Bài viết

Tại sao thức khuya gây tăng cân, béo phì?

03/11/2023 dot 4 phút đọc
Lời khuyên Sống Khỏe Tập luyện

Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không có đủ thời gian để hoàn thành công việc. Vì vậy họ chọn cách thức khuya để xử lý đống công việc tồn đọng vào ban đêm. Một số nguồn tin cho rằng thức khuya có thể gây béo phì và nhiều bệnh lý khác. Vậy, thức khuya có tăng cân không và có hại như nào? Hãy cùng AIA tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Con người cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày

Thời lượng giấc ngủ của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là độ tuổi. Mặc dù nhu cầu giấc ngủ khác nhau đáng kể giữa các cá nhân, dưới đây là hướng dẫn chung cho các nhóm tuổi:

Nhóm tuổi và thời gian ngủ khuyến cáo:

  • Từ 4 – 12 tháng: 12 – 16 giờ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn.

  • Từ 1 – 2 tuổi: 11 – 14 giờ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn.

  • Từ 3 – 5 tuổi: 10 – 13 giờ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn.

  • Từ 6 – 12 tuổi: 9 – 12 giờ mỗi ngày.

  • Từ 13 – 18 tuổi: 8 – 10 giờ mỗi ngày.

  • Người lớn: 7 – 9 giờ mỗi ngày.

Ngoài yếu tố tuổi tác, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian ngủ:

  • Chất lượng giấc ngủ: Nếu giấc ngủ bị gián đoạn thường xuyên, bạn sẽ không đạt được giấc ngủ chất lượng, điều này quan trọng không kém số giờ ngủ.

  • Thiếu ngủ tích lũy: Nếu bạn thiếu ngủ trước đó, bạn cần ngủ bù để khôi phục.

  • Thai kỳ: Sự thay đổi hormone và khó chịu về thể chất trong thai kỳ có thể dẫn đến giấc ngủ kém chất lượng.

  • Người lớn tuổi: Mặc dù họ cần số giờ ngủ tương đương với người trẻ tuổi, kiểu ngủ của họ có thể thay đổi. Người lớn tuổi có xu hướng ngủ nông hơn, mất nhiều thời gian để vào giấc và giấc ngủ thường ngắn hơn, họ cũng thường thức dậy nhiều lần trong đêm.

Lợi ích của giấc ngủ đầy đủ:

 

  • Trẻ em: Ngủ đủ giấc giúp cải thiện khả năng chú ý, hành vi, học tập, trí nhớ, kiểm soát cảm xúc, chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể.

  • Người lớn: Ngủ ít hơn 7 giờ mỗi đêm có thể liên quan đến sức khỏe kém, bao gồm tăng cân, chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ và trầm cảm.

Việc duy trì giấc ngủ đầy đủ và chất lượng là điều cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của mọi lứa tuổi.

Tác động của giấc ngủ tới sự trao đổi chất

Các nghiên cứu [1] gần đây chỉ ra rằng, những người thức khuya và ngủ không đủ giấc có tỷ lệ trao đổi chất trong thời gian nghỉ ngơi sáng hôm sau có xu hướng thấp hơn đáng kể so với những người ngủ đủ 8 giờ. Nguyên nhân cho hiện tượng này nằm ở việc cơ thể đang tiết kiệm năng lượng do thiếu ngủ, làm chậm quá trình trao đổi chất.

Khi quá trình trao đổi chất bị chậm, cơ thể không đốt cháy năng lượng nhanh như bình thường chúng ta tiêu thụ. Hậu quả là, chúng ta bắt đầu tích tụ chất béo, và dẫn đến tình trạng tăng cân. Thực tế đã được chứng minh thông qua nghiên cứu, cho thấy những người thường thức khuya có thể tăng thêm tới 2 pound (khoảng 0,9 kg) trọng lượng mỗi tháng.

Duy trì thói quen ngủ sớm giúp cải thiện quá trình trao đổi chất

Tuy nhiên, khi bạn thay đổi thói quen ngủ và thiết lập chế độ nghỉ ngơi lành mạnh, quá trình trao đổi chất có thể phục hồi và hoạt động bình thường trở lại. Điều này tạo ra tín hiệu tích cực, đặc biệt là đối với những người muốn giảm cân do tác động của thiếu ngủ.

