Bài viết

4 mốc khám thai cực kỳ quan trọng mẹ bầu cần lưu ý

1/12/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Việc nắm được các mốc khám thai quan trọng sẽ giúp theo dõi đầy đủ tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, từ đó giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh. Trong bài viết này, hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu 4 mốc khám thai quan trọng mà các mẹ bầu cần phải lưu ý nhé!

Thế nào là cột mốc khám thai? Lợi ích của việc khám thai đúng hạn

Cột mốc khám thai là những thời điểm quan trọng trong thai kỳ khi mẹ bầu cần đi khám sức khỏe để theo dõi sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của bản thân.

Việc khám thai đúng hạn sẽ giúp mẹ biết được sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi, từ đó phát hiện kịp thời các vấn đề như chậm phát triển, dị tật bẩm sinh. 

Không chỉ vậy, khám thai định kỳ còn giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe ở mẹ, bao gồm tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ.

Ngoài ra, để có một thai kỳ khỏe mạnh, trong các buổi khám thai, các bác sĩ cũng sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể chất và những điều cần lưu ý đối với từng mẹ bầu.

4 cột mốc khám thai quan trọng nào mẹ bầu cần lưu ý?

Phát hiện mang thai - Cột mốc đầu tiên

Cột mốc khám thai đầu tiên thường diễn ra khi mẹ bầu phát hiện mình mang thai, thường là vào khoảng tuần thứ 6 đến tuần thứ 8. Đây là thời điểm quan trọng để tiến hành các bước kiểm tra ban đầu và lập kế hoạch cho thai kỳ. Trong buổi khám đầu tiên này, các bác sĩ sẽ thực hiện những công việc sau:

  • Bác sĩ sẽ xác nhận sự có mặt của thai nhi thông qua siêu âm và xét nghiệm hormone hCG.

  • Bác sĩ sẽ tính toán thời gian dự sinh dựa trên ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của mẹ.

  • Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm máu và giấy tờ cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của mẹ bầu, kiểm tra các bệnh truyền nhiễm, yếu tố Rh, nhóm máu.

  • Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, cân nặng, và sức khỏe tổng quát khác của mẹ.

  • Mẹ bầu sẽ được tư vấn về chế độ ăn uống, bổ sung vitamin (như axit folic), thói quen sinh hoạt lành mạnh, và các điều nên tránh trong thai kỳ.

  • Mẹ bầu sẽ được cung cấp thông tin về các mốc khám thai tiếp theo, các xét nghiệm cần thiết, và cách chăm sóc sức khỏe trong suốt thai kỳ.

Tuần 11-13 trong thai kỳ - Cột mốc thứ 2

Đây là một mốc khám thai quan trọng trong quá trình theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là thời điểm đầu tiên để phát hiện sớm dị tật thai nhi. Trong buổi khám này, các hoạt động và kiểm tra cụ thể thường bao gồm:

  • Siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, xác định nhịp tim của thai, và có thể phát hiện vị trí nhau thai cũng như lượng nước ối.

  • Xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các dị tật bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền, chẳng hạn như xét nghiệm Double Test (xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ hội chứng Down và các dị tật khác), siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá nguy cơ dị tật.

  • Tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, bao gồm huyết áp, cân nặng, kiểm tra mẹ bầu có bị thiếu máu, thiếu sắt hay không. 

  • Xét nghiệm nước tiểu để tầm soát nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, nhiễm trùng đường tiết niệu,.. của mẹ bầu.

  • Tư vấn chế độ dinh dưỡng, bổ sung vitamin, và các điều cần lưu ý trong thai kỳ.

  • Tư vấn lịch tiêm chủng.

Tuần 20-24 trong thai kỳ - Cột mốc thứ 3

Mốc khám thai quan trọng thứ 3 là ở tuần 20-24 thai kỳ. Đây là giai đoạn giữa thai kỳ, khi sự phát triển của thai nhi trở nên rõ ràng hơn. Đây là thời điểm tốt nhất để siêu âm 4D đánh giá hình thái học giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh nếu có. Các hoạt động và kiểm tra cụ thể trong buổi khám này thường bao gồm:

  • Siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, kích thước, trọng lượng, và các cơ quan nội tạng, đồng thời xác định vị trí của nhau thai và nước ối. Siêu âm lần này cũng có thể giúp xác định giới tính của thai nhi nếu cha mẹ muốn biết.

