Bài viết

Judo là gì? Tìm hiểu nguồn gốc, luật chơi judo cho người mới bắt đầu

15/03/2025 dot 5 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tập luyện

Judo là một môn võ thuật hiện đại có nguồn gốc từ Nhật Bản, được sáng lập bởi Jigoro Kano vào cuối thế kỷ 19. Vậy môn võ Judo là gì? Các cấp bậc và đai trong Judo được chia như thế nào? Luật thi đấu của Judo có phức tạp hay không? Mời bạn cùng AIA Việt Nam tìm hiểu kiến thức cơ bản về bộ môn Judo này ở nội dung sau đây nhé!

1. Judo là gì?

“Judo là gì?”, đây là câu hỏi mà nhiều người khi tiếp xúc với võ thuật Nhật Bản đều thắc mắc. Judo (柔道) hay còn gọi là Nhu đạo, là môn võ thuật có nguồn gốc từ Nhật Bản, được sáng lập vào năm 1882 bởi võ sư Kano Jigoro. Không đơn thuần môn thể thao rèn luyện sức khỏe, Judo còn là nghệ thuật chiến đấu, giúp người tập tận dụng sức mạnh của đối thủ để giành lợi thế.

Judo được phát triển dựa trên Jūjitsu (Nhu thuật) – môn võ cổ truyền của Nhật Bản. Từ "Judo" có nghĩa là "con đường mềm dẻo", phản ánh triết lý sử dụng sức mạnh của đối thủ để chống lại chính họ. Judo không chỉ là một môn thể thao đối kháng mà còn là một phương pháp rèn luyện thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào các đòn đánh gây sát thương, Judo lại hướng đến nguyên tắc “lấy nhu thắng cương”, bằng cách sử dụng các kỹ thuật để kiểm soát và khống chế đối phương một cách an toàn.

Judo rèn luyện thể chất người tập cũng như đề cao tinh thần kỷ luật, sự kiên trì và khả năng kiểm soát bản thân. Những người tập luyện Judo có thể học cách giữ bình tĩnh, tập trung và phản ứng linh hoạt với mọi tình huống. Chính vì thế, Judo được xem là môn võ thuật có thể rèn luyện tốt về thể chất và tinh thần.

Judo là gì?

2. Đặc điểm nổi bật của Judo

Judo không chỉ là môn thể thao đối kháng, mà còn mang triết lý sâu sắc về sự cân bằng giữa thể chất, đạo đức và trí tuệ. Một số đặc điểm nổi bật đã khiến Judo trở thành môn võ thuật phổ biến trên thế giới.

  • Tính năng động và linh hoạt: Judo yêu cầu người tập có thể lực tốt, tinh thần vững vàng để thực hiện dễ dàng các đòn thế như quật ngã, khóa tay, siết cổ hay đè đối thủ. Vì thế, môn võ này sẽ phát triển được sự nhanh nhẹn, khả năng phản xạ và tính chủ động trong từng tình huống chiến đấu của người tập.

  • Kỹ thuật đơn giản nhưng hiệu quả: Tuy có nguồn từ võ thuật Samurai cổ đại, nhưng Judo được phát triển theo hướng tinh gọn và an toàn hơn. Các kỹ thuật của Judo vừa dễ học vừa phù hợp với mọi đối tượng, không phân biệt độ tuổi.

  • Sử dụng triết lý “lấy nhu thắng cương”: Tên gọi Judo (柔道) được ghép từ hai chữ: “Ju” - với ý nghĩa mềm mại, uyển chuyển và “Do” - có thể hiểu là phương pháp. Điều này cho thấy triết lý cốt lõi của môn võ này là dùng sự khéo léo, linh hoạt để khắc chế sức mạnh đối phương, thay vì chỉ dựa vào sức mạnh thể chất.

