thoát cho mình khỏi đau khổ.

  • Bệnh tim mạch: Trầm cảm có thể gây viêm tim do thiếu oxy, làm gia tăng nguy cơ đau tim.

  • Suy giảm miễn dịch: Stress kéo dài làm yếu hệ miễn dịch, khiến người bệnh dễ mắc cúm và cảm lạnh.

  • Mất ngủ, đau đầu và đau lưng: Tâm trí không bình tĩnh khiến người bệnh khó ngủ, gây ra mệt mỏi và tăng căng thẳng. Dù không trực tiếp gây đau lưng, trầm cảm dẫn đến các vấn đề như tăng cân, thiếu dinh dưỡng, làm phát sinh đau đầu và đau lưng.

  • Giảm ham muốn tình dục: Bệnh trầm cảm lâu dài có thể gây rắc rối trong đời sống tình dục, như rối loạn cương dương ở nam và khô âm đạo ở nữ. 

Bệnh nhân trầm cảm sống khép kín, ngại giao tiếp

Cách điều trị và quản lý trầm cảm

Để điều trị trầm cảm, trước tiên bạn cần đến thăm khám bác sĩ để đánh giá mức độ trầm cảm mà bạn đang mắc phải. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. 

Liệu pháp tâm lý (Psychotherapy)

Liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp chính để điều trị trầm cảm. Các loại liệu pháp tâm lý thường được sử dụng để điều trị trầm cảm có thể kể đến như:

  • Trị liệu nhận thức và hành vi: Giúp bệnh nhân nhận diện và thay đổi những suy nghĩ tiêu cực.

  • Trị liệu nghệ thuật: Sử dụng nghệ thuật như một công cụ để biểu đạt cảm xúc và tìm kiếm sự chữa lành.

  • Trị liệu gia đình: Tăng cường sự hỗ trợ từ gia đình, giúp cải thiện mối quan hệ và giảm bớt căng thẳng.

Liệu pháp tâm lý không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn giúp bệnh nhân hiểu thêm về bản thân, tăng cường tự tin và khả năng thích nghi với cuộc sống.

Liệu pháp tâm lý là một trong những phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến

Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc chống trầm cảm là một phương pháp điều trị phổ biến, đặc biệt cho những trường hợp trầm cảm trung bình đến nặng. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs): Giúp cải thiện tâm trạng bằng cách tăng cường mức serotonin trong não.

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Thường được chỉ định cho các trường hợp nặng hơn.

  • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs): Thích hợp cho những bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc khác.

Liều lượng và thời gian điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân. 

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng trong việc khắc phục, làm giảm tình trạng trầm cảm. Người bệnh trầm cảm nên ưu tiên một lối sống lành mạnh, khoa học:

  • Tập thể dục thường xuyên: Giúp sản sinh endorphin, hormone tạo cảm giác hạnh phúc.

  • Chế độ ăn uống hợp lý: Tăng cường thực phẩm giàu Omega 3, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ sức khỏe tinh thần.

  • Giao tiếp xã hội: Duy trì mối quan hệ tích cực với bạn bè và gia đình để tạo ra hệ miễn dịch tinh thần mạnh mẽ

  • Tránh thức đêm, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, mạng internet và các ứng dụng mạng xã hội để không bị phụ thuộc. 

Tập thể dục sẽ giúp sản sinh hormone hạnh phúc

Khi nào bạn cần tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia?

Trầm cảm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần và thể chất, vì vậy việc điều trị cần thực hiện sớm. Nếu không được can thiệp, bệnh sẽ nặng hơn, có thể dẫn đến hành động tự hại hoặc nguy hiểm cho người khác. 

Khi có dấu hiệu trầm cảm, hãy trò chuyện với bạn bè hoặc người thân để tìm kiếm hỗ trợ, và đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia nếu cần. Đặc biệt, nếu có ý nghĩ tự tử, hãy ngay lập tức tìm đến bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời. 

Nhận biết trầm cảm sớm có thể giúp bạn tìm ra giải pháp phù hợp và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu mà chúng tôi đã đề cập, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Hy vọng bài viết của AIA Việt Nam đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.

Tài liệu tham khảo:
1. https://hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/tram-cam-roi-loan-cam-xuc/tram-cam/
2. https://www.pharmacity.vn/dau-hieu-tram-cam.htm
3. https://www.nhathuocankhang.com/benh/tram-cam
4. https://medlatec.vn/tin-tuc/bieu-hien-nguyen-nhan-va-cach-phong-tranh-chung-tram-cam-s65-n28338
5. https://www.vinmec.com/vie/benh/tram-cam-2982
6. https://bookingcare.vn/cam-nang/hau-qua-di-chung-cua-benh-tram-cam-p2018.html
7. https://tamanhhospital.vn/tram-cam/
8. https://medlatec.vn/tin-tuc/7-dau-hieu-cua-benh-tram-cam-thuong-gap-de-nhan-biet-nhat-s65-n28340

Đăng ký để nhận những cách mới giúp bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.