Bài viết

Tester là gì? Vai trò và những kỹ năng cần thiết của một tester giỏi

21/01/2025 dot 7 phút đọc
Y học thường thức

Tester là vị trí không thể thiết trong mỗi doanh nghiệp khi muốn nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Vậy Tester là gì? Hãy cùng AIA Việt Nam khám phá vai trò và bí quyết để trở thành một tester giỏi trong bài viết dưới đây nhé!

1. Tester là gì?

"Tester" hay còn được gọi là Chuyên viên kiểm thử phần mềm, là thuật ngữ dùng để chỉ những người chuyên thực hiện công việc kiểm thử phần mềm. Nhiệm vụ của họ là phát hiện lỗi (bug) trong các sản phẩm phần mềm trước khi chúng được phát hành đến người dùng cuối. Tester không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. 

Vậy Tester là gì? Đây là một vai trò quan trọng trong ngành công nghệ thông tin, nơi mọi ứng dụng đều cần được kiểm thử kỹ lưỡng để đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả.

Tester là những người thực hiện công việc kiểm thử phần mềm

2. Vai trò và nhiệm vụ chính của Tester

Qua phần trên, chắc bạn đã biết Tester là gì? Cùng tìm hiểu tầm quan trọng của Tester trong quy trình phát triển phần mềm và cách mà họ đóng góp vào sự thành công của dự án:

2.1 Vai trò của Tester

Tester có vai trò cực kỳ quan trọng với người dùng như tìm kiếm lỗi, đồng thời đảm bảo sản phẩm phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng và tiêu chuẩn chất lượng. Tester chính là cầu nối giữa đội phát triển và người dùng, giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.

Một số vai trò chính bao gồm:

  • Kiểm tra tính năng, hiệu suất và bảo mật của phần mềm.

  • Đảm bảo phần mềm tương thích trên các nền tảng khác nhau.

  • Đưa ra các báo cáo chi tiết giúp đội phát triển khắc phục lỗi kịp thời.

2.2 Nhiệm vụ chính của Tester

Tester thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong quy trình phát triển phần mềm, như:

  • Phân tích yêu cầu: Đọc hiểu các tài liệu liên quan để xác định các trường hợp kiểm thử.
  • Thiết kế test case: Xây dựng các kịch bản kiểm thử dựa trên yêu cầu của phần mềm.
  • Thực hiện kiểm thử: Chạy các test case, phát hiện và ghi nhận lỗi.
  • Báo cáo lỗi: Gửi báo cáo chi tiết về lỗi cho đội phát triển.
  • Xác nhận sửa lỗi: Kiểm tra lại các lỗi đã được sửa để đảm bảo không tái diễn.

Tester thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau

3. Các loại Tester phổ biến

Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của quy trình kiểm thử, các vai trò của Tester được chia thành nhiều loại khác nhau. Mỗi loại Tester đảm nhận những nhiệm vụ riêng biệt, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể của quy trình phát triển phần mềm, cụ thể:

3.1 Manual Tester

Manual Tester là những người thực hiện kiểm thử phần mềm thủ công, không sử dụng công cụ tự động. Họ kiểm tra trực tiếp các tính năng của phần mềm, từ giao diện đến logic hoạt động, bằng cách thực hiện các thao tác giống như người dùng thật.

Ưu điểm của Manual Tester:

  • Khả năng phát hiện các lỗi giao diện hoặc lỗi liên quan đến trải nghiệm người dùng.

  • Không cần đầu tư nhiều vào công cụ hoặc phần mềm kiểm thử.

Tuy nhiên, kiểm thử thủ công có nhược điểm là mất nhiều thời gian và khó đảm bảo tính chính xác cao.

3.2 Automation Tester

Automation Tester sử dụng các công cụ tự động hóa để kiểm thử phần mềm. Các công cụ này giúp tạo và chạy các script kiểm thử, từ đó tiết kiệm thời gian và tăng độ chính xác. 

Ưu điểm của Automation Tester:

  • Xử lý nhanh các trường hợp kiểm thử phức tạp.

  • Dễ dàng kiểm thử lặp lại với số lượng lớn dữ liệu.

Một số công cụ phổ biến: Selenium, Test Complete, Katalon Studio.

Xem thêm: Intern là gì? Top 10 vị trí thực tập sinh có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất hiện nay

3.3 QA (Quality Assurance)

QA (Đảm bảo chất lượng) chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thiết kế quy trình kiểm thử nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. QA tập trung vào việc cải thiện toàn bộ quy trình phát triển phần mềm, không chỉ riêng phần kiểm thử.

