Bài viết

Các tác hại của trà xanh nguy hiểm ra sao nếu uống sai cách?

04/12/2024 dot 5 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Trà xanh từ lâu đã được biết đến như một loại thức uống bổ dưỡng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu uống sai cách, trà xanh sẽ gây hại cho sức khỏe. Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu các tác hại của trà xanh khi dùng không đúng trong bài sau. 

1. Lợi ích của trà xanh khi được sử dụng đúng cách

Trà xanh hay chè xanh, được chế biến từ lá cây trà và rất phổ biến ở các quốc gia châu Á. Quá trình sấy khô bằng nhiệt độ cao giúp trà giữ lại các thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là polyphenol. Trong thành phần của trà xanh có chứa 2 - 4% cafein, có tác dụng kích thích, giúp tăng cường sự tỉnh táo và cung cấp năng lượng. Ngoài ra trong trà xanh còn có EGCG, kali, canxi, phốt pho, magiê,…

Nhờ thành phần dinh dưỡng đa dạng, nên nếu sử dụng trà xanh đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể như: 

  • Tốt cho tim mạch: Nghiên cứu cho thấy việc uống trà xanh hàng ngày giúp giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ lần lượt là 26% và 16%.

  • Ngăn ngừa ung thư: Trà xanh chứa chất ức chế proteasome và các loại thuốc hóa trị bortezomib nên có khả năng ngăn chặn sự phát triển của một số loại ung thư như ung thư tuyến vú và ung thư đại trực tràng.

  • Làm đẹp: Với khả năng chống oxy hóa và chống viêm, trà xanh hỗ trợ cải thiện tình trạng da, giảm sưng bọng mắt, thúc đẩy sản sinh collagen và elastin giúp ngăn ngừa lão hóa.

  • Giảm cân: Trà xanh giúp đốt cháy chất béo và thúc đẩy trao đổi chất, đồng thời cafein trong trà còn giúp cải thiện hoạt động thể chất, kích thích huy động axit béo từ mô mỡ chuyển hóa thành năng lượng cho cơ thể. 

  • Giảm stress: Thành phần L-Theanine trong trà xanh giúp giảm lo âu và cải thiện các tình trạng trầm cảm nhẹ, mang lại cảm giác thư giãn.

  • Cải thiện sức khỏe răng miệng: Catechin trong trà có khả năng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm nguy cơ sâu răng và hơi thở hôi.

Uống trà xanh đúng cách giúp giảm cân hiệu quả

2. Tác hại tiềm ẩn của trà xanh khi uống sai cách

Trà xanh, mặc dù nổi tiếng với nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Dưới đây là các tác hại của trà xanh nếu sử dụng sai cách:

2.1. Tác hại liên quan đến caffeine

2.1.1. Mất ngủ và rối loạn giấc ngủ

Tác hại của trà xanh thường gặp nhất là mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ do trà xanh có chứa caffeine. Đây là một hợp chất có khả năng giải phóng hormone melatonin từ đó gây mất ngủ. Với những người nhạy với caffeine, dù chỉ một lượng nhỏ cũng làm họ mất ngủ. Vì vậy, những người nhạy cảm với caffeine nên tránh uống trà xanh ít nhất 5 tiếng trước khi đi ngủ. 

2.1.2. Lo lắng và căng thẳng

Trà xanh chứa chất chống oxy hóa và các chất kích thích giúp cơ thể tỉnh táo. Đây là hành động can thiệp vào nhịp sinh học tự nhiên có thể dẫn đến gia tăng các bệnh tâm lý. Khi cơ thể mệt mỏi mà vẫn phải hoạt động, stress sẽ tích tụ, gây lo âu và căng thẳng lâu dài. 

2.1.3. Đau đầu

Tiêu thụ lượng caffeine vừa phải có thể giúp giảm đau đầu, nhưng nếu lạm dụng chúng sẽ có thể gây phản tác dụng, thậm chí dẫn đến chứng đau đầu mạn tính. Dù các nhà khoa học chưa xác định rõ lượng caffein làm đau đầu nhưng vẫn họ khuyến cáo hạn chế đồ uống chứa caffeine, trong đó có trà xanh. 

Tuy nhiên, không phải cơn đau đầu nào cũng là tác hại của trà xanh. Vì thế nếu bạn dễ bị đau đầu nhưng thích trà thì bạn chỉ nên uống lượng vừa phải. Ngoài ra, bạn có thể giảm bớt hoặc dừng uống trà xanh một thời gian và quan sát tình trạng đau đầu có được cải thiện không.

Uống trà xanh quá nhiều có thể gây đau đầu

2.1.4. Tăng huyết áp

Uống trà xanh có thể làm cho nhịp tim không đều, tuy nhiên tác hại của trà xanh này rất hiếm gặp và cần nghiên cứu thêm. Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy trà có thể giảm huyết áp, một số lại chỉ ra rằng caffeine trong trà xanh có thể làm tăng huyết áp và ảnh hưởng đến thuốc huyết áp như Corgard. Do đó nếu bạn bị bệnh tim, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà xanh. 

