Bài viết

Bệnh thuỷ đậu: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh

23/08/2023 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến với những nốt phỏng rộp ngứa ngáy và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Ở bài viết này, AIA Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu về những triệu chứng thủy đậu, nguyên nhân cũng như là cách điều trị bệnh này một hiệu quả. Từ đó giúp bạn ứng biến kịp thời trong những trường hợp có người thân mắc bệnh.

 

 

Đâu là các triệu chứng thủy đậu thường gặp?

1. Bệnh thuỷ đậu là gì?

Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella gây ra. Virus này không chỉ gây nên bệnh thủy đậu ở trẻ em mà còn là tác nhân gây bệnh zona ở người lớn. Bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng và phổ biến hơn ở trẻ em, đặc biệt là vào mùa xuân khi thời tiết ẩm ướt.

Triệu chứng thủy đậu là các mụn nước phồng rộp xuất hiện khắp cơ thể, kể cả trong niêm mạc lưỡi và miệng. Bệnh có thể lây qua nhiều con đường khác nhau và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

 

Thủy đậu là do virus Varicella gây nên.

2. Triệu chứng bệnh thuỷ đậu qua các giai đoạn khác nhau ra sao?

Bệnh thủy đậu trải qua 5 giai đoạn phát triển khác nhau. Việc hiểu rõ diễn biến triệu chứng thủy đậu qua từng giai đoạn sẽ giúp bạn theo dõi và chăm sóc người bệnh tốt hơn. 

2.1 Triệu chứng thuỷ đậu giai đoạn ủ bệnh

Đây là giai đoạn virus Varicella xâm nhập vào cơ thể và bắt đầu phát bệnh. Giai đoạn này kéo dài từ 10 đến 20 ngày. Trong suốt thời gian này, người bệnh rất khó để phát hiện bệnh vì cơ thể sẽ không có bất kỳ một triệu chứng nào.

2.2 Triệu chứng thuỷ đậu giai đoạn khởi phát bệnh

Ở giai đoạn này, bệnh nhân sẽ bắt đầu phát bệnh với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, nhức đầu và cơ thể mệt mỏi. Cơ thể dần xuất hiện các nốt phát ban đỏ với đường kính vài milimet trong 24 đến 48 giờ đầu. Một số bệnh nhân có thể có hạch sau tai và viêm họng kèm theo.

2.3 Dấu hiệu bệnh thuỷ đậu ở giai đoạn toàn phát (bệnh diễn biến nặng)

Trong giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh trở nên rõ rệt hơn. Bệnh nhân bắt đầu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ sẽ phát triển thành các nốt phỏng nước hình tròn có đường kính từ 1 đến 3 mm. 

Các mụn nước từ từ xuất hiện khắp cơ thể, bao gồm cả niêm mạc miệng. Chúng khiến bệnh nhân cảm giác bị ngứa, rát và khó khăn trong việc ăn uống. Nếu các nốt phỏng nước bị nhiễm trùng, chúng sẽ có kích thước to hơn và phần dịch bên trong sẽ chuyển sang màu đục.

 

Triệu chứng thuỷ đậu khi bệnh đã trở nặng.

2.4 Triệu chứng thuỷ đậu giai đoạn hồi phục

Giai đoạn từ 7 đến 10 ngày sau khi phát bệnh, các mụn nước trên da sẽ tự vỡ ra, khô lại và bong vảy. Bệnh nhân cần được vệ sinh các vết thủy đậu cẩn thận để tránh bị nhiễm trùng. 

Bên cạnh đó, bệnh thủy đậu có thể để lại sẹo rỗ (lõm) sau khi các mụn nước biến mất. Vì vậy bệnh nhân cần được thoa thêm các loại thuốc trị sẹo và thâm để làn da tránh bị mất thẩm mỹ sau khi lành bệnh.

2.5 Dấu hiệu nhận biết nốt thuỷ đậu bị bội nhiễm      

Một trong những những biến chứng thường gặp nhất của nốt thủy đậu là bị bội nhiễm. Dấu hiệu nhận biết đầu tiên là bệnh nhân sốt cao bất thường và kèm theo nôn ói và run lạnh. Các nốt mụn nước trở nên ửng đỏ, sưng to, đau nhức và nóng rát.

Nếu biến chứng nặng hơn, nốt mụn sẽ tiết ra dịch mủ vàng, đục và có mùi hôi. Các vết thương bị vỡ có thể loét sâu hoặc hoại tử, có nguy cơ hình thành sẹo rỗ (lõm) sau khi biến mất. 

3. Nguyên nhân gây bệnh thuỷ đậu

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, chảy mũi sẽ bắn ra các hạt nước nhỏ mang virus. Bên cạnh đó, thủy đậu có thể lây khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp với các bọng nước bị vỡ hoặc các vùng da tổn thương của người bệnh.

Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai có các triệu chứng thủy đậu thì cần đi thăm khám ngay lập tức. Bởi vì thủy đậu có thể truyền virus cho thai nhi qua nhau thai, dẫn đến tình trạng trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh. 

 

Hình ảnh virus Varicella Zoster gây ra căn bệnh thủy đậu.

4. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Dưới đây là 6 triệu chứng thủy đậu trở nặng và đã chuyển thành biến chứng: 

  • Nhiễm trùng da và mô mềm ở trẻ em, bao gồm nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A.

  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi).

  • Nhiễm trùng hoặc sưng não (viêm não, các bệnh lý tiểu não).

  • Rối loạn chảy máu (biến chứng xuất huyết)

  • Nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết)

  • Mất nước

Các bệnh nhân có nền tảng sức khỏe tốt khi bị bệnh thủy đậu sẽ có tỷ lệ biến chứng khá thấp. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân có sức khỏe kém sẽ gặp các biến chứng kể trên và cần nhập viện ngay. Trong những trường hợp nguy hiểm nhất, bệnh thủy đậu có thể dẫn đến tử vong. 

 

Người bệnh thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng về da.

5. Cách phòng ngừa bệnh thuỷ đậu

Bệnh thủy đậu tuy xảy ra phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất:

  • Tiêm vắc-xin thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi, người lớn chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm phòng.

  • Người bị thủy đậu nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu.

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.

  • Giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ; khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc với người bệnh.

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có bất kỳ các triệu chứng thủy đậu nào. 

Vắc-xin thủy đậu được khuyên dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

6. Cách điều trị bệnh thuỷ đậu

Việc kiểm soát các triệu chứng thủy đậu và ngăn ngừa biến chứng chính là điều quan trọng khi điều trị căn bệnh này. Dưới đây là 4 cách điều trị bệnh thủy đậu hiệu quả mà bạn nên lưu ý:

  • Sử dụng thuốc kháng virus Acyclovir: Acyclovir có thể được kê đơn điều trị từ 5-7 ngày dành cho những người có triệu chứng nghiêm trọng. Sau khi phát ban trong vòng 24h, người bệnh nên bổ sung ngay loại kháng sinh này. Tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc có thể khiến bệnh nhân bị nổi ban, khó thở, sưng mặt,... 

  • Sử dụng thuốc giảm đau Tylenol: Thuốc giúp giảm bớt tình trạng sốt cao và đau khi bị thủy đậu. Tuy nhiên bạn vẫn cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trước khi tự ý cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào.

  • Uống nhiều nước: Bệnh nhân cần uống nhiều nước, tốt nhất là nước lọc để ngăn ngừa tình trạng mất nước và các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

  • Bôi thuốc giảm ngứa: Điều quan trọng là người bệnh cần phải giảm thiểu việc gãi ngứa để giảm nguy cơ để lại sẹo. Bạn có thể thoa thuốc mỡ, tắm nước mát hoặc thuốc viên Benadryl để giảm cảm giác ngứa một cách tạm thời.

  • Ngậm đá để giảm đau miệng: Việc này giúp giảm các triệu chứng đau miệng nếu bệnh nhân có vết loét trong miệng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh ăn thức ăn mặn hoặc cay mà thay vào đó là các loại canh, súp lỏng để dễ ăn và dễ nuốt.

 

Thoa thuốc mỡ cho trẻ bị thủy đậu để giảm ngứa.

7. Lưu ý trong sinh hoạt khi mắc bệnh thuỷ đậu

Để giúp bản thân mau khỏi bệnh và hạn chế lây lan cho người khác, người bệnh thủy đậu cần lưu ý một số điều sau trong sinh hoạt:

  • Tránh nơi có đông người: Để ngăn ngừa lây lan virus và giảm nguy cơ bùng phát dịch, bệnh nhân nên hạn chế xuất hiện tại những nơi đông người.

  • Hạn chế sờ vào nốt phỏng: Để tránh làm nốt phỏng bị vỡ và lây lan, bệnh nhân cần tránh gãi và hạn chế chạm vào các mụn nước.

  • Không sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người khác: Để phòng ngừa lây lan, hãy vệ sinh kỹ và giữ riêng các đồ dùng cá nhân như khăn mặt và quần áo của mình.

  • Tránh tắm với các loại lá: Những loại lá như chè xanh, lá bàng được nhiều người lan truyền sẽ trị khỏi bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, tanin có trong các loại là đó lại có khả năng gây tổn thương và dị ứng cho da khiến bệnh trầm trọng hơn.

Theo đúng chỉ định của bác sĩ: Luôn tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ và không tự ý áp dụng các phương pháp không được khuyến nghị. 

Thăm khám bác sĩ khi các triệu chứng thủy đậu trở nặng.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin tham khảo về bệnh thủy đậu, bao gồm triệu chứng thủy đậu, nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị. AIA Việt Nam mong rằng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích cho bạn và gia đình trong những trường hợp khẩn cấp.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