Thức khuya có làm tăng cân không?

 

Thức khuya làm ảnh hưởng tới chỉ số BMI

 

BMI, còn được gọi là Chỉ số khối cơ thể, là một đại lượng được biết đến dùng để đánh giá tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao của người. Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá hình dáng cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng.

“Những người trẻ tuổi và người trưởng thành thường xuyên thức khuya thường có khả năng tăng cân cao hơn so với những người cùng lứa tuổi nhưng thường đi ngủ sớm hơn.”- Theo nghiên cứu của viện Đại học California Berkeley (Mỹ) nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa thức khuya và chỉ số khối cơ thể (BMI).

Người trẻ đi ngủ sớm sẽ ít gặp vấn đề về béo phì

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học tại Berkeley đã theo dõi các hành vi và ảnh hưởng của người trẻ trong ba giai đoạn khác nhau: thời kỳ dậy thì, thời gian học đại học và giai đoạn trưởng thành. Dữ liệu thu thập bao gồm thông tin về thời gian ngủ và chỉ số BMI của những người trẻ từ năm 1994 đến 2009.

Từ các kết quả thu được, nghiên cứu đã cho thấy rằng những người trẻ tuổi đi ngủ sớm hơn thường có trọng lượng cơ thể duy trì ở mức lành mạnh hơn khi họ bước vào giai đoạn trưởng thành..

Xem thêm: 7 tác hại của việc thức khuya thường xuyên mà con gái nên biết

Thức khuya gây cảm giác thèm ăn dẫn đến tăng cân

Khi bạn thiếu ngủ có thể gây ra cảm giác thèm ăn, dẫn đến việc lựa chọn thức ăn nhanh hoặc giàu chất béo và carbohydrate. Những thức ăn này thường chứa nhiều dưỡng chất không tốt và đường, càng làm tăng cảm giác thèm ăn và việc tiêu thụ quá nhiều calo hơn cần thiết hàng ngày.

Thói quen thức khuya kết hợp với ăn uống trước khi đi ngủ tạo thuận lợi cho thói quen ăn vặt. Một số người thậm chí thức khuya để xem phim, đôi khi kết hợp với việc ăn uống, điều này có thể tăng nguy cơ bị tăng cân và béo phì.

Thức khuya làm tăng cơn thèm đối với đồ ăn vặt

Cách giúp bạn dễ ngủ hơn vào mỗi tối

Nếu bạn muốn tránh nguy cơ tăng cân do thức khuya, có một số điều bạn có thể làm để cải thiện chu kỳ giấc ngủ của mình:

  • Hoạt động tích cực trong ngày và tập thể dục hàng ngày.

  • Duy trì lịch trình và thói quen hàng ngày ổn định.

  • Tạo thói quen đi ngủ sớm

  • Tắt các thiết bị điện tử và giảm cường độ ánh sáng 2 giờ trước khi đi ngủ

  • Không sử dụng nước uống có caffeine hay taurine trước khi ngủ

Tất cả những lời khuyên trên đều có thể áp dụng cho cả trẻ em và người lớn. Và hãy tránh sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình có thể làm trật nhịp sinh học của cơ thể chúng ta và ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ cũng như làm cho chúng ta cảm thấy tỉnh táo suốt đêm.

Tập thể dục hàng ngày sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc

Vậy thức khuya có tăng cân không? Thức khuya ảnh hưởng khá nhiều đến cơ thể, không những làm tăng cân mà còn có thể gây viêm loét dạ dày. Công việc có thể quan trọng nhưng sức khỏe của bạn cần được ưu tiên hơn cả. Mong là bạn đã tìm ra phương pháp giúp bản thân dễ ngủ hơn vào mỗi tối.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Andrea M. Spaeth, David F. Dinges, Namni Goel. (2015). Resting metabolic rate varies by race and by sleep duration. The Obesity Society.

[2] Lauren D. Asarnow, MA, Eleanor McGlinchey, PhD, Allison G. Harvey, PhD. (2015). Evidence for a Possible Link between Bedtime and Change in Body Mass Index. Sleep, Volume 38, Issue 10.

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

Hãy giữ liên lạc

Cám ơn bạn

Đăng ký và khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.

warning icon
Địa chỉ email không hợp lệ