2.1.5. Tiêu chảy

Uống quá nhiều trà xanh, caffein có thể gây tác dụng nhuận tràng nhẹ và dẫn đến tiêu chảy. Nếu mắc hội chứng ruột kích thích, trà xanh làm tăng nguy cơ đau bụng và đi vệ sinh thường xuyên hơn.

2.2. Tác hại liên quan đến tannin

Khi uống trà xanh quá đặc hoặc uống khi đói, bạn có thể bị táo bón do tannin trong trà xanh kích thích dạ dày sản xuất axit. Tannin là một hợp chất polyphenol tự nhiên có khả năng tạo liên kết bền vững với protein và các hợp chất hữu cơ khác như amino acid và alkaloid. Khi lượng axit bị dư thừa sẽ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón.

Tannin trong trà xanh kích thích dạ dày sản xuất axit gây táo bón

2.3. Thiếu sắt và thiếu máu

Trà xanh chứa tannin, một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng cản trở hấp thụ sắt từ thực phẩm, đặc biệt là sắt thực vật. Do đó nếu uống quá nhiều trà xanh có thể gây thiếu máu hoặc khiến tình trạng thiếu sắt trở nên nặng hơn. Một nghiên cứu cho thấy tannin liên kết với sắt trong ruột, ngăn cản sự hấp thụ vào máu. 

Nếu bạn vẫn muốn uống trà xanh nhưng không ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt thì hãy thêm chanh vào trà xanh. Vitamin C trong chanh sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ sắt. Ngoài ra bạn nên uống trà trước bữa ăn ít nhất 1 giờ để cơ thể có thời gian hấp thụ sắt. 

2.4. Sỏi thận

Trong lá trà xanh có nhiều oxalat vì thế nếu uống nhiều trà xanh, oxalate rất dễ kết hợp với canxi tạo thành các tinh thể gây nên sỏi thận. 

2.5. Rối loạn, chảy máu

Các hợp chất trong trà xanh làm giảm mức fibrinogen - một loại protein quan trọng trong quá trình đông máu từ đó gây rối loạn chảy máu ở một số người. Trà xanh cũng có thể làm loãng máu bằng cách ngăn ngừa oxy hóa axit béo. Nếu bạn có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông, hãy tham khảo bác sĩ trước khi uống trà xanh. 

2.6 Tổn thương gan

Sử dụng quá nhiều trà xanh hoặc các chất bổ sung từ trà xanh làm tích tụ caffeine trong cơ thể, gây áp lực lên gan, khiến gan hoạt động quá mức, dẫn đến gan bị tổn thương. Để tránh gặp tình trạng này, bạn chỉ nên uống 4 - 5 tách trà xanh/ngày và không sử dụng sản phẩm bổ sung trừ khi có chỉ định bác sĩ.

Sự tích tụ caffeine gây áp lực lên gan, khiến gan căng thẳng

2.7 Gây loãng xương

Tiêu thụ quá nhiều trà xanh có thể làm tăng lượng canxi được đào thải qua đường tiết niệu, từ đó gây nên nguy cơ loãng xương. Vì thế bạn không nên uống nhiều hơn 300ml trà xanh một ngày để bảo vệ sức khỏe xương khớp.

3. Đối tượng cần thận trọng khi uống trà xanh

Trà xanh là thức uống tốt cho cơ thể nhưng không phải ai cũng phù hợp với thức uống này. Dưới đây là 5 nhóm đối tượng cần thận trọng khi uống trà xanh. 

3.1. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế uống trà vì trong trà xanh axit oxalic trên 30%, có thể ảnh hưởng đến hấp thu sắt trong niêm mạc dạ dày. Axit oxalic kết hợp với sắt tạo thành chất cặn không hấp thu. Caffeine trong trà cũng làm tăng nhịp tim, áp lực lên tim và thận, kích thích tiết nước tiểu, có thể gây ngộ độc thai kỳ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi. 

3.2. Người bị bệnh thận

Người mắc các vấn đề về thận cũng nên cẩn trọng khi uống trà xanh. Trà xanh chứa nhiều oxalat, dễ kết hợp với canxi hình thành sỏi thận. Hơn nữa, việc tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể làm tăng gánh nặng cho thận, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Người bị bệnh thận không nên uống trà xanh

3.3. Người bị rối loạn lo âu

Trà xanh chứa caffeine, một chất kích thích có thể làm tăng mức độ lo âu ở những người nhạy cảm với nó. Caffeine có thể gây ra cảm giác hồi hộp và lo lắng, đặc biệt nếu tiêu thụ với số lượng lớn. Những người đã mắc chứng rối loạn lo âu nên cân nhắc giảm lượng trà xanh uống hằng ngày hoặc tìm kiếm các thức uống không chứa caffeine. 

