Bài viết

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không? Cách điều trị hiệu quả

27/12/2024 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở giới trẻ, khi thường xuyên bị căng thẳng và thói quen sinh hoạt không điều độ. Vậy trào ngược dạ dày có nguy hiểm không? Cách điều trị trào ngược dạ dày như thế nào? Hãy cùng AIA Việt Nam tìm hiểu nhé.

Trào ngược dạ dày là gì?

Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị từ dạ dày trào lên thực quản. Nếu bạn thường xuyên gặp những vấn đề như ợ hơi, ợ chua, đau rát vùng thượng vị, khó nuốt, khó chịu ở ngực, cổ nóng rát, có những cơn co thắt dạ dày, cảm thấy có chất lỏng đắng chảy lên miệng,... thì khả năng cao bạn đã bị trào ngược dạ dày.

Trào ngược dạ dày là gì?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày có thể đến từ những nguyên nhân như:

  • Do mắc các bệnh liên quan đến dạ dày như ung thư dạ dày, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, hẹp môn vị,...

  • Do lực tác động đến ổ bụng lớn như ho, hắt hơi mạnh, gập bụng…

Một số yếu tố khác cũng là nguy cơ dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Tác dụng phụ từ thuốc như cholecystokinine, glucagon, và aspirin.

  • Các bệnh lý liên quan đến thực quản như tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm hay nhiễm trùng thực quản.

  • Thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn quá no hoặc ăn nhiều các loại thực phẩm khó tiêu.

  • Sử dụng chất kích thích như cà phê, nước có gas và thuốc lá.

  • Người đang gặp những vấn đề sức khỏe khác như thừa cân, béo phì, mang thai, và thoát vị khe hoành cũng có nguy cơ bị trào ngược dạ dày.

Triệu chứng nhận biết trào ngược dạ dày

Các triệu chứng của trào ngược dạ dày khá giống với các bệnh khác như viêm loét dạ dày hay viêm thanh quản, bao gồm:

  • Cảm giác nóng rát sau xương ức, thường xảy ra sau bữa ăn, khi bạn cúi người hoặc nằm ngửa.

  • Ợ chua, buồn nôn, hoặc nôn, kèm theo cảm giác khó nuốt.

  • Cảm giác nuốt nghẹn hoặc như có dị vật ở vùng xương ức.

  • Khàn tiếng, khó thở vào ban đêm, triệu chứng này đôi khi giống như cơn hen suyễn.

  • Đau ngực, thường xảy ra sau bữa ăn hoặc vào ban đêm, kéo dài nhiều giờ và không đau lan sang các vị trí xung quanh

Triệu chứng nhận biết trào ngược dạ dày

Biến chứng nguy hiểm khi trào ngược dạ dày không được điều trị

Trào ngược dạ dày có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm loét và hẹp thực quản, barrett thực quản, thậm chí là gây ung thư thực quản và các vấn đề về hô hấp khác.

Viêm loét và hẹp thực quản

Biến chứng phổ biến nhất của hội chứng trào ngược dạ dày thực quản là viêm loét niêm mạc thực quản. Ban đầu, khi tình trạng trào ngược xảy ra không thường xuyên, niêm mạc thực quản chưa bị tổn thương nhiều. Tuy nhiên, khi dịch dạ dày trào lên thường xuyên hơn, axit dạ dày sẽ ăn mòn niêm mạc thực quản, khiến thực quản bị viêm loét. 

Lúc này, bạn sẽ cảm thấy khó nuốt, đau ngực, buồn nôn, và mất cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đau sau xương ức khi ăn. Đây cũng là thời điểm dễ phát hiện bệnh trào ngược dạ dày nhất và nếu được điều trị đúng cách, bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

Barrett thực quản

Barrett thực quản là tình trạng là tiền ung thư thực quản. Đây là một biến chứng nguy hiểm nhưng không quán phổ biến của trào ngược dạ dày. Tình trạng này xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây thay đổi các tế bào trong niêm mạc thực quản, làm cho tế bào trở nên dày hơn và đỏ lên, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. 

Triệu chứng của barrett thực quản cũng khá giống với trào ngược dạ dày, bao gồm ợ nóng thường xuyên, khó nuốt, và đau ngực. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị barrett thực quản không hề có triệu chứng gì cho tới khi đi khám và phát hiện ra bệnh.

Ung thư thực quản và các vấn đề hô hấp

Ung thư thực quản là một biến chứng của trào ngược dạ dày, thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Ung thư thực quản gây nguy hiểm tới tính mạng. 

Những dấu hiệu cho thấy ung thư đang phát triển bao gồm chảy máu thực quản, đau dai dẳng nghiêm trọng, đau sau xương ức, khàn tiếng và sụt cân không rõ nguyên nhân.

