Bài viết

Giải đáp: Bệnh hen suyễn có chữa được không?

27/12/2024 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Hen suyễn là một bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp gây ảnh hưởng đến khả năng hít thở và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nhiều người thắc mắc: Bệnh hen suyễn có chữa được không? Và làm thế nào để kiểm soát tình trạng bệnh hiệu quả. Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu về căn bệnh này và những phương pháp hỗ trợ tốt nhất để cải thiện sức khỏe hô hấp.

Bệnh hen suyễn có chữa được không?

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn (Asthma) hay còn gọi là hen phế quản (Bronchial asthma), là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp khiến phế quản trở nên nhạy cảm hơn với các tác nhân kích thích. Khi đó, phế quản bị co thắt, phù nề và tăng tiết đờm, gây ra các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho.

Hen suyễn là một bệnh không lây nhiễm nhưng khá phổ biến, ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019, bệnh đã ảnh hưởng đến khoảng 262 triệu người trên toàn cầu và gây ra 455.000 ca tử vong.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, hen suyễn có thể đe dọa tính mạng do sự cản trở không khí ra vào phổi dẫn đến thiếu oxy trong cơ thể. Tuy nhiên, với việc điều trị đúng cách và tránh các tác nhân kích thích, người bệnh có thể kiểm soát tốt triệu chứng và duy trì cuộc sống bình thường.

Hen suyễn đôi khi bị nhầm lẫn với các bệnh khác như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản hoặc viêm phế quản co thắt, vì vậy việc chẩn đoán chính xác là rất quan trọng để điều trị hiệu quả.

Hen suyễn gây ảnh hưởng đến đường thở

Nguyên nhân và yếu tố khởi phát bệnh hen suyễn

Hiện nay, nguyên nhân chính xác của bệnh hen suyễn vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Việc tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể khởi phát triệu chứng và gây ra những bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, viêm va tăng tiết dịch nhầy.

Các yếu tố khởi phát hen suyễn thường gặp:

  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus.

  • Không khí lạnh dễ kích thích đường hô hấp.

  • Các chất kích ứng như bụi, khói thuốc lá và hóa chất trong không khí.

  • Mạt nhà, loại ký sinh trùng thường tồn tại trong môi trường sống.

  • Cảm xúc mạnh hoặc căng thẳng quá mức có thể khởi phát triệu chứng.

  • Tập luyện thể lực gắng sức.

  • Một số loại thuốc bao gồm ức chế beta, aspirin, ibuprofen hoặc naproxen.

  • Thực phẩm và đồ uống như tôm, khoai tây chế biến, trái cây sấy khô, bia và rượu.

  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản có thể làm tình trạng hen suyễn nặng thêm.

Thời tiết trở lạnh dễ kích thích đường hô hấp 

Bệnh hen suyễn có chữa khỏi hoàn toàn không?

Nhiều người thắc mắc hen suyễn có chữa được không? Có nhưng không thể khỏi hoàn toàn. Bởi hen suyễn là một bệnh hô hấp mãn tính và hiện nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả giúp giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Thay vì lo lắng về việc chữa khỏi, người bệnh nên tập trung tuân thủ điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ như sử dụng thuốc xịt hen và các loại thuốc hỗ trợ khác một cách đều đặn. Việc này không chỉ giúp duy trì tình trạng ổn định mà còn giảm nguy cơ bùng phát cơn hen để mang lại cuộc sống gần như bình thường.

Người bệnh nên tập trung tuân thủ điều trị đúng theo phác đồ của bác sĩ

Các phương pháp điều trị và kiểm soát hen suyễn

Hen suyễn có chữa được không? Câu trả lời là Không thể chữa hết hoàn toàn. Tuy nhiên vẫn có những phương pháp giúp điều trị và kiểm soát bệnh hen suyễn hiệu quả nhất:

Thuốc điều trị dài hạn và ngắn hạn

Đối với người lớn và trẻ em lớn mắc hen phế quản, việc sử dụng thuốc kiểm soát hen chứa corticoid dạng hít kết hợp với thuốc kích thích beta giao cảm tác dụng kéo dài, Sự kết hợp này sẽ giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt cấp. Ngoài ra, người bệnh nên luôn mang theo thuốc cắt cơn hen để xử lý kịp thời trong trường hợp cơn hen xuất hiện bất ngờ không lường trước.

