Bài viết

Hen suyễn là bệnh gì? Cách nhận biết dấu hiệu và phòng ngừa bệnh hen suyễn

27/12/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Hen suyễn là căn bệnh không lây nhưng gây ra rất nhiều nguy hiểm cho người mắc bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong. Vậy hen suyễn là bệnh gì, đâu là cách điều trị và phòng ngừa hen suyễn hiệu quả nhất? Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu nhé!

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn, hay hen phế quản, là một bệnh lý mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen, niêm mạc ống phế quản bị sưng và viêm, dẫn đến co thắt và thu hẹp các đường dẫn khí. Khi các đường ống dẫn khí bị hẹp lại, lượng không khí đi vào phổi cũng sẽ giảm bớt. Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân gặp tình trạng khò khè, thậm chí là khó thở.

Hen suyễn là bệnh gì?

Nguyên nhân và cơ chế bệnh lý

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn, bao gồm các yếu tố môi trường và do gen. Một số nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể kể đến như:

  • Do gen di truyền từ người trong gia đình

  • Do bị kích thích từ các yếu tố ngoài môi trường như khói thuốc, hóa chất tẩy rửa, nước hoa, phấn hoa, lông động vật, côn trùng, không khí ô nhiễm…

  • Do sử dụng một số loại thuốc như aspirin, thuốc chẹn beta

  • Do mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh..

Cơ chế bệnh sinh của hen phế quản có thể tóm tắt qua ba quá trình chính: tăng đáp ứng của phế quản, viêm mạn tính đường thở và co thắt phế quản cùng với phù nề xuất tiết. Trong đó, viêm mạn tính là trung tâm của quá trình này.

Tình trạng viêm mạn tính có sự tham gia của nhiều tế bào viêm và chất trung gian hóa học, bao gồm cả các chất trung gian tiên phát (serotonin, histamin,...) và chất trung gian thứ phát (prostaglandin, leucotrien, cytokine,...), các cytokin. 

Quá trình này làm tăng đáp ứng của đường thở với các yếu tố trong và ngoài cơ thể, dẫn đến co thắt cơ trơn, phù nề niêm mạc, và tăng xuất tiết.

Kết quả của quá trình này là các triệu chứng hen suyễn như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho, thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm và sáng sớm do ảnh hưởng của hệ phó giao cảm.

Nguyên nhân và cơ chế của bệnh hen suyễn

Dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn

Khi đã hiểu được hen suyễn là bệnh gì cùng nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bạn cần hiểu được các dấu hiệu nhận biết bệnh hen suyễn. Nếu có các dấu hiệu sau thì bạn cần tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe sớm nhất có thể để được chẩn đoán tình trạng bệnh:

  • Ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm và gần sáng

  • Ho sau khi lao động mạnh, làm việc nặng

  • Ho khi thay đổi thời tiết

  • Ho nhiều, thậm chí là khó thở khi tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng

  • Thường xuyên xuất hiện các cơn khò khè

  • Bị cảm cúm, cảm lạnh kéo dài

  • Khi uống thuốc giãn phế quản thấy các triệu chứng trên thuyên giảm

Phân loại và chẩn đoán hen suyễn

Hen suyễn được chia thành 3 cấp độ từ nhẹ tới nặng thông qua các triệu chứng của nó:

  • Hen nhẹ từng cơn: Các triệu chứng xuất hiện ít và mức độ nhẹ, thường dưới 2 lần 1 tuần. Nếu xuất hiện triệu chứng vào ban đêm thì tần suất dưới 2 lần/tháng.

  • Hen suyễn dai dẳng nhẹ: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện từ ba đến sáu lần một tuần. Vào ban đêm, các triệu chứng có thể xuất hiện từ 3 đến 4 lần/tháng. Lúc này, các cơn hen có thể ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày.

  • Cơn hen dai dẳng nặng: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện liên tục cả ngày và đêm, gây ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động hàng ngày.

Khi bạn đi khám bệnh, để chẩn đoán hen suyễn, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm::

  • Phép đo xoắn ốc: Đo lượng và tốc độ khí thở ra.