Khi các axit từ dạ dày trào ngược lên đường hô hấp, bạn có thể gặp một số vấn đề với đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản, viêm phổi… với các triệu chứng như sổ mũi, khàn giọng, ho khò khè.

Trào ngược dạ dày có nguy hiểm không?

Phương pháp điều trị hiệu quả trào ngược dạ dày

Sử dụng thuốc

Tùy vào tình trạng trào ngược dạ dày mà bạn cần sử dụng các loại thuốc phù hợp, bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn.

Các loại thuốc không kê đơn bao gồm:

  • Thuốc trung hòa axit dạ dày (như Mylanta, Rolaids, Tums) giúp giảm đau nhanh chóng nhưng không chữa được viêm thực quản do axit. Lạm dụng các loại thuốc này có thể gây tiêu chảy hoặc vấn đề thận.

  • Thuốc chẹn thụ thể H-2 làm giảm sản xuất axit, hiệu quả kéo dài tới 12 giờ nhưng hoạt động của thuốc sẽ chậm hơn so với thuốc trung hòa axit dạ dày.

  • Thuốc ức chế bơm proton - loại thuốc ức chế axit mạnh hơn, tạo điều kiện để chữa lành mô thực quản bị tổn thương.

Các thuốc kê đơn bao gồm:

  • Thuốc ức chế thụ thể H-2. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài, loại thuốc này có thể gây thiếu vitamin B-12 và gãy xương.

  • Thuốc ức chế bơm proton có kê đơn. Tuy nhiên tác dụng phụ có thể gây tiêu chảy, đau đầu, buồn nôn và cũng làm tăng nguy cơ gãy xương.

  • Baclofen - thuốc tăng cường cơ thắt thực quản dưới giúp làm giảm tần suất thư giãn của cơ thắt thực quản dưới, tuy nhiên có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn nôn.

Điều chỉnh lối sống

Để tăng hiệu quả điều trị bệnh trào ngược dạ dày, bạn cũng cần thay đổi lối sống của mình:

  • Không ăn quá no, không nên tăng cân quá nhiều

  • Cố gắng không đi ngủ ngay sau khi ăn 

  • Không nên để bản thân bị căng thẳng, stress quá mức

  • Tham gia các hoạt động giải trí 

  • Tập thiền, yoga

Xây dựng lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ trào ngược dạ dày

Can thiệp phẫu thuật

Nếu sử dụng thuốc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị bạn phẫu thuật để chữa dứt điểm trào ngược dạ dày. Hai phương pháp phẫu thuật điều trị trào ngược dạ dày phổ biến là:

  • Phẫu thuật Nissen (hay phẫu thuật Toupet): Mổ nội soi hoặc mổ mở để thắt chặt cơ và ngăn ngừa trào ngược.

  • Phẫu thuật LINX: Cấy ghép vòng các hạt titan nhỏ quanh ngã ba giữa dạ dày và thực quản, giúp giữ cơ vòng đóng lại với axit nhưng cho phép thức ăn đi qua. Phương pháp này có chi phí cao và hiện chỉ được thực hiện tại một số bệnh viện nhất định.

Các biện pháp phòng ngừa trào ngược dạ dày

Để phòng ngừa trào ngược dạ dày cũng như kiểm soát tình trạng bệnh, bạn cần xây dựng một lối sống lành mạnh, chuẩn khoa học:

  • Ăn vừa phải, không ăn quá no trong cùng 1 bữa

  • Hạn chế tối đa các loại đồ uống có chứa chất kích thích

  • Không uống nước trước khi ăn

  • Không vận động mạnh sau khi ăn, không nằm ngay sau khi ăn

  • Nằm nghiêng trái khi đi ngủ

  • Tập thể dục điều độ, nhẹ nhàng

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi “trào ngược dạ dày có nguy hiểm không” cũng như cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này. Hãy xây dựng một lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa nguy cơ bị trào ngược dạ dày nhé.

Nguồn tham khảo:
1. https://tamanhhospital.vn/bien-chung-trao-nguoc-da-day/
2. https://suckhoedoisong.vn/cac-bien-chung-nguy-hiem-cua-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-169240206150323868.htm
3. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/trao-nguoc-da-day-co-may-cap-do-vi
4. https://medlatec.vn/tin-tuc/trao-nguoc-da-day-co-nguy-hiem-khong-va-cach-phong-ngua-benh-s67-n31379
5. https://medlatec.vn/tin-tuc/dau-hieu-trao-nguoc-da-day-ma-ban-nen-biet-s67-n31293

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