3.4. Người bị thiếu máu

Những người bị thiếu máu, đặc biệt là thiếu sắt, cần hết sức cẩn trọng khi uống trà xanh. Chất tannin trong trà có khả năng cản trở sự hấp thụ sắt từ thực phẩm, dẫn đến tình trạng thiếu sắt trầm trọng hơn.

 Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống trà ngay sau bữa ăn có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt lên đến 25%. Do đó, người thiếu máu nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc uống trà xanh. 

3.5. Người đang dùng thuốc

Uống thuốc cùng nước trà xanh sẽ làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ như các statin (atorvastatin, simvastatin) trong thuốc trị mỡ máu có thể tương tác với trà xanh, làm đến tăng nồng độ thuốc từ đó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như tổn thương cơ (tiêu cơ vân) hoặc nhiễm độc gan.

Hay như trong trà xanh chứa vitamin K, có thể làm giảm hiệu quả của warfarin và các thuốc chống đông khác, cản trở khả năng làm loãng máu của thuốc.

Trà xanh có thể phản ứng với các thành phần trong thuốc

4. Cách uống trà xanh an toàn và hợp lý

Để hạn chế tác hại của trà xanh, bạn cần uống trà xanh đúng cách. Dưới đây là các lưu ý giúp bạn uống trà xanh an toàn. 

4.1. Lượng trà xanh khuyến nghị mỗi ngày

Mỗi ngày, người lớn nên uống từ khoảng 2 - 3 tách trà mỗi ngày. Uống quá nhiều trà xanh có thể dẫn đến các tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu và khó tiêu. 

Ngoài ra, lượng trà xanh uống mỗi ngày cần điều chỉnh tùy theo tình trạng sức khỏe cá nhân, ví dụ như người có cholesterol cao chỉ nên uống 1 - 2 lần mỗi ngày (khoảng 150 - 250ml). 

4.2. Thời điểm uống trà xanh thích hợp

Thời điểm lý tưởng để uống trà xanh là giữa các bữa ăn, ít nhất hai giờ trước hoặc sau bữa ăn. Điều này giúp tối ưu hóa khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và giảm thiểu tác động của tannin trong trà đến sự hấp thụ sắt và khoáng chất từ thực phẩm. Bên cạnh đó, không nên uống trà xanh vào buổi sáng khi bụng đói hoặc ngay trước khi đi ngủ để tránh kích thích dạ dày, tác động xấu đến gan và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nên uống trà xanh trước hoặc sau bữa 2 giờ

4.3. Cách pha trà xanh đúng cách

Bạn có thể pha trà xanh bằng lá trà xanh khô hoặc tươi tuy nhiên để đảm bảo trà xanh phát huy công dụng tốt nhất bạn cần pha đúng cách. Cách pha hai loại trà xanh này sẽ khác nhau, dưới đây là chi tiết cách pha từng loại:

Cách pha trà xanh từ lá trà xanh tươi:

  • Chuẩn bị 100g lá trà xanh tươi và ấm trà

  • Rửa sạch lá trà xanh tươi, vò nhẹ lá rồi cho vào nồi hoặc ấm đun, đổ đầy nước.

  • Đun lửa lớn cho đến khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ đun khoảng 10 phút thì tắt bếp.

  • Chờ nước trà nguội rồi rót ra và thưởng thức. 

Cách pha trà xanh từ lá trà xanh khô:

  • Chuẩn bị 5g trà xanh khô, ấm trà

  • Đun sôi 1.5l nước sau đó để nước nguội còn khoảng 80 độ C.

  • Cho lá trà khô vào ấm rồi đổ nước ngập mặt trà để tráng trà, sau đó đổ nước tráng đi.

  • Đổ nước đầy ấm và ngâm trà khoảng 2 - 3 phút là có thể dùng được.

Cách pha trà xanh từ trà khô

4.4. Lựa chọn loại trà xanh chất lượng

Khi chọn trà xanh, nếu bạn sử dụng lá trà tươi thì nên chọn lá trà còn mới, chưa bị dập nát, thối. Còn nếu bạn sử dụng trà khô, nên lựa chọn trà từ các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. 

Những tác hại nguy hiểm từ việc uống trà xanh sai cách không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Hy vọng rằng qua bài viết của AIA Việt Nam, bạn đã biết được những tác hại của trà xanh và cách sử dụng chúng an toàn và hiệu quả.

Xem thêm: Trà hoa nhài có tác dụng gì? Ai không nên uống trà hoa nhài?

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.pharmacity.vn/tra-xanh-co-tac-dung-gi.htm

2. https://suckhoedoisong.vn/10-tac-dung-phu-co-hai-cua-tra-xanh-neu-khong-uong-dung-cach-169211210093013939.htm

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.