Bài viết

Bị hen suyễn khó thở nên làm gì? Cách xử trí nhanh chóng và hiệu quả

27/12/2024 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Hen suyễn là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như khó thở, tức ngực, tâm lý người bệnh lúc này thường rất hốt hoảng, không biết xử lý như thế nào. Trong bài viết này, AIA Việt Nam sẽ chia sẻ cho bạn đọc biết bị hen suyễn khó thở nên làm gì để bạn có thể ứng phó một cách hiệu quả nhất khi tình trạng này xuất hiện.

Cách nhận biết cơn hen suyễn và các triệu chứng ban đầu

Hen suyễn hay hen phế quản là căn bệnh viêm mãn tính niêm mạc phế quản, khiến phế quản nhạy cảm và co thắt. Bệnh hen phế quản biểu hiện qua triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè và nặng ngực, thường xuất hiện khi làm việc quá sức, thời tiết thay đổi, nhiễm virus hô hấp hoặc tiếp xúc với tác nhân kích thích.

Các dấu hiệu cảnh báo cơn hen có thể kể đến như ngứa mũi, ngứa cổ họng, ho, hắt hơi, chảy nước mắt và nước mũi tiếp đó là ho dai dẳng, thở khò khè. Nếu nhận biết sớm và xử lý kịp thời, triệu chứng có thể thuyên giảm sau vài giờ. Ngược lại, phản ứng chậm trễ có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như ra mồ hôi, da tím, đau các chi, nặng ngực, và nguy cơ thiếu oxy máu hoặc tử vong. 

Một trong những dấu hiệu của cơn hen suyễn là tức ngực, khó thở

Các bước xử trí khi gặp cơn khó thở do hen suyễn

Bị hen suyễn khó thở nên làm gì? Khi bạn hoặc người thân của mình có tình trạng khó thở do cơn hen suyễn, hãy làm theo các bước sau để nhanh chóng cắt cơn hen. 

Di chuyển đến nơi thoáng khí và ổn định lại tâm trạng 

Ngay khi các dấu hiệu của bệnh hen suyễn xuất hiện, bạn cần đưa người bệnh di chuyển đến một khu vực thoáng đãng, không tập trung quá nhiều người xung quanh. Đồng thời, bạn giữ người bệnh ngồi thẳng lưng, giữ bình tĩnh, cơ thể thoải mái, hít thở sâu để cho không khí đi vào phổi dễ dàng hơn. 

Sử dụng thuốc xịt cấp cứu đúng cách

Tiếp theo, bạn cho người bệnh sử dụng thuốc xịt cấp cứu điều trị hen suyễn nhanh như Ventolin hoặc Berodual. Đối với cơn hen nhẹ, xịt 2 nhát/lần sẽ cắt cơn hiệu quả. Nếu sau 20 phút mà cơn hen vẫn không giảm, tiếp tục xịt thêm 2 nhát. Nếu triệu chứng vẫn không cải thiện, xịt thêm 2 nhát nữa và đưa bệnh nhân đi cấp cứu. 

Nếu là cơn hen suyễn nặng (khó thở khi ngồi yên, thở dốc, không nói hết câu), bạn cần xịt thuốc cắt cơn và ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. 

Để cắt cơn hen ngay, cần sử dụng thuốc xịt cấp cứu

Thực hiện các bài tập thở

Để bệnh nhân nhanh lấy lại hơi thở bình thường, bạn nên cho người bệnh thực hiện các bài tập thở. Các bài tập hít thở sẽ giúp giữ đường thở mở lâu và dễ thở hơn ngay lập tức.

  • Thở môi mím chặt: Hít vào bằng mũi, thở ra qua môi mím chặt, hơi thở ra dài gấp đôi hít vào.

  • Thở bụng: Hít vào bằng mũi, tay đặt trên bụng, thở ra với cổ và vai thư giãn, thở ra kéo dài hơn 2 - 3 lần hít vào. 

Khi nào nên gọi cấp cứu?

