Bài viết

Bánh bao bao nhiêu calo? Ăn bánh bao có bị tăng cân?

21/11/2024 dot 10 phút đọc
Dinh Dưỡng Lời khuyên Sống Khỏe

Bánh bao là món ăn sáng quen thuộc của người Việt vì vừa nhanh, tiện lại vừa ngon miệng. Thế nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc bánh bao bao nhiêu calo chưa? Và liệu ăn bánh bao có bị tăng cân không? Cùng AIA Việt Nam tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

1. Bánh bao có bao nhiêu calo?

Bánh bao là một món ăn sáng phổ biến và tiện lợi được nhiều người Việt yêu thích. Vỏ bánh bao được làm từ bột mì, men nở còn phần nhân thì khá đa dạng. Do đó, lượng calo trong mỗi chiếc bánh bao sẽ khác nhau tùy thuộc theo nguyên liệu và kích thước. Nhìn chung, trong một chiếc bánh bao sẽ có khoảng 130 - 360 calo. Cụ thể lượng calo trong một số loại bánh bao như sau:

  • Bánh bao trứng muối: 150 calo

  • Bánh bao nhân thịt bằm và trứng cút: 360 calo

  • Bánh bao nhân đậu xanh: 150 calo

  • Bánh bao không nhân chiên: 180 calo

  • Bánh bao nhân khoai môn: 170 calo

  • Bánh bao sữa tươi: 200 calo

  • Bánh bao chay: 110 calo

  • Bánh bao kim sa: 131 calo

Bánh bao có khoảng 130 - 360 calo 

2. Các thành phần dinh dưỡng có trong bánh bao

Bên cạnh vấn đề bánh bao bao nhiêu calo, nhiều người còn thắc mắc không biết trong bánh bao có những chất dinh dưỡng gì. Dưới đây là các thành phần dinh dưỡng có trong bánh bao. 

2.1 Tinh bột

Tinh bột là thành phần dinh dưỡng có nhiều nhất trong một chiếc bánh bao. Trong 100g bánh bao có khoảng 20.22g tinh bột, đáp ứng được 15% nhu cầu năng lượng một ngày. Chính vì thế ăn bánh bao sẽ vừa giúp no bụng, vừa bổ sung năng lượng để não bộ và cơ bắp hoạt động. 

2.2 Chất béo

Thịt làm bánh bao thường được xen kẽ giữa nạc và mỡ để nhân bánh không bị khô và kết dính tốt hơn. Do đó, lượng chất béo trong bánh bao khá cao, khoảng 7.21g/bánh. Tuy nhiên, vì chất béo trong bánh bao là chất béo động vật nên hãy hạn chế ăn để tránh mắc các bệnh về tim mạch, mỡ máu.

Phần nhân bánh bao cung cấp cả chất đạm và chất béo

2.3 Đạm

Đạm trong bánh bao thường đến từ phần nhân gồm thịt băm, trứng cút, trứng muối,.... Đây là thành phần rất quan trọng cho sự phát triển cơ bắp và duy trì sức khỏe của cơ thể. Trung bình, trong 1 chiếc bánh bao nhân thịt và trứng cút sẽ có khoảng 3.3g đạm. Còn trong 1 chiếc bánh bao nhân thịt không sẽ có khoảng 11gr protein, đáp ứng 22% nhu cầu/ngày. 

2.4 Khoáng chất và vitamin

Trong bánh bao cũng có các khoáng chất và vitamin dù hàm lượng không nhiều nhưng khá đa dạng như: 

  • Natri: 88mg (4% DV)

  • Canxi: 18mg (1% DV)

  • Sắt: 1mg (6% DV)

Ngoài ra, trong các loại bánh bao rau củ quả, bánh bao nhân đậu xanh, khoai môn,... còn có vitamin B giúp cải thiện hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh. 

3. Ăn bánh bao có gây tăng cân, béo phì không?