  • Lưu lượng đỉnh: Đánh giá nguyên nhân và tình trạng hen suyễn, xác định khi nào bạn cần được chăm sóc cấp cứu.

  • Thử nghiệm oxit nitric thở ra: Đo mức nitric oxide trong hơi thở, cho biết tình trạng viêm đường thở.

Ngoài ra còn có một số bài kiểm tra khác bao gồm: 

  • Chụp X-quang phổi: Giúp phát hiện các vấn đề khác có thể gây ra triệu chứng tương tự hen suyễn

  • CT scanner lồng ngực: Xem bên trong phổi để phát hiện các vấn đề thể chất hoặc bệnh lý có thể gây ra các vấn đề về đường hô hấp.

  • Thử nghiệm dị ứng: Kiểm tra dị ứng với các tác nhân như bụi, phấn hoa… thông qua xét nghiệm máu hoặc da

  • Bạch cầu ái toan trong đờm: Đo mức độ các bạch cầu ái toan trong đờm thoát ra khi bạn ho

Người bệnh cần làm rất nhiều xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng bệnh hen suyễn

Phương pháp điều trị và kiểm soát hen suyễn

Trong điều trị và kiểm soát hen suyễn, tùy vào tình trạng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị dài hạn hoặc ngắn hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần điều chỉnh một lối sống lành mạnh cũng như luôn có sẵn kế hoạch hành động kiểm soát hen để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Thuốc điều trị dài hạn và ngắn hạn

Tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị phù hợp cho bạn. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị hen suyễn bao gồm: 

  • Corticoid dạng hít: thuốc điều trị hen suyễn lâu dài, được dùng hàng ngày để kiểm soát bệnh bằng cách ngăn ngừa tình trạng sưng tấy trong đường hô hấp và giảm sản xuất chất nhờn. Một số loại corticosteroid dạng hít thông thường là Budesonide (Pulmicort) và Fluticasone (Flixotide).

  • Chất bổ trợ leukotriene: đây cũng là một loại thuốc điều trị hen suyễn dài hạn, có tác dụng ngăn chặn leukotrienes gây ra cơn hen suyễn. Hai loại  thuốc kháng leukotriene phổ biến nhất là Montelukast (Singulair) và Zafirlukast (Accolate).

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài: có tác dụng giãn cơ trơn phế quản.

  • Ống hít kết hợp: Cung cấp cùng lúc corticosteroid và thuốc chủ vận beta để điều trị cơn hen.

  • Theophylin: Mở đường thở và giảm căng tức ngực, dùng trong điều trị hen suyễn dài hạn bằng đường uống.

  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn: Là thuốc giải cứu giúp nới lỏng đường thở và giảm triệu chứng.

  • Thuốc kháng cholinergic: Ngăn co thắt cơ trơn phế quản, ví dụ Ipratropium (Atrovent) và Tiotropium (Spiriva).

  • Corticosteroid uống và tiêm tĩnh mạch: Giảm sưng và viêm trong thời gian ngắn (5 ngày đến 2 tuần), phổ biến là Methylprednisolone (Medrol) và Prednisolone.

Thuốc điều trị hen suyễn

Điều chỉnh lối sống

Thay đổi lối sống cũng là một cách để giảm tình trạng hen suyễn, nhất là đối với những người bị hen do các yếu tố gây dị ứng từ môi trường: 

  • Tránh lông vật nuôi: Người dễ mắc hen suyễn nên tránh tiếp xúc với lông của chó, mèo và chim cảnh.

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài: Để bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí, khói bụi và hóa chất độc hại, khẩu trang cần được sử dụng.

  • Kiêng thực phẩm gây dị ứng: Tránh các thực phẩm như tôm, cua, đồ chiên, nướng, rượu bia, vì chúng dễ gây dị ứng cho người có nguy cơ mắc hen suyễn.

  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên: Lau dọn và hút bụi thường xuyên giúp loại bỏ vi khuẩn và ký sinh trùng, giảm nguy cơ gây bệnh hen suyễn.

  • Thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là các bài tập hít thở để tăng cường sức khỏe phổi. Bạn có thể tham khảo bài tập thở bằng cơ hoành hay tập thở theo phương pháp Papworth.