Quality Assurance đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất

3.4 QC (Quality Control)

QC (Kiểm soát chất lượng) tập trung vào việc kiểm tra và đánh giá sản phẩm cuối cùng để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và khách hàng.

4. Những kỹ năng cần thiết của một Tester giỏi

Công việc của Tester không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn cần một loạt các kỹ năng mềm và kỹ năng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng phần mềm. Dưới đây là các kỹ năng quan trọng mà một Tester giỏi cần phải có:

4.1 Kỹ năng phân tích và tư duy logic

Tư duy logic là nền tảng quan trọng trong công việc của một Tester. Một Tester giỏi cần có khả năng:

  • Phân tích yêu cầu: Khi nhận được tài liệu dự án, Tester cần đọc hiểu và phân tích yêu cầu của khách hàng để xác định các trường hợp kiểm thử (test case).

  • Phát hiện vấn đề: Dựa trên các kịch bản kiểm thử, Tester cần xác định được các lỗi tiềm ẩn trong phần mềm. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén trong việc nhận biết các điểm bất thường, kể cả những lỗi nhỏ nhất.

  • Dự đoán tình huống: Tester cần tư duy theo hướng “nếu-thì” để đánh giá các trường hợp mà phần mềm có thể gặp vấn đề, đặc biệt là với các tính năng phức tạp.

Ví dụ: Nếu một hệ thống đặt hàng trực tuyến không xử lý đúng các mã giảm giá, Tester phải xác định được nguyên nhân (logic tính toán, kết nối cơ sở dữ liệu hay giao diện nhập liệu) và báo cáo chi tiết.

4.2 Kỹ năng học hỏi và cập nhật công nghệ

Ngành công nghệ thông tin thay đổi nhanh chóng, vì vậy Tester cần luôn học hỏi và cập nhật các xu hướng mới nhất. Một số yếu tố cần chú ý:

  • Công cụ mới: Các công cụ kiểm thử như Selenium, Appium hay Postman liên tục được cải tiến. Tester phải theo dõi và làm quen với các phiên bản mới nhất.

  • Ngôn ngữ lập trình: Automation Tester cần hiểu các ngôn ngữ như Java, Python hoặc JavaScript để viết và tối ưu hóa script kiểm thử.

  • Công nghệ phần mềm: Tester cần hiểu về các công nghệ đang được sử dụng trong dự án, ví dụ như microservices, containerization (Docker, Kubernetes)hoặc cloud computing (AWS, Azure).

4.3 Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm

Tester là cầu nối giữa đội phát triển và khách hàng, vì vậy giao tiếp hiệu quả là một kỹ năng không thể thiếu. Điều này bao gồm:

  • Truyền đạt rõ ràng: Tester cần viết báo cáo lỗi chi tiết, bao gồm mô tả vấn đề, bước tái hiện lỗi và các gợi ý để khắc phục. Báo cáo càng rõ ràng, đội phát triển càng dễ hiểu và sửa lỗi nhanh hơn.

  • Làm việc nhóm: Tester thường xuyên làm việc với Developer, Product Manager và khách hàng. Họ cần thảo luận để hiểu rõ yêu cầu và mục tiêu dự án, từ đó đưa ra các đề xuất cải tiến.

  • Xử lý xung đột: Đôi khi Tester và Developer có thể bất đồng về lỗi được báo cáo. Một Tester giỏi cần biết cách xử lý tình huống này một cách khéo léo để giữ mối quan hệ làm việc tốt đẹp.

4.4 Kỹ năng cẩn thận và tỉ mỉ

Công việc kiểm thử đòi hỏi Tester phải cực kỳ cẩn thận để không bỏ sót bất kỳ lỗi nào. Một số điểm cần lưu ý:

  • Kiểm tra từng chi tiết: Từ giao diện người dùng, logic xử lý đến hiệu suất hoạt động của phần mềm, tất cả đều cần được kiểm tra kỹ lưỡng.

  • Tái kiểm tra lỗi: Sau khi Developer sửa lỗi, Tester cần thực hiện kiểm tra lại (retesting) để đảm bảo lỗi đã được khắc phục triệt để và không phát sinh lỗi mới.

  • Kiểm tra liên tục: Trong các dự án Agile, phần mềm được phát triển liên tục, nên Tester cần kiểm tra từng phiên bản để đảm bảo mọi thứ hoạt động ổn định.