Ăn bánh bao có thể gây tăng cân và béo phì nếu không kiểm soát được lượng calo nạp vào. Một chiếc bánh bao có khoảng 110 - 360 calo tùy thuộc vào kích thước và nguyên liệu làm bánh. Năng lượng người trưởng thành cần nạp vào khoảng 670 calo/bữa chính. Ăn một chiếc bánh bao có thể đáp ứng 50% năng lượng của một bữa ăn, như vậy ăn hai cái sẽ cung cấp đủ năng lượng cho một bữa chính. 

Tuy nhiên, người muốn giảm cân nên tránh ăn nhiều bánh bao, vì hầu hết năng lượng của bánh bao đều đến từ bột mì, tinh bột và chất béo, có thể dẫn đến tích mỡ, tăng cân. Khi muốn ăn bánh bao, bạn nên chọn loại khoảng 110 calo và kết hợp với thịt nạc, cá, rau xanh, trái cây để đảm bảo đủ dinh dưỡng mà không gây béo.

Ăn lượng bánh bao vừa phải sẽ không gây tăng cân

4. Cách ăn bánh bao không lo bị tăng cân

Bánh bao là món khoái khẩu của bạn nhưng bạn sợ ăn bánh bao tăng cân, hãy áp dụng ngay các cách ăn bánh bao mà không lo bị tăng cân sau:

  • Không ăn quá nhiều: Bánh bao cung cấp nhiều năng lượng vì thế bạn chỉ nên ăn tối đa 2 cái mỗi ngày và 2 - 3 lần/tuần. Tốt nhất là 1 cái mỗi ngày, kết hợp với thực phẩm giàu protein khác đồng thời tính toán lượng calo hàng ngày để cân bằng giữa bánh bao và các thực phẩm khác.
  • Không ăn vào buổi tối: Tránh ăn bánh bao vào bữa tối vì lúc này cơ thể ít hoạt động, dễ dẫn đến tích tụ mỡ và gây béo phì. Ngoài ra, ăn bánh bao buổi tối có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng tiêu hóa.
  • Chọn bánh bao ít calo: Bạn nên chọn loại ít calo như bánh bao nguyên cám, gạo lứt, nhân gà hoặc chay. Nếu có thời gian, bạn hãy tự làm bánh bao tại nhà giúp kiểm soát tốt hơn lượng calo và nguyên liệu.
  • Uống đủ nước: Uống nhiều nước khi ăn bánh bao sẽ làm đầy dạ dày nhanh hơn, giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa, giảm cảm giác khô khi ăn.
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động thường xuyên sẽ giúp tiêu hao năng lượng, ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa. Làm việc nhà, dọn dẹp, thể dục hoặc đi bộ, leo cầu thang đều giúp đốt cháy calo. Vận động không chỉ tránh béo phì mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh như rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp.
  • Tính lượng calo nạp vào: Bạn hãy tính lượng calo cần thiết mỗi ngày để cân bằng giữa lượng calo nạp vào và mất đi, qua đó bạn có thể thoải mái thưởng thức món ăn yêu thích mà không lo tăng cân.

Vận động thường xuyên sẽ giúp tiêu hao năng lượng mà bánh bao cung cấp

Hy vọng qua bài viết trên của AIA Việt Nam, bạn đọc đã biết trong một chiếc bánh bao bao nhiêu calo. Ăn nhiều bánh bao vẫn có nguy cơ tăng cân nhưng nếu bạn kết hợp với thực đơn ăn uống khoa học, vận động thường xuyên thì hoàn toàn không phải lo sẽ bị tăng cân khi ăn bánh bao. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/banh-bao-bao-nhieu-calo-cach-an-banh-bao-khong-so-beo-68066.html

2. https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/banh-bao-bao-nhieu-calo/

3. https://www.nhathuocankhang.com/ban-tin-suc-khoe/banh-bao-bao-nhieu-calo-an-banh-bao-co-beo-khong-1537581

Đăng ký để khám phá những cách mới để bảo vệ sức khỏe và sự giàu có của bạn.