Điều chỉnh lối sống

Người bệnh hen suyễn cần tránh tiếp xúc với các yếu tố kích phát như khói thuốc lá, bụi bẩn và dị nguyên từ môi trường. Bên cạnh đó, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục đều đặn, phù hợp sẽ giúp tăng cường sức khỏe hô hấp và giảm nguy cơ tái phát các cơn hen.

Kiên trì đều đặn tập thể dục để điều trị hen suyễn 

Chuẩn bị ứng phó khẩn cấp

Người bệnh nên luôn mang theo thuốc cắt cơn hen để sử dụng ngay khi cơn hen xảy ra bất ngờ, đặc biệt là trong các tình huống nguy cấp. Đồng thời, việc tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ là yếu tố quan trọng để kiểm soát bệnh lâu dài và hạn chế biến chứng.

Chăm sóc và theo dõi dài hạn tình trạng bệnh hen suyễn

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh hen suyễn nên tái khám định kỳ để đánh giá nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ, mức độ kiểm soát bệnh và hiệu quả điều trị hiện tại. Hầu hết bệnh nhân cải thiện triệu chứng trong vài ngày điều trị nhưng để đạt hiệu quả tối ưu có thể cần 3-4 tháng. 

Vì mức độ bệnh hen có thể thay đổi theo thời gian nên việc điều chỉnh phác đồ điều trị là rất quan trọng. Nếu tuân thủ tốt thì người bệnh có thể duy trì chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

Người mắc bệnh hen nên tái khám định kỳ với bác sĩ 

Các biện pháp phòng ngừa và giảm nguy cơ bùng phát hen

Hen suyễn có chữa được không thì câu trả lời là nó mãn tính, chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn và cần điều trị suốt đời. Việc kiểm soát bệnh đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn từ bác sĩ, kết hợp dự phòng để tránh tái phát cơn hen.

  • Tránh khói thuốc và chất kích thích bằng cách không hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa khói thuốc, phấn hoa, hóa chất hay các tác nhân kích ứng đường thở.

  • Giữ ấm cơ thể vào mùa đông, mặc đủ ấm, đeo khẩu trang khi ra ngoài và mang theo thuốc xịt hen để phòng ngừa cơn kịch phát.

  • Theo dõi và tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, ghi lại những thực phẩm gây kích ứng để phòng tránh hiệu quả.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, đặc biệt với kháng sinh, aspirin hay các loại thuốc giảm đau khác.

  • Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để tránh cảm lạnh, cúm hay viêm phế quản.

  • Duy trì tập thể dục đều đặn, chọn bài tập phù hợp, làm ấm cơ thể và sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi tập.

  • Giữ nhà cửa sạch sẽ, dọn dẹp thường xuyên, loại bỏ bụi, lông thú cưng và nấm mốc. Khi trời lạnh, đóng kín cửa sổ để tránh gió lùa gây nhiễm lạnh.

Dọn dẹp nhà cửa cho không gian luôn sạch sẽ 

Mặc dù hen suyễn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với việc áp dụng các biện pháp kiểm soát đúng cách và tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ, người bệnh có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh, giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng. AIA Việt Nam hy vọng rằng bài viết đã mang lại thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về việc hen suyễn có chữa được không và biết cách đối phó hiệu quả với căn bệnh này.

Nguồn tham khảo:
1. https://www.umcclinic.com.vn/thong-tin-ban-can-biet-ve-benh-hen-suyen-hen-phe-quan
2. https://www.vinmec.com/vie/benh/hen-suyen-4684
3. https://tamanhhospital.vn/dieu-tri-hen-suyen/
4. https://tamanhhospital.vn/hen-suyen/#phuong-phap-dieu-tri-hen-suyen-hieu-qua
5. http://cdc.soytecaobang.gov.vn/truyen-thong-gdsk/hen-phe-quan-va-cach-phong-ngua-con-hen-phe-quan-907152

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