Một lỗi nhỏ trong phần mềm, chẳng hạn như sai chính tả trên giao diện hoặc lỗi hiển thị, có thể làm giảm uy tín của sản phẩm với người dùng cuối. Do đó, sự cẩn thận là yếu tố không thể thiếu.

4.5 Kỹ năng sử dụng công cụ kiểm thử phần mềm

Để thực hiện công việc hiệu quả, Tester cần làm chủ các công cụ kiểm thử phần mềm. Một số công cụ phổ biến bao gồm:

  • JIRA: Hỗ trợ quản lý lỗi, theo dõi tiến độ công việc và giao tiếp trong nhóm. JIRA giúp Tester ghi nhận các lỗi một cách chi tiết và có hệ thống.

  • Selenium: Đây là công cụ kiểm thử tự động hóa phổ biến, đặc biệt hữu ích trong việc kiểm thử giao diện web.

  • Postman: Công cụ mạnh mẽ để kiểm thử API, giúp đảm bảo các dịch vụ web hoạt động đúng như mong đợi.

  • TestRail: Hỗ trợ quản lý test case, theo dõi tiến độ và đánh giá hiệu suất kiểm thử.

Ngoài ra, Tester còn cần biết sử dụng các công cụ kiểm tra hiệu suất như JMeter hoặc kiểm tra bảo mật như Burp Suite.

4.6 Kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong ngành công nghệ thông tin. Ví dụ khi làm việc với một đội phát triển ở nước ngoài, Tester cần trình bày lỗi bằng tiếng Anh với cấu trúc rõ ràng và dễ hiểu. Vì vậy, Tester cần:

  • Đọc hiểu tài liệu: Các tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng và tài liệu API thường được viết bằng tiếng Anh.

  • Viết báo cáo: Báo cáo lỗi thường cần sử dụng tiếng Anh để đảm bảo đội phát triển (đặc biệt trong các dự án quốc tế) dễ dàng hiểu rõ vấn đề.

Giao tiếp: Làm việc với các đội ngũ quốc tế yêu cầu Tester có khả năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát để trao đổi ý kiến và giải quyết vấn đề.

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong ngành công nghệ thông tin

5. Quy trình làm việc của một Tester

Quy trình làm việc của một Tester được xây dựng chặt chẽ nhằm đảm bảo phần mềm đáp ứng đầy đủ yêu cầu và đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. Dưới đây là chi tiết các bước trong quy trình kiểm thử phần mềm, từ khi bắt đầu đến khi hoàn tất: 

Bước 1: Requirement Analysis (Phân tích yêu cầu)

Đây là bước đầu tiên trong quy trình kiểm thử phần mềm, tập trung vào việc tìm hiểu và phân tích các yêu cầu từ khách hàng:

  • Nghiên cứu tài liệu Prototype (đặc tả yêu cầu), phân loại yêu cầu thành hai dạng: Functional (Chức năng) và Non-Functional (Phi chức năng).

  • Làm việc với các bên liên quan (Business Analyst, Product Owner) để làm rõ những yêu cầu còn mơ hồ hoặc thiếu sót.

  • Xác định phạm vi kiểm thử, loại kiểm thử sẽ áp dụng (chức năng, hiệu suất, bảo mật, v.v.) và mức độ ưu tiên kiểm tra từng tính năng.

  • Chuẩn bị danh sách các yếu tố cần thiết để thiết lập môi trường kiểm thử.

Bước 2: Test Planning (Lập kế hoạch kiểm thử)

Bước này là quá trình lập kế hoạch chi tiết để đảm bảo kiểm thử được thực hiện có tổ chức và hiệu quả:

  • Xác định chiến lược kiểm thử: sử dụng phương pháp kiểm thử thủ công hay tự động, kiểm thử toàn diện hay chọn lọc theo ưu tiên.

  • Phạm vi kiểm thử: liệt kê các chức năng và module cần kiểm tra.

  • Tài nguyên kiểm thử: xác định nhân sự, công cụ và môi trường cần thiết.

  • Phân công nhiệm vụ: Ai phụ trách kiểm thử chức năng nào? Khi nào viết Test Case và thực hiện kiểm thử?

  • Đặt mục tiêu kiểm thử: thời gian hoàn thành từng giai đoạn, chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs).

Bước 3: Test Case Development (Phát triển kịch bản kiểm thử)

Sau khi kế hoạch kiểm thử được thông qua, Tester bắt đầu xây dựng các Test Case:

  • Viết Test Case chi tiết, bao gồm: ID, mục đích kiểm thử, bước thực hiện, dữ liệu đầu vào, kết quả mong đợi và kết quả thực tế.