  • Rèn luyện thể chất và phẩm chất đạo đức: Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, Judo rèn luyện phẩm chất đạo đức và trí tuệ. Người học Judo được dạy về sự tôn trọng, tính kiên trì, kỷ luật và lòng khiêm tốn. Đây cũng là lý do Judo được xem như môn giáo dục thể chất quan trọng ở Nhật Bản.

  • Ngôn ngữ võ thuật toàn cầu: Hiện nay, Judo phổ biến và được ưa chuộng trên thế giới, đã có mặt tại hơn 200 quốc gia. Judo còn trở thành một phần của các đại hội thể thao quốc tế như Thế vận hội Olympic. Ở Việt Nam, Judo ngày càng được giới trẻ yêu thích và tham gia tập luyện rộng rãi.

Qua các đặc điểm nổi bật trên cho thấy, để trở thành một võ sĩ Judo giỏi, người tập không chỉ cần sức mạnh mà còn phải có sự kiên trì, quyết tâm và tinh thần thượng võ.

Judo giúp người tập rèn luyện thể chất, tinh thần và đạo đức

3. Hệ thống cấp bậc và đai trong Judo

Hệ thống màu đai trong Judo dùng để phân loại trình độ và thể hiện quá trình rèn luyện cả về thể chất lẫn tinh thần. Trên thực tế, việc thăng cấp dựa trên kỹ thuật chiến đấu, đánh giá sự trưởng thành, tinh thần kỷ luật và đạo đức của võ sinh.

Hiện nay, môn võ Judo có tổng cộng 10 cấp bậc (Kyu & Dan) và được chia thành 6 màu đai chính:

  • Cấp 6: Đai trắng (White);

  • Cấp 5: Đai vàng (Yellow);

  • Cấp 4: Đai cam (Orange);

  • Cấp 3: Đai xanh lá cây (Green);

  • Cấp 2: Đai xanh lam (Blue);

  • Cấp 1: Đai nâu (Brown).

Sau khi hoàn thành cấp 1 (đai nâu), võ sinh sẽ bước vào hệ thống đẳng cấp (Dan) với các màu đai đặc biệt:

  • Từ 1 đẳng đến 5 đẳng: Đai đen có vạch trắng;

  • Từ 6 đẳng đến 8 đẳng: Đai đỏ – trắng xen kẽ;

  • Từ 9 đẳng đến 10 đẳng: Đai đỏ hoàn toàn.

Từ cấp 6 đến cấp 1 (đai trắng đến đai nâu) thì các võ sinh được thi đấu và đánh giá trực tiếp tại phòng tập. Võ sư hướng dẫn sẽ quyết định xem võ sinh có đủ điều kiện thăng cấp hay không.

Từ đai nâu lên đai đen (1 đẳng Dan), võ sinh cần tham gia một kỳ thi đấu chính thức trước hội đồng đánh giá có uy tín để được xét duyệt. Điều này giúp đảm bảo tính khách quan, công bằng và phản ánh đúng thực lực của người thi đấu.

Hệ thống cấp bậc và đai của môn võ Judo

4. Lợi ích của Judo

Môn võ Judo giúp người học rèn luyện kỹ năng tự vệ cũng như phát triển toàn diện cho cơ thể và tinh thần. Khi tập luyện Judo, người học sẽ phát triển sự phối hợp, tập trung, lòng tự trọng cũng như tinh thần chính trực và tôn trọng người khác.

*Về thể chất

Judo sẽ tác động mạnh mẽ lên toàn bộ cơ thể, từ đó cải thiện sức khỏe và duy trì thể trạng một cách tốt nhất:

  • Hỗ trợ giữ dáng, giảm cân: Các bài tập trong Judo giúp đốt cháy nhiều calo, kích thích quá trình trao đổi chất, hỗ trợ giảm mỡ và duy trì vóc dáng săn chắc.

