Bài viết

Viêm kết mạc cấp: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

27/12/2024 dot 6 phút đọc
Y học thường thức

Viêm kết mạc cấp là một bệnh lý phổ biến có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống. Bệnh không chỉ làm giảm thị lực tạm thời mà còn dễ lây lan nếu không được xử lý đúng cách. Trong bài viết này, AIA Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh.

Tìm hiểu căn bệnh viêm kết mạc cấp

Viêm kết mạc cấp là gì? 

Đau mắt đỏ hay còn gọi với cái tên khác là viêm kết mạc cấp tính. Đây là tình trạng viêm lớp màng niêm mạc bao phủ nhãn cầu và mặt trong của mi mắt. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc phản ứng dị ứng gây ra. 

Bệnh này có khả năng lây lan nhanh chóng đặc biệt là trong môi trường đông người và dễ bùng phát thành dịch lớn. Mặc dù có thể xảy ra quanh năm nhưng đau mắt đỏ thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Viêm kết mạc cấp có khả năng lây lan nhanh chóng

Nguyên nhân và các yếu tố gây ra viêm kết mạc cấp

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là:

  • Virus: Các loại virus như Adenovirus, Picornavirus và Coronavirus có thể gây đau mắt đỏ với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Trong đó, Adenovirus là tác nhân phổ biến nhất, có khả năng lây lan cao và dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời.

  • Vi khuẩn: Các vi khuẩn như Streptococcus, Pneumococcus, Haemophilus có thể gây viêm kết mạc cấp tính. Chúng thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh. Ngoài ra, viêm kết mạc có mủ do lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) cũng là một dạng thường gặp do vi khuẩn gây ra.

  • Tác nhân kích ứng: Phấn hoa, mỹ phẩm, lông thú cưng, thuốc nhỏ mắt, bụi bẩn,... là các yếu tố gây kích ứng mắt, dẫn đến viêm kết mạc. Dù không lây lan, nhưng những nguyên nhân này dễ tái phát, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày.

Virus như Adenovirus là tác nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ

Triệu chứng nhận biết viêm kết mạc cấp

Triệu chứng cụ thể của bệnh viêm kết mạc cấp tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, nhưng thường nhất là gặp các biểu hiện sau:

  • Cảm giác cộm trong mắt.

  • Mi mắt và kết mạc sưng phù nề.

  • Xuất hiện nhiều dịch nhầy hoặc mủ có thể đóng thành ghèn khiến khó mở mắt, đặc biệt vào buổi sáng.

  • Chảy nước mắt thường xuyên và nhiều hơn bình thường.

  • Trong trường hợp viêm kết mạc do virus, người bệnh có thể bị sưng hạch trước tai, đau hoặc sốt nhẹ.

Viêm kết mạc cấp tạo cảm giác cộm khó chịu trong mắt

Cách chẩn đoán viêm kết mạc cấp

Không phải tất cả các triệu chứng như đỏ mắt, sưng mí hoặc kích ứng đều là viêm kết mạc cấp. Những biểu hiện này cũng có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như dị ứng theo mùa, chắp lẹo, viêm mống mắt hoặc viêm bờ mi.

Khi đi khám, bác sĩ nhãn khoa sẽ trao đổi với bạn về các triệu chứng, kiểm tra mắt và có thể sử dụng tăm bông để lấy mẫu dịch từ mí mắt. Mẫu này sẽ được phân tích để xác định vi khuẩn hoặc virus gây bệnh bao gồm cả những vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Sau khi chẩn đoán chính xác thì sẽ có phác đồ điều trị phù hợp từ bác sĩ.

Nếu được chẩn đoán mắc viêm kết mạc cấp tính, bạn có thể hỏi bác sĩ một số câu hỏi để hiểu rõ hơn về tình trạng của mình:

  • Bệnh đau mắt đỏ có lây qua cho người khác không?

  • Nếu có, làm thế nào để hạn chế lây lan?

  • Tôi có cần nghỉ làm hoặc nghỉ học để tránh lây nhiễm không?

Khám bác sĩ để chẩn đoán bệnh chính xác

Phương pháp điều trị viêm kết mạc cấp

Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng viêm kết mạc cấp có thể giảm nhanh chóng. Dưới đây là các phương pháp điều trị hiệu quả giúp bạn kiểm soát và khắc phục tình trạng này.

  • Giảm triệu chứng: Sử dụng nước mắt nhân tạo để làm sạch mí mắt bằng khăn ướt và chườm lạnh hoặc ấm nhiều lần mỗi ngày.

  • Ngừng đeo kính áp tròng: Nếu đang dùng kính áp tròng thì bạn nên tạm ngưng đến khi khỏi hoàn toàn. Với kính dùng một lần thì bạn hãy vứt bỏ kính cũ để tránh tái nhiễm.

  • Không lạm dụng kháng sinh: Viêm kết mạc do virus không cần dùng kháng sinh vì chúng không có hiệu quả và có thể gây tác dụng phụ.

  • Viêm kết mạc dị ứng: Bác sĩ có thể kê thuốc nhỏ mắt chứa kháng histamine - chất ổn định tế bào mast hoặc thuốc chống viêm như steroid. Ngoài ra người bệnh cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng để ngăn ngừa tình trạng tái phát.

Dừng đeo kính áp tròng trong quá trình điều trị

Các biện pháp phòng ngừa viêm kết mạc cấp

Giữ vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa viêm kết mạc cấp. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả:

  • Rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn và virus.

  • Không sử dụng chung khăn với người khác.

  • Hạn chế sử dụng tay tiếp xúc với mắt, đặc biệt khi mắt đang bị kích ứng.

  • Đảm bảo trẻ được tiêm các loại vắc-xin theo quy định.

  • Đeo kính khi đi đường và rửa mắt bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn.

  • Đối với người đeo kính áp tròng, trang điểm mắt hoặc thường xuyên đi bơi thì cần sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mắt để làm sạch.

  • Nếu có dấu hiệu đỏ mắt, ghèn nhiều hoặc kích ứng thì bạn hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Phòng bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên

Viêm kết mạc cấp có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả nếu bạn nắm rõ nguyên nhân và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Hy vọng những chia sẻ từ AIA Việt Nam sẽ cung cấp thông tin hữu ích, giúp bạn chăm sóc đôi mắt tốt hơn và duy trì sức khỏe thị giác lâu dài.

Nguồn tham khảo:
1. https://jieh.vn/benh-ve-mat/viem-ket-giac-mac-cap.html
2. https://medlatec.vn/tin-tuc/viem-ket-mac-cap-nguyen-nhan-chan-doan-va-dieu-tri-s100-n28225
3. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/chan-doan-va-dieu-tri-viem-ket-mac-cap-tinh-vi

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