  • Thiết kế Test Case cho cả tình huống tích cực (Positive Case) và tiêu cực (Negative Case) để kiểm tra toàn diện phần mềm.

  • Với kiểm thử tự động, viết thêm Test Script (mã hướng dẫn kiểm thử) để giảm thời gian và tăng độ chính xác.

  • Review chéo giữa các thành viên trong nhóm để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp kiểm thử quan trọng.

Bước 4: Environment Setup (Thiết lập môi trường kiểm thử)

Đây là giai đoạn chuẩn bị môi trường kiểm thử trước khi thực hiện kiểm thử chi tiết:

  • Developers thiết lập môi trường kiểm thử với bản build (phiên bản phần mềm hoàn thiện về mặt lập trình).

  • Tester thực hiện Smoke Testing (Kiểm thử khói) để kiểm tra nhanh tính sẵn sàng của môi trường và độ ổn định của bản build.

  • Nếu phát hiện môi trường kiểm thử không ổn định hoặc bản build lỗi chức năng chính, Tester sẽ báo ngay để Developers khắc phục.

  • Sau khi môi trường ổn định, Tester xác nhận các điều kiện kiểm thử đã sẵn sàng cho bước tiếp theo.

Bước 5: Test Execution (Thực hiện kiểm thử)

Bước này là giai đoạn chính của quy trình kiểm thử phần mềm:

  • Tester thực hiện các Test Case đã thiết kế, sử dụng công cụ kiểm thử nếu cần (Manual Testing hoặc Automation Testing).

  • Ghi nhận lỗi (bug) vào các công cụ quản lý lỗi như JIRA hoặc Bugzilla, bao gồm mô tả chi tiết, bước tái hiện lỗi và mức độ nghiêm trọng.

  • Giao lỗi cho Developers sửa, sau đó kiểm tra lại lỗi (retesting) để đảm bảo đã được khắc phục.

  • Ưu tiên kiểm thử chức năng chính trước, sau đó kiểm tra các chức năng phụ và giao diện người dùng.

  • Lặp lại quá trình này cho đến khi các lỗi chính được sửa hết và sản phẩm hoạt động ổn định.

Bước 6: Test Cycle Closure (Kết thúc chu kỳ kiểm thử)

Giai đoạn cuối cùng trong quy trình kiểm thử phần mềm nhằm tổng hợp và đánh giá kết quả:

  • Tester chuẩn bị báo cáo kiểm thử, bao gồm số lượng Test Case đã thực thi, số lỗi phát hiện, tỷ lệ lỗi đã khắc phục thành công.

  • Đánh giá các tiêu chí kiểm thử đã đạt hay chưa, như: số lượng Test Case Passed, tỷ lệ lỗi giảm hoặc mức độ ổn định của sản phẩm.

  • Tổ chức họp nhóm để rút kinh nghiệm và đưa ra đề xuất cải tiến cho các dự án tiếp theo.

  • Hoàn tất quy trình kiểm thử khi sản phẩm đạt yêu cầu hoặc được bàn giao cho khách hàng hoặc khi dự án bị hủy bỏ.

Quy trình làm việc của một Tester

6. Cơ hội nghề nghiệp và lộ trình phát triển của Tester

Tester có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các công ty từ nhỏ đến lớn đều cần đội ngũ Tester để đảm bảo chất lượng sản phẩm. 

Lộ trình phát triển:

  • Junior Tester: Người mới vào nghề, làm các công việc kiểm thử cơ bản. (1-3 năm kinh nghiệm)

  • Senior Tester: Tester có kinh nghiệm, đảm nhiệm các dự án lớn hơn. (3-5 năm kinh nghiệm.)

  • Test Lead/Manager: Quản lý đội ngũ Tester, lập kế hoạch và giám sát quy trình kiểm thử. (5-6 năm kinh nghiệm)

  • Quản lý cấp cao QA/QC: Tập trung vào việc cải tiến chất lượng tổng thể của dự án. (trên 14 năm kinh nghiệm)

Tester đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm phần mềm. Để trở thành một Tester giỏi, bạn cần trau dồi cả kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Hy vọng rằng qua bài viết này của AIA Việt Nam, bạn đã có cái nhìn tổng quan về nghề Tester là gì cũng như những bước cần thiết để trở thành một Tester giỏi.

Xem thêm: Sales admin là gì? Nhiệm vụ và kỹ năng cần thiết

Nguồn tham khảo:

  1. https://careers.smartosc.com/tester-la-gi/

  2. https://topdev.vn/blog/tuong-lai-nghe-tester/

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