  • Kiểm tra các chỉ số về cơ thể thai nhi bao gồm vòng đầu, vòng bụng, chiều dài xương đùi, cân nặng ước tính,... để sàng lọc các dị tật bẩm sinh hoặc những vấn đề liên quan đến di truyền.

  • Kiểm tra huyết áp, cân nặng, và tình trạng sức khỏe tổng quát của mẹ bầu. Nếu mẹ bầu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào (như đau bụng, chảy máu, hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác), bác sĩ sẽ tiếp tục tiến hành các kiểm tra cần thiết.

  • Tư vấn chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho mẹ bầu ở giai đoạn này.

Tuần 30-32 trong thai kỳ - Cột mốc thứ 4

Cột mốc khám thai quan trọng thứ 4 là tuần 30-32 của thai kỳ.  Đây là giai đoạn cuối của thai kỳ, khi thai nhi phát triển nhanh chóng và cơ thể mẹ có nhiều thay đổi. Các hoạt động và kiểm tra trong buổi khám này thường bao gồm:

  • Kiểm tra sự phát triển của thai nhi, bao gồm cân nặng, chiều dài, và kích thước đầu. Siêu âm có thể giúp xác định vị trí của ngôi thai, lượng nước ối.

  • Thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phòng tránh các vấn đề dẫn đến suy thai, ngạt thở sau sinh

  • Dự tính ngày sinh, thảo luận về kế hoạch sinh, bao gồm nơi sinh, phương pháp sinh

  • Tư vấn cách nhận biết dấu hiệu chuyển dạ và cách chuẩn bị cho quá trình sinh nở

Những lưu ý cho mẹ bầu khi đi khám thai

Ở những lần đi khám thai, mẹ bầu cần lưu ý những điểm sau để quá trình khám diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất:

  • Mặc trang phục thoải mái khi đi khám

  • Không sử dụng chất kích thích, nên nhịn ăn trước khi đi khám để tăng độ chính xác của kết quả kiểm tra

  • Vệ sinh cơ thể sạch sẽ trước khi đi khám, đặc biệt là vùng kín khi cần siêu âm đầu dò

  • Ở lần khám đầu tiên, nên uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi khám để hình ảnh siêu âm rõ nét nhất. Ở lần khám này, bạn cũng cần nhớ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Đây là thông tin giúp bác sĩ có thể tìm ra ngày dự sinh của bé.

  • Hãy cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe của bạn, đặc biệt nếu bạn gặp các vấn đề như trầm cảm, tiểu đường, huyết áp cao. Nếu gia đình có người mắc các bệnh có khả năng di truyền, hãy chia sẻ với bác sĩ để được lưu ý trong những lần khám thai tiếp theo.

  • Ghi lại các loại thuốc mà bạn đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thực phẩm chức năng. Một số loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi nếu bạn sử dụng trong thời gian mang thai. Vì vậy hãy để bác sĩ tư vấn các loại thuốc có thể sử dụng.

  • Chia sẻ với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào. Dấu hiệu nhận biết bạn dị ứng với thuốc là các biểu hiện khi sử dụng thuốc như hắt hơi, ngứa, phát ban hoặc khó thở.

  • Chia sẻ về tiền sử mang thai, đặc biệt là nếu bạn đã từng gặp bất kỳ biến chứng thai kỳ nào hoặc nếu bạn đã từng sinh non (trẻ sinh ra trước 37 tuần mang thai), sảy thai hoặc thai chết lưu.

Hy vọng với những chia sẻ trên của AIA Việt Nam, các mẹ bầu và những người đang có ý định mang thai sẽ nắm được 4 mốc khám thai quan trọng để có một thai kỳ khỏe mạnh!

Nguồn tham khảo
1. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/planning-baby/prenatal-care-checkups
2. https://tamanhhospital.vn/cac-moc-kham-thai-quan-trong/
3. https://benhvienthucuc.vn/cac-giai-doan-kham-thai-8-moc-kham-thai-quan-trong-me-bau-dac-biet-luu-y/?gad_source=1&gclid=CjwKCAjwg-24BhB_EiwA1ZOx8kvs0mkEZ1sSDPsY4WBPAhWXCEeKFm3KB61TE8cpeXTrdxCXaCr-1xoCfqkQAvD_BwE
4. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/10-moc-kham-thai-ba-bau-can-ghi-nho-vi
5. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/me-bau-can-nho-4-moc-kham-thai-quan-trong-nao.html

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