  • Tăng cường chức năng hô hấp: Nhờ kỹ thuật thở mà người tập có khả năng kiểm soát nhịp thở, tối ưu hóa sự thông khí phổi, hỗ trợ điều trị hen suyễn và các vấn đề hô hấp.

  • Cải thiện hệ tim mạch: Tập luyện Judo thường xuyên giúp tăng cường lưu thông máu, ổn định huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

  • Tăng sự linh hoạt và sức mạnh cơ xương: Người học Judo sẽ được phát triển sự thăng bằng, tăng độ đàn hồi của cơ bắp và khớp. Đồng thời, hạn chế nguy cơ mắc viêm khớp hoặc chấn thương xương khớp.

  • Hỗ trợ hệ tiêu hóa: Các bài tập của Judo có khả năng kích thích hoạt động của các cơ quan như gan, tuyến tụy, cải thiện nhu động ruột, giúp tiêu hóa tốt hơn.

  • Tăng cường hệ thần kinh: Môn võ này giúp cải thiện trí nhớ, khả năng tập trung, đồng thời giúp cơ thể chịu đựng đau đớn tốt hơn.

*Về tinh thần

Bên cạnh việc rèn luyện thể lực, Judo còn giúp phát triển tâm lý và tư duy tích cực như:

  • Cải thiện sự cân bằng tinh thần: Duy trì trạng thái tinh thần ổn định bằng cách tập luyện Judo. Nhờ đó, người học kiểm soát cảm xúc và phản ứng nhanh nhạy hơn.

  • Phát triển sự tôn trọng và kiểm soát bản thân: Judo dạy võ sinh tôn trọng chính mình và đối thủ, giúp kiểm soát sự nóng giận.

  • Tăng sự tự tin và khả năng giao tiếp: Judo còn giúp những người nhút nhát vượt qua rào cản tâm lý và tự tin hơn trong giao tiếp.

  • Giải phóng năng lượng tiêu cực: Luyện tập Judo được xem là cách hiệu quả để giảm căng thẳng, áp lực, từ đó, tinh thần thoải mái và thư giãn hơn.

  • Tăng sự tập trung và kiên nhẫn: Người tập rèn luyện khả năng tập trung cao độ, duy trì sự bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng.

Judo có khả năng tăng sự tập trung và kiên nhẫn của người tập

5. Hệ thống đòn thế trong Judo

Môn võ Judo chú trọng kỹ thuật hơn là sức mạnh, trong đó các đòn thế được chia thành hai nhóm chính là Nage Waza và Katame Waza. Ngoài ra, Judo có một số kỹ thuật khác như Atemi Waza (đòn tấn công điểm huyệt) dùng trong thực chiến và tự vệ.

Hệ thống đòn thế của Judo giúp người tập tối ưu hóa sức mạnh, tạo ra sự linh hoạt trong chiến đấu. Nhờ đó người tập có thể kiểm soát trận đấu mà không cần dùng quá nhiều sức lực. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa Nage Waza và Katame Waza chính là chìa khóa giúp võ sinh đạt đến trình độ cao trong Judo.

5.1 Katame waza – Kỹ thuật khống chế

Nhóm Katame Waza gồm các đòn giúp kiểm soát đối thủ bằng cách đè, siết hoặc khóa khớp, khiến đối thủ không thể phản kháng. Hệ thống đòn này được chia thành ba nhóm chính:

  • Osaekomi Waza - Nhóm đòn đè: Nhóm đòn quan trọng nhất, cố định đối thủ xuống sàn bằng lực của cơ thể.

  • Shime Waza - Nhóm đòn siết cổ: Bằng cách dùng tay, chân hoặc vạt áo để siết vào cổ đối phương, khiến họ mất kiểm soát hoặc buộc phải đầu hàng.

  • Kansetsu Waza - Nhóm đòn khóa khớp: Nhắm vào các khớp xương, đặc biệt là khuỷu tay và vai, từ đó hạn chế cử động hoặc gây đau buộc đối thủ phải chịu thua.

