Bài viết

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính: Triệu chứng và cách chữa trị

19/09/2024 dot 5 phút đọc
Y học thường thức

Bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những căn bệnh hô hấp phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi và người hút thuốc lá. COPD ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết này của AIA Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về COPD, từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến những biến chứng có thể gặp phải và cách điều trị.

1. Bệnh Viêm Phổi Tắc Nghẽn Mạn Tính (COPD) là gì?

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - COPD) là một bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, gây ra tình trạng khó thở do đường thở bị thu hẹp và tổn thương phổi không thể hồi phục. COPD bao gồm hai tình trạng chính là viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng.

  • Viêm phế quản mạn tính: Đây là tình trạng viêm lớp niêm mạc của các ống phế quản. Khi niêm mạc trong các ống phế quản phổi bị sưng đỏ và đầy chất nhầy, đường thở sẽ bị hẹp lại do sự tích tụ của các chất này.

  • Khí phế thũng: Tình trạng này khiến người bệnh khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu dài, dẫn đến suy yếu và vỡ ra. Kết quả là các túi khí nhỏ trong phổi bị thay thế bằng không gian lớn hơn, làm giảm diện tích bề mặt phổi và giảm lượng oxy đi vào máu.

2. Triệu chứng của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Các triệu chứng của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thường xuất hiện từ từ và tăng dần theo thời gian. Triệu chứng của COPD phát triển chậm và trở nên rõ rệt khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn nặng. Các triệu chứng chính bao gồm:

  • Khó thở: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất của COPD, thường xuất hiện khi gắng sức và trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh tiến triển.

  • Ho: Ho thường xuyên, ho khan dai dẳng và có thể kèm theo đờm.

  • Thở khò khè: Âm thanh khò khè khi thở do đường thở bị hẹp.

  • Mệt mỏi: Do cơ thể không nhận đủ oxy, người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.

  • Sụt cân: Trong các giai đoạn cuối của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính có thể làm giảm khả năng ăn uống và hấp thụ dinh dưỡng.

Khó thở và ho là một trong những triệu chứng của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

>>> Xem thêm: Bảo Hiểm Toàn Diện Bệnh Hiểm Nghèo

3. Nguyên nhân của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

Các nguyên nhân chính gây ra viêm phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 85-90% người mắc COPD có liên quan đến việc hút thuốc lá, bao gồm cả việc hút thuốc chủ động và bị động.

  • Tiếp xúc với khói bụi và hóa chất: Những người làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, hóa chất, hoặc khí độc trong thời gian dài có nguy cơ cao mắc bệnh.

Thuốc lá và khói thuốc là nguyên nhân chính gây viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

  • Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí trong nhà do việc đốt nhiên liệu sinh học (gỗ, than) cũng là yếu tố nguy cơ.

  • Yếu tố di truyền: Một số ít trường hợp COPD do đột biến gen, đặc biệt là thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, một protein giúp bảo vệ phổi.

  • Tiền sử hen suyễn: Người bệnh hen suyễn có nguy cơ cao mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính hơn bình thường.

4. Những biến chứng có thể gặp phải của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Nhiễm trùng phổi: Người lớn tuổi mắc COPD có nguy cơ cao bị viêm phổi và các bệnh khác như nhiễm trùng máu, áp xe phổi… do khả năng tự bảo vệ của phổi bị suy giảm. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và có khả năng tử vong nhanh.

  • Suy tim: Là một trong những biến chứng viêm phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm nhất và khoảng 20-70% người bệnh COPD có nguy cơ bị suy tim. Bệnh gây tăng áp lực lên máu trong tuần hoàn phổi, dẫn đến suy tim phải (hay còn gọi là bệnh tâm phế). 