  • Tránh sử dụng các loại chất kích thích thông qua đường mũi như hút thuốc, thuốc lá điện tử…

Kế hoạch hành động kiểm soát hen

Kế hoạch hành động hen là những thông tin được cá nhân hóa giúp người bệnh nhận biết các dấu hiệu hen suyễn trở nặng và cách xử lý. Các thông tin cơ bản trong kế hoạch này bao gồm:

  • Danh sách thuốc: Các loại thuốc điều trị hen suyễn và liều lượng cụ thể.

  • Hướng dẫn xử lý: Khi nào cần tăng liều thuốc, dùng thuốc bổ sung hoặc khi nào cần cấp cứu.

  • Xử lý khẩn cấp: Các bước cần thực hiện trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến hen.

  • Thông tin bác sĩ điều trị

Kế hoạch hành động này sẽ giúp người bệnh và người chăm sóc biết cách xử lý kịp thời khi bệnh nhân lên cơn hen. 

Khi đã thiết kế được kế hoạch hành động kiểm soát hen, bạn cần:

  • Chụp ảnh và luôn giữ trong điện thoại để dễ dàng tìm thông tin khi khẩn cấp

  • Gửi ảnh bản kế hoạch cho người thân và bạn bè để họ có thể giúp đỡ bạn khi cơn hen xảy ra

  • Sử dụng bản kế hoạch này để nhắc nhở thời gian uống thuốc mỗi ngày

  • Đánh giá lại tình trạng bệnh và cập nhật bản kế hoạch định kỳ hàng tháng

  • Luôn mang theo bản kế hoạch này mỗi lần đi khám bác sĩ để làm căn cứ lên phác đồ điều trị phù hợp

Lập kế hoạch kiểm soát hen định kỳ hàng tháng để đảm bảo an toàn

Phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn

Để phòng ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bạn có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:

  • Tập thể dục và thay đổi chế độ dinh dưỡng: Hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với đủ dưỡng chất và tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi để nâng cao sức đề kháng. Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn tăng cường sức khỏe mà còn củng cố sức khỏe của phổi, tuy nhiên bạn cũng cần tránh tập quá sức hoặc tập thể dục ngoài trời lạnh.

  • Giữ ấm cơ thể: Không khí lạnh có thể gây ra cơn hen suyễn. Bạn nên giữ ấm cơ thể bằng cách sử dụng găng tay, tất, khăn, mũ và áo khoác dày vào thời tiết lạnh.

  • Tầm soát hen và COPD: Hãy đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để chẩn đoán chính xác hen suyễn qua khám lâm sàng, chụp X-quang phổi và các xét nghiệm khác. 

Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn

Hy vọng với những chia sẻ trên của AIA Việt Nam, bạn đã hiểu hen suyễn là bệnh gì cũng như biết cách nhận biết và điều trị bệnh. Đặc biệt, trong thời điểm giao mùa như hiện nay, nguy cơ mắc bệnh hen suyễn tăng cao, hãy luôn chú ý tới sức khỏe của bản thân và gia đình nhé.

Nguồn tham khảo:
1. https://www.umcclinic.com.vn/thong-tin-ban-can-biet-ve-benh-hen-suyen-hen-phe-quan
2. https://careplusvn.com/vi/benh-hen-suyen-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-phong-ngua
3. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/benh-hen-suyen-nhung-dieu-can-biet-vi
4. https://tamanhhospital.vn/hen-suyen/
5. https://www.cdc.gov/asthma/pdfs/AsthmaFAQ-factsheet_VI-US_508.pdf
6. https://www.msdmanuals.com/vi/professional/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-ch%E1%BB%A9c-n%C4%83ng-h%C3%B4-h%E1%BA%A5p/hen-ph%E1%BA%BF-qu%E1%BA%A3n-v%C3%A0-c%C3%A1c-r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-li%C3%AAn-quan/hen
7. https://medlatec.vn/tin-tuc/benh-hen-suyen-la-gi-cach-nhan-biet-nhung-dau-hieu-benh-s64-n31050

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