Hiểu được tác hại của tỏi ngâm mật ong sẽ giúp bạn phòng tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe khi sử dụng hỗn hợp này để trị bệnh…
Trong bài viết này, AIA sẽ giúp bạn biết được:
5 tác hại của tỏi ngâm mật ong có thể đem lại
Công thức ngâm tỏi với mật ong đúng cách
Ai không nên sử dụng tỏi ngâm mật ong
Và hơn thế nữa…
Cùng tìm hiểu nào!
Như cái tên của nó, tỏi ngâm mật ong là hỗn hợp của hai thành phần: Tỏi và Mật ong đựng trong hũ kín và để ngâm từ 15 - 20 ngày.
Đây là 2 thành phần từ lâu đã được dùng trong các bài thuốc cổ truyền ở các nước Á Đông. Cho đến nay, tỏi và mật ong vẫn được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền bởi dược tính trị bệnh tuyệt vời của chúng.
Trong tỏi có chứa rất nhiều allicin, oxy, lưu huỳnh mang đến đặc tính kháng khuẩn, giúp ngăn ngừa sự hình thành và phát triển của gốc tự do, từ đó ngăn ngừa nguy cơ tế bào ung thư, cũng như hỗ trợ giảm cholesterol trong máu hiệu quả hơn.
Mật ong chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid và polyphenol có khả năng kháng viêm rất tốt. Chính vì những đặc tính nổi trội kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm tốt sẽ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp ngăn ngừa một số bệnh một cách tối ưu.
5 Tác hại của tỏi ngâm mật ong có thể đem lại
Dù có nhiều ích lợi cho cơ thể, tuy nhiên tỏi ngâm mật ong có thể gây ra một số tác hại nhất định nếu bạn thuộc đối tượng không nên sử dụng hoặc dùng hỗn hợp này không đúng cách...
Dưới đây là 5 tác hại của tỏi ngâm mật ong có thể mang lại:
Không tốt cho người tiểu đường: Đây là những người cực kỳ “nhạy cảm” với đường. Họ cần hạn chế tối đa để tránh làm tăng lượng đường trong máu.
Gây rối loạn tiêu hóa: Hỗn hợp tỏi mật ong có thể gây rối loạn tiêu hóa ở một số người có hệ tiêu hóa kém. Điều này là do chất allicin trong tỏi làm kích ứng dạ dày gây đau. Bạn không nên dùng hỗn hợp này nếu có cơ địa tiêu hóa yếu nhé!
Gây ra tình trạng loãng máu: Sử dụng hỗn hợp tỏi mật ong quá mức có thể làm giảm nồng độ hemoglobin, nguyên nhân gây bệnh loãng máu. Bên cạnh đó, tỏi còn gây tương tác với các loại thuốc loãng máu như: Aspirin, Coumadin, Plavix. Điều này không hề tốt với bệnh nhân đang điều trị loãng máu.
Dị ứng tỏi: Người dị ứng tỏi không nên sử dụng tỏi ngâm mật ong, một số triệu chứng gặp phải khi vô tình ăn tỏi là: chóng mặt, phát ban, đau bụng, ói mửa, thậm chí là sốc phản vệ khi bị dị ứng nghiêm trọng nhất.
Dị ứng mật ong: Tương tự như Dị ứng tỏi, người dị ứng mật ong không nên sử dụng hỗn hợp này. Chúng có thể gây ra các triệu chứng khi vô tình ăn phải là: chóng mặt, buồn nôn, sưng mặt, da bị kích ứng, thậm chí là gây ngất xỉu.
Công thức ngâm tỏi mật ong đúng cách
Pha công thức ngâm tỏi mật ong đúng cách sẽ đem lại cho bạn một hỗn hợp bổ dưỡng và tối ưu hóa hiệu quả trị bệnh mà chúng mang lại.
Hãy cùng tìm hiểu phương pháp ngâm đúng cách ngay sau đây nhé:
Bước 1: Bóc tỏi cho đến khi các tép sạch vỏ, đem rửa sạch và để ráo nước.
Bước 2: Xay nhuyễn các tép tỏi đã thu được từ bước 1. Sau đó, cho vào hũ thủy tinh sạch, ráo nước.
Bước 3: Rót mât ong vào hũ thủy tinh theo tỷ lệ 15g tỏi/100ml mật ong, đậy chặt nắp và ngâm trong 15 -20 ngày.
Bước 4: Sau thời gian này, bạn có thể mở hũ và sử dụng được rồi!
Lưu ý cần thiết khi sử dụng tỏi ngâm mật ong
Để việc dùng tỏi ngâm mật ong có lợi nhất cho sức khỏe và tránh bị ngộ độc, bạn cần làm theo các lưu ý sau:
Thời điểm thích hợp sử dụng tỏi mật ong
Thời điểm tốt nhất để sử dụng tỏi ngâm mật ong vào buổi sáng, ngay sau khi ngủ dậy. Uống tỏi mật ong khi bụng còn rỗng sẽ giúp hỗn hợp phát huy hiệu quả tốt hơn. Liều lượng khuyên dùng mỗi lần là 15 gram tỏi mật ong pha với 250 – 300ml nước ấm, mỗi ngày không uống quá 30 gram tỏi ngâm.
Lưu ý:
Nếu bạn có hệ tiêu hóa yếu, tốt nhất là không nên sử dụng hỗn hợp này trong bất cứ thời điểm nào.
Ngoài ra, nếu đang bị cảm cúm, bạn nên duy trì sử dụng hỗn hợp này liên tục trong 7 ngày để thấy được hiệu quả.
Không nên uống tỏi mật ong khi ăn no, bởi hỗn hợp khi đi vào dạ dày sẽ bị trộn lẫn với thức ăn, làm giảm hiệu quả tăng cường sức khỏe
Bảo quản & sử dụng tỏi ngâm mật ong
Tỏi là một loại thực phẩm rất dễ bị hỏng. Mật ong thì có rất nhiều loại với chất lượng khác nhau. Bạn cần lựa chọn loại mật ong có có chất lượng tốt, độ tinh khiết cao để khi pha trộn hỗn hợp đảm bảo được dưỡng chất và tối ưu hiệu quả công dụng. Ví dụ, Manuka là loại mật ong nổi tiếng có tác dụng kháng vi-rút, có thể ngăn chặn vi rút cúm phát triển rất tốt.
Vài gợi ý về cách bảo quản đúng cách từ khi ngâm cho đến khi sử dụng hằng ngày:
Bạn nên sử dụng chất liệu lọ ngâm từ thủy tinh hoặc nhựa để tránh ảnh hưởng từ phản ứng hóa học gây biến chất hỗn hợp.
Lọ ngâm phải đậy kín để ở vị trí khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Do tỏi không để được lâu chỉ nên ngâm vừa đủ dùng trong thời hạn ngắn, tối đa là 1 tháng ở nhiệt độ phòng. Nếu cần dùng tiếp thì có thể ngâm hũ mới.
Trên đây là 5 tác hại của tỏi ngâm mật ong mà bạn cần phải lưu ý. Hy vọng với những thông tin mà AIA chia sẻ, bạn đã có thể pha chế & sử dụng loại hỗn hợp này đúng cách để bồi bổ cơ thể tốt nhất. Chúc bạn luôn khỏe!