Khi cơn hen suyễn trở nên nghiêm trọng, tình trạng khó thở kéo dài hơn 30 phút và cản trở các hoạt động hàng ngày, bạn hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Ngoài ra, nếu cơn hen xuất hiện kèm một số triệu chứng sau, bạn cũng cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất:

  • Khó thở nghiêm trọng khi ăn, nói hoặc ngủ

  • Thở khò khè

  • Ngón tay hoặc môi xanh

  • Đau tức ngực, kèm mồ hôi và buồn nôn

  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều

  • Sốt cao

  • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân

  • Ho dai dẳng

  • Lú lẫn

  • Chóng mặt

  • Ngất xỉu 

Gọi cấp cứu ngay khi tình trạng bệnh không giảm dù đã tiến hành sơ cứu

Cách quản lý hen suyễn dài hạn và ngăn ngừa cơn tái phát

Hen suyễn gây khó chịu và mệt mỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống. Dưới đây là một số biện pháp giúp người bệnh có thể quản lý hen suyễn dài hạn và ngăn ngừa cơn tái phát.

Tuân thủ sử dụng thuốc duy trì

Bệnh sen huyễn không thể chữa khỏi mà chỉ có thể sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng khó thở và hạn chế không cho cơn hen xuất hiện trong tương lai. Một số loại thuốc điều trị hen suyễn mà các bác sĩ thường kê cho bệnh nhân gồm:

  • Corticoid dạng hít: Thành phần của Corticoid dạng hít gồm fluticasone propionate, budesonide, ciclesonide, beclomethasone, mometasone. Loại thuốc này chỉ cần sử dụng vài ngày đến vài tuần là đã thấy hiệu quả.

  • Thuốc đối kháng thụ thể leukotriene: Các dòng thuốc này gồm montelukast, zafirlukast, zileuton giúp giảm triệu chứng hen suyễn.

  • Thuốc hít kết hợp: Các loại thuốc hít kết hợp như fluticasone-salmeterol, budesonide-formoterol, formoterol-mometasone và fluticasone furoate-vilanterol chứa chất chủ vận beta tác dụng kéo dài cùng với corticosteroid.

  • Theophylline: Đây là viên uống hàng ngày giúp thư giãn cơ quanh đường thở, giữ cho chúng mở.

Một trong những loại thuốc điều trị mà bác sĩ thường kê là Corticoid dạng hít

Tránh xa các tác nhân kích ứng

Người mắc bệnh hen cần tránh xa các tác nhân kích thích phổi làm tăng triệu chứng khó thở như dị ứng từ phấn hoa, cỏ dại, mạt bụi, gián và lông động vật. Ngoài ra, người bệnh cũng cần tránh xa các chất gây kích thích trong không khí khác như khói xe, mùi sơn, khói hóa chất và nước hoa. 

Thói quen lành mạnh

Cuối cùng, việc duy trì thói quen lành mạnh cũng góp phần quan trọng trong việc kiểm soát hen suyễn. Dưới đây là một số thói quen lành mạnh mà bạn nên duy trì để ngăn ngừa cơn hen tái phát:

  • Ngừng hút thuốc giúp giảm các triệu chứng hen suyễn.

  • Tập các bài tập thể dục phù hợp với thể chất và tình trạng nhằm cải thiện chức năng phổi. 

  • Duy trì chế độ ăn cân bằng - hợp lý do tình trạng thừa cân sẽ làm triệu chứng khó thở do hen suyễn nghiêm trọng hơn.

  • Giữ ấm cơ thể bằng găng tay, khăn choàng, áo khoác và mũ nón khi thời tiết lạnh.

  • Hít vào bằng mũi thay vì bằng miệng vì mũi sẽ làm ấm không khí.

  • Tiêm phòng cúm hàng năm vì các virus là tác nhân phổ biến gây cơn hen suyễn. 

Tập các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe

Những lời khuyên chăm sóc sức khỏe hô hấp cho người bệnh hen suyễn

Đối với người bị bệnh hen suyễn, để hô hấp luôn ổn định, hạn chế xuất hiện tình trạng khó thở có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Luôn hít vào và thở ra nhẹ nhàng bằng mũi hoặc miệng, đồng thời giữ tâm trạng thoải mái bình tĩnh, tránh cáu giận.

  • Khi đi bộ hoặc leo cầu thang, đi từ từ, hít thở cùng nhịp với tốc độ mà bạn cảm thấy thoải mái.

  • Kiểm soát nhịp thở, đảm bảo thư giãn vai và cơ ngực trên. 

  • Nếu cảm thấy khó thở thì nên đổi tư thế đứng hoặc ngồi sao cho thoải mái nhất. 

Qua bài viết trên, AIA Việt Nam đã cung cấp cho bạn đọc các phương pháp xử lý khi  hen suyễn khó thở, hy vọng bạn có thể phòng ngừa cho bản thân, cũng như là những người thân xung quanh mình.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