5.2 Nage waza – Kỹ thuật vật và ném đối thủ

Với hơn 60 kỹ thuật khác nhau, nhóm Nage Waza có thể quật ngã đối phương một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hệ thống đòn gồm hai nhóm chính:

  • Nhóm đòn đứng (Tachi Waza)

Các đòn trong nhóm này được thực hiện khi cả hai võ sĩ đang đứng, gồm:

  • Tewaza - Nhóm đòn tay: Dùng tay để kéo, đẩy hoặc quét đối thủ.

  • Ashi Waza - Nhóm đòn chân: Dùng chân để quét hoặc gạt đối phương.

  • Koshi Waza - Nhóm đòn hông: Sử dụng hông làm điểm tựa để nâng và quật ngã đối thủ.

  • Nhóm đòn hy sinh (Sutemi Waza)

Các đòn này yêu cầu người thực hiện hy sinh tư thế, tức là tự ngã xuống sàn để tạo lực ném đối thủ, gồm 02 loại:

  • Ma Sutemi Waza - Nhóm đòn hy sinh ngã sau: Người tập ngã ngửa ra sau để ném đối phương.

  • Yoko Sutemi Waza - Nhóm đòn hy sinh ngã nghiêng: Người tập ngã sang một bên để tận dụng đòn bẩy và quật ngã đối phương.

6. Luật thi đấu Judo

Judo là môn võ thuật có hệ thống luật thi đấu chặt chẽ. Mọi trận đấu Judo cần phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về nghi thức, thời gian và cách thức thi đấu nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch và an toàn cho võ sĩ.

*Nghi thức chào trước và sau trận đấu

Trước khi bắt đầu trận đấu Judo, trọng tài và hai giám biên cần thực hiện nghi thức chào để thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau:

  • Bước 1: Trọng tài đứng giữa hai giám biên, cả ba tiến vào khu vực an toàn, đứng đối xứng nhau và thực hiện lần chào đầu tiên.

  • Bước 2: Họ tiến đến ranh giới “vùng nguy hiểm” và thực hiện lần chào thứ hai.

  • Bước 3: Sau khi bước vào diện tích nguy hiểm, hai giám biên đối mặt nhau, tiếp tục thực hiện nghi thức chào trước khi về vị trí của mình.

Khi trận đấu kết thúc, trọng tài và giám biên hoán đổi vị trí bằng cách tiến đến diện tích nguy hiểm, chào nhau và đổi chéo vị trí, đảm bảo quy trình chặt chẽ và chuyên nghiệp.

*Thời gian thi đấu

Thời gian thi đấu chính thức của trận đấu Judo là 5 phút/trận, áp dụng với cả nam và nữ.

Khi hết thời gian, trận đấu được báo hiệu bằng tiếng chuông hoặc dụng cụ phát âm thanh lớn để đảm bảo võ sĩ và khán giả đều có thể nghe rõ, ngay cả khi có nhiều tiếng ồn từ khán đài.

*Trang phục thi đấu Judo

Võ sĩ tham gia thi đấu Judo phải mặc võ phục (Judogi) đúng chuẩn, như sau:

  • Màu sắc: Thường là trắng hoặc xanh dương.

  • Đai thắt lưng: Màu sắc tương ứng với cấp bậc của võ sĩ, có độ dài khoảng 2.5m.

Thời gian thi đấu của Judo là 5 phút/trận để tìm ra người thắng cuộc

Như vậy, AIA Việt Nam đã giải đáp tất tần tật về Judo là gì, đặc điểm nổi bật, hệ thống đòn thế và luật thi đấu của bộ môn này. Có thể thấy, Judo đem đến nhiều lợi ích cho người học khi phát triển thể lực và tinh thần. Hy vọng các thông tin trên của AIA Việt Nam hữu ích với bạn trong quá trình học và tập luyện Judo nhé.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