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính có khả năng gây suy tim

  • Tràn khí màng phổi: Tình trạng này xảy ra vì tắc nghẽn đường thở kéo dài khiến không khí hít vào không thoát ra hết, tích tụ dần làm phế nang căng giãn, mỏng và dễ vỡ dẫn đến tràn khí màng phổi và gây ra khó thở nghiêm trọng. Đây là một biến chứng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.

  • Loãng xương: Nghiên cứu cho thấy, có tới 40% người mắc viêm phổi tắc nghẽn mạn tính bị loãng xương. Bệnh nhân COPD xương sẽ  giòn, yếu và dễ gãy, gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.

  • Rối loạn giấc ngủ: COPD có thể gây ra tình trạng ngưng thở khi ngủ, điều này dễ dẫn đến tử vong trong lúc ngủ hoặc làm giấc ngủ bị gián đoạn, dẫn đến thiếu ngủ và mệt mỏi kéo dài.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính dẫn đến khó ngủ 

  • Trầm cảm và lo âu: Sự khó khăn trong việc thở và những hạn chế trong cuộc sống hàng ngày có thể khiến người bệnh cảm thấy buồn bã, mệt mỏi dễ rơi vào trầm cảm hoặc lo âu.

>>> Xem thêm: Bệnh hiểm nghèo là gì? Danh mục các loại bệnh hiểm nghèo

5. Cách chẩn đoán và điều trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

5.1 Cách chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Chẩn đoán viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thường đòi hỏi sự kết hợp của các phương pháp lâm sàng, xét nghiệm chức năng hô hấp, và hình ảnh học để đưa ra kết luận chính xác. Dưới đây là các bước chính để chẩn đoán COPD:

  • Tiền sử bệnh và triệu chứng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn và cả các triệu chứng như khó thở, ho dai dẳng, khạc đờm, tiền sử hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

  • Khám lâm sàng: Kiểm tra phổi, tình trạng hô hấp, đo nồng độ oxy trong máu và đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe.

  • Đo chức năng hô hấp: Đây là phương pháp chính để chẩn đoán COPD. Máy đo phế dung kế đo lượng không khí bạn có thể hít vào và thở ra và đánh giá xem đường thở có bị tắc nghẽn hay không. 

  • Chụp X-quang phổi: Các hình ảnh này giúp phát hiện các tổn thương phổi hoặc loại trừ các nguyên nhân khác của triệu chứng, như lao phổi hay bệnh phổi khác. 

Chụp X-quang phổi để kiểm tra tình trạng viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

5.2 Điều trị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

  • Thay đổi lối sống

Ngưng hút thuốc, đây là biện pháp quan trọng nhất để làm chậm tiến triển của COPD. Ngừng hút thuốc giúp cải thiện chức năng phổi và giảm triệu chứng rõ rệt. Bên cạnh đó, tránh tiếp xúc với khói, bụi, hóa chất và ô nhiễm không khí và tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe, giúp giảm tình trạng viêm nhiễm đường thở.

  • Sử dụng thuốc đặc trị

Sử dụng thuốc giãn phế quản, corticoid, kháng sinh,... để điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kết hợp các loại thuốc và phương pháp điều trị thích hợp. 

  • Phẫu thuật

Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật có thể được cân nhắc để cải thiện chức năng hô hấp. Các dạng phẫu thuật sẽ dựa vào tùy tình trạng hiện tại của bệnh nhân như phẫu thuật giảm thể tích phổi, phẫu thuật cắt phổi và phẫu thuật ghép phổi-đây là lựa chọn cuối cùng cho những bệnh nhân bị suy hô hấp nặng.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý phổi nghiêm trọng, nhưng với sự chăm sóc y tế đúng cách và thay đổi lối sống, người bệnh có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Hi vọng qua bài viết trên của AIA Việt Nam đã giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này.

 

Tài liệu tham khảo:
1. https://tamạnhhospital.vn/benh-phoi-tac-nghen-mạn-tinh-copd/
2. https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/benh-phoi-tac-nghen-mạn-tinh-copd-vi

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