Bài viết

Rối loạn thần kinh thực vật là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu

25/10/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Rối loạn thần kinh thực vật là một vấn đề sức khỏe ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến khả năng điều hòa các chức năng tự chủ của cơ thể. Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu rối loạn thần kinh thực vật là gì, nguyên nhân của căn bệnh này từ đó có các biện pháp phòng bệnh phù hợp. 

Thế nào là rối loạn thần kinh thực vật?

Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) hay còn gọi là rối loạn hệ thần kinh tự chủ, là tình trạng mất cân bằng giữa hai phần của hệ thần kinh thực vật: hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Hệ thần kinh này chịu trách nhiệm điều hòa nhiều chức năng tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, và tiết mồ hôi. Mặc dù không đe dọa tính mạng, bệnh gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của bệnh nhân.

Rối loạn thần kinh thực vật là tình trạng mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó chủ yếu là do các bệnh lý, ngoài ra còn do lối sống và chế độ ăn uống. 

  • Bệnh mạn tính: Như đái tháo đường và tăng huyết áp, làm hư hại tế bào thần kinh.

  • Bệnh thần kinh: Các bệnh thần kinh như Parkinson, Alzheimer gây thoái hóa thần kinh làm rối loạn hệ thần kinh thực vật.

  • Bệnh tự miễn: Khi mắc các bệnh như lupus ban đỏ, viêm khớp hệ thống,... hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể nhầm lẫn tế bào thần kinh với tế bào lạ dẫn đến việc tấn công nhầm các tế bào thần kinh. 

  • Bệnh nhiễm khuẩn: Một số bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra như HIV, viêm não, viêm màng não có thể ảnh hưởng đến tế bào thần kinh.

  • Bệnh thần kinh cảm giác và tự trị di truyền (HSAN): Nhóm bệnh lý rối loạn thần kinh thực vật có tính chất gia đình.

  • Tiền sử sử dụng thuốc: Một số thuốc điều trị ung thư, bệnh tim và trầm cảm có tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng thần kinh thực vật.

  • Lối sống: Chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, chất kích thích và stress kéo dài cũng góp phần gây ra rối loạn thần kinh thực vật.

Một trong những nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật là đái tháo đường

Triệu chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật

Tùy vào mức độ bệnh ở từng bệnh nhân mà triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật sẽ biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng của căn bệnh này khá đa dạng, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:

  • Thần kinh: Đau đầu, chóng mặt, choáng váng, mờ cảnh vật, giảm trí nhớ.

  • Tiết niệu: Rối loạn tiểu tiện như bí tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu đêm, khó tiểu.

  • Tiêu hóa: Khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn, ăn không ngon miệng.

  • Tim mạch: Rối loạn nhịp tim, huyết áp bất thường, hồi hộp, có thể ngất xỉu hoặc đau thắt ngực.

  • Hô hấp: Khó thở, thở nhanh do co thắt khí quản.

  • Sinh dục: Khó cương dương, giảm ham muốn ở nam, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt ở nữ.

  • Tâm thần: Rối loạn giấc ngủ, buồn chán, tiêu cực, dễ cáu giận, trầm cảm.

Ngoài ra, có thể gặp các dấu hiệu như giảm ham muốn tình dục, khô da, mỏi xương khớp, rụng tóc, da khô, và rối loạn kinh nguyệt. Người bệnh nên đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường để được thăm khám và chẩn đoán.

Người bị rối loạn thần kinh thực vật thường đau đầu, chóng mặt

Rối loạn thần kinh thực vật có lây không?

Rối loạn thần kinh thực vật không phải là bệnh lây nhiễm do đó, bạn không cần lo lắng sẽ dính bệnh khi đến gần người bị rối loạn thần kinh thực vật.

Những ai dễ mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật

Ai cũng có nguy cơ bị rối loạn thần kinh thực vật, tuy nhiên, những người bị bệnh sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:

  • Người bị rối loạn tâm lý

  • Người bệnh có tổn thương cơ thể, tổn thương dây thần kinh

  • Người có phản ứng phụ của thuốc

  • Người bị các bệnh tự miễn, các cuộc tấn công hệ thống miễn dịch

  • Người bị bệnh tiểu đường

  • Người bị bệnh mạn tính như Parkinson

  • Người bị bệnh truyền nhiễm: do virus và vi khuẩn, như ngộ độc thức ăn, bệnh bạch hầu…

  • Người bị rối loạn di truyền

  • Người nghiện rượu, bệnh mãn tính tiến triển có thể dẫn đến tổn thương thần kinh

  • Sự tích tụ protein bất thường, làm ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống thần kinh

Người bị bệnh Parkinson dễ mắc rối loạn thần kinh thực vật

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh rối loạn thần kinh thực vật

Triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, làm khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị rối loạn thần kinh thực vật phải dựa trên nguyên nhân và triệu chứng của bệnh. Có hai phương pháp chính: nội khoa và ngoại khoa. Người bệnh có thể sử dụng thuốc canxi, thuốc an thần, và kết hợp các phương pháp như châm cứu, tắm nóng/lạnh.

Tuy nhiên, phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế để hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh này, bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, nhiều đường.

  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn và lựa chọn các môn thể dục phù hợp với thể trạng.

  • Duy trì trạng thái tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan, tránh xa stress căng thẳng, thiết lập thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý.

  • Tuân thủ điều trị và thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ nếu có bệnh. 

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu nào bất thường.

Xây dựng lối sống khỏe mạnh để phòng rối loạn thần kinh thực vật

Khi nào cần bị rối loạn thần kinh thực vật cần đi khám bác sĩ?

Rối loạn thần kinh thực vật cần thăm khám và điều trị sớm để giảm nguy cơ biến chứng. Người bệnh nên đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau:

  • Triệu chứng liên tục: Nhịp tim nhanh, mệt mỏi, khó nuốt, khó thở ảnh hưởng đến cuộc sống.

  • Mồ hôi không kiểm soát: Ra mồ hôi nhiều dù không hoạt động hoặc không sốt.

  • Mất nhận thức: Tình trạng li bì hoặc hôn mê. 

Hy vọng qua bài viết trên của AIA Việt Nam đã giúp bạn đọc hiểu được rối loạn thần kinh thực vật là gì. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng rối loạn thần kinh thực vật sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, nếu bạn hoặc người thân gặp phải các triệu chứng liên quan, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